Yêu cầu doanh nghiệp truy đóng BHXH

Để bảo đảm quyền lợi của mình, ông Thiện có thể yêu cầu đơn vị có trách nhiệm truy đóng BHXH theo hợp đồng lao động đã ký kết

NGUYỄN VĂN THIỆN (tỉnh Long An) hỏi: "Tôi làm việc tại nhà máy cơ khí với hợp đồng lao động có thời hạn 1 năm. Trong lúc làm việc, do bất cẩn nên tôi bị tai nạn lao động (TNLĐ). Tuy nhiên, tôi không được giải quyết chế độ TNLĐ vì nhà máy không đóng BHXH cho tôi. Vậy tôi phải làm thủ tục gì để được hưởng chế độ TNLĐ?".

- Luật sư ĐẶNG ANH ĐỨC, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, trả lời: Tại điểm a, khoản 1 điều 3 Nghị định số 44/2017/NĐ-CP ngày 14-4-2017 của Chính phủ quy định: "Người sử dụng lao động (NSDLĐ) hằng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp (BNN) theo quy định tại khoản 3 điều 44 Luật An toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) với mức như sau: 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động (NLĐ) được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 điều 2 Luật BHXH". Khoản 4 điều 39 Luật AT-VSLĐ năm 2015 quy định: "Nếu NSDLĐ không đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN cho NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH; thì ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy định tại điều 38 của Luật AT-VSLĐ, NSDLĐ phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN theo quy định tại Mục 3 Chương III Luật AT-VSLĐ, khi NLĐ bị TNLĐ, BNN; việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên, trường hợp không thống nhất thì thực hiện theo yêu cầu của NLĐ. Do không đóng BHXH cho ông tại thời điểm ông xảy ra TNLĐ nên nhà máy phải trả chế độ cho ông theo quy định tại khoản 4 điều 39 Luật AT-VSLĐ. Bên cạnh đó, để bảo đảm quyền lợi của mình, ông có thể yêu cầu đơn vị có trách nhiệm truy đóng BHXH theo hợp đồng lao động đã ký kết.