Xử lý nợ bảo hiểm tại các doanh nghiệp phá sản vẫn bế tắc

(NLĐO)- BHXH Việt Nam cho biết đến hết quý I-2018, số tiền nợ các loại bảo hiểm đã lên đến 12.960 tỉ đồng. Trong đó nợ BHXH là hơn 10.000 tỉ đồng, nợ BHYT hơn 2.000 tỉ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là hơn 960 tỉ đồng.


Đáng quan ngại nhất là tình trạng nhiều DN, đặc biệt DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có chủ bỏ trốn về nước hoặc mất tích diễn ra trên diện rộng, khiến việc thu hồi nợ BHXH của các DN  cũng gặp nhiều khó khăn.

Bộ LĐ-TB-XH cho biết quy định hiện hành đã cho phép các DN đang còn hoạt động nợ tiền đóng BHXH có thể giải quyết quyền lợi cho những NLĐ đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc thôi việc, chuyển đơn vị, DN khác. Tuy nhiên, đối với các DN giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn thì chưa có quy định giải quyết quyền lợi về BHXH đối với NLĐ trong các đơn vị, DN này.

Xử lý nợ bảo hiểm tại các doanh nghiệp phá sản vẫn bế tắc - Ảnh 1.

Từng người lao động tại Công ty TNHH Keo Hwa Vina ủy quyền cho LĐLĐ huyện Hóc Môn khởi kiện đòi lương, BHXH. Ảnh: Cao Hường

Trên cơ sở đó, mới đây, Bộ LĐ-TB-XH đưa ra 3 phương án giải quyết quyền lợi cho NLĐ.

Phương án 1, cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH đối với NLĐ đến thời điểm NLĐ nghỉ việc để làm cơ sở giải quyết các chế độ BHXH, hoặc chốt sổ BHXH để NLĐ chuyển đơn vị khác. Ngân sách Nhà nước bảo đảm khoản tiền nợ BHXH của các DN giải thể, phá sản mà sau khi thực hiện xử lý tài sản của DN không đủ trả tiền nợ đóng BHXH.

Phương án 2, cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH đối với NLĐ đến thời điểm NLĐ nghỉ việc để làm cơ sở giải quyết các chế độ BHXH, hoặc chốt sổ BHXH để NLĐ chuyển đơn vị khác. Sau khi thực hiện xử lý tài sản của DN giải thể, phá sản mà không đủ trả tiền nợ đóng BHXH, thì quỹ BHXH chịu khoản tiền nợ BHXH không thu hồi được.

Phương án 3, cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH đối với NLĐ đến thời điểm đóng đủ BHXH; sau này nếu thu hồi được khi thực hiện xử lý tài sản của DN thì sẽ xác nhận bổ sung cho người lao động. Sửa đổi một số pháp luật có liên quan theo hướng khi thanh lý tài sản của các DN giải thể, phá sản thì tiền đóng BHXH được ưu tiên trước khi thanh toán các khoản khác. Đối với phương án này, sẽ bảo đảm đúng nguyên tắc đóng-hưởng theo quy định của Luật BHXH. Ngân sách Nhà nước không phải bố trí một khoản kinh phí bảo đảm tiền nợ đóng BHXH của các DN đã giải thể, phá sản.

Trong ba phương án trên, Bộ LĐ-TB-XH cho biết sẽ tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành liên quan để đề xuất một phương án trình Chính phủ. Trên cơ sở phương án đã lựa chọn, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để thực hiện.