Xác định lại tiêu chí xây dựng lương tối thiểu

(NLĐO)- Khoản 1, Điều 91 của Bộ Luật Lao động hiện hành quy định: Tiền lương tối thiểu (LTT) phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.

Bộ LĐ-TB-XH đang xây dựng dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi), một trong những nội dung quan trọng là sẽ đưa ra những tiêu chí mới để làm căn cứ xây dựng mức lương tối thiểu (LTT) với mục đích "Bảo đảm tiền LTT ở mức đáp ứng được mức sống tối thiểu và cải thiện đời sống người lao động (NLĐ)".

Qua khảo sát với 1.600 NLĐ tại 60 công ty do Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện, chỉ 20% trả lời thu nhập không thể đủ cho cuộc sống của họ; 31% phải chi tiêu rất đạm bạc và tiết kiệm; 41% có mức lương chỉ đủ để trang trải các nhu cầu cuộc sống của họ; và chỉ có 8,0% có khả năng để làm cho tiết kiệm. Với mức thu nhập thấp như vậy, người lao động buộc phải làm việc thêm giờ để duy trì cuộc sống.

Xác định lại tiêu chí xây dựng lương tối thiểu - Ảnh 1.

Khoản 1, Điều 91 của Bộ Luật Lao động hiện hành quy định: Tiền LTT phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.

Khoản 1, Điều 91 của Bộ Luật Lao động hiện hành quy định: Tiền LTT phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Thực tiễn thực hiện trong thời gian vừa qua cho thấy việc xác định nhu cầu sống tối thiểu là rất khó định lượng. Các khảo sát về nhu cầu sống thường khó cho kết quả chính xác vì người khảo sát thường có xu hướng kê khai cao hơn so với nhu cầu thật của họ, ngoài ra nhu cầu sống của người khảo sát có sự chênh lệch khác biệt đối với mỗi đối tượng khảo sát (nhu cầu vật chất và nhu cầu về tinh thần).

Từ thực tế này, Bộ LĐ-TB-XH đang soạn thảo đề xuất sửa đổi quy định mức LTT theo hướng đảm bảo "mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ" để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện. Bên cạnh đó, sẽ quy định các tiêu chí để Hội đồng tiền lương quốc gia làm căn cứ vào đó để xác định tiền LTT gồm:

1. Mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.

2. Mức tiền lương phổ biến trên thị trường lao động.

3. Chi phí sinh hoạt.

4. Khả năng chi trả của người sử dụng lao động

5. Điều kiện kinh tế - xã hội; năng suất lao động, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm và thất nghiệp của NLĐ.