Công khai đối đầu liên quân Mỹ, Houthi có thực lực đến đâu?

(NLĐO) – Houthi không còn là một đội quân ô hợp nữa; trong tay lực lượng này có cả một kho vũ khí hiện đại bao gồm đủ loại tên lửa, thiết bị không người lái…

Houthi là nhóm nào?

Houthi là một nhóm vũ trang Yemen được đặt theo tên người sáng lập - Hussein Badreddin al Houthi, thủ lĩnh nhánh Zaidi của Hồi giáo Shiite và từng là nghị sĩ Yemen. 

Với tên chính thức là Ansar Allah (tạm dịch "Những người phù trợ của Thánh Allah"), lực lượng này có khoảng 20.000 tay súng thành viên. Nhóm đang kiểm soát nhiều vùng rộng lớn ở Yemen, bao gồm thủ đô Sana'a, hầu hết miền Bắc và một vài khu vực ở miền Tây giáp với Ả Rập Saudi.

Houthi nổi lên từ những năm 1990 để phản đối ảnh hưởng tôn giáo của Ả Rập Saudi ở Yemen, đến năm 2014 nhóm này chống lại chính phủ Yemen, ép bộ máy nhà nước Yemen phải chạy khỏi thủ đô Sana'a. 

Với sự hỗ trợ của Iran, nhóm này nhiều năm liền chống cự lại liên minh quân sự do Ả Rập Saudi dẫn đầu. Hiện thời Houthi và Ả Rập Saudi đang đàm phán ngừng bắn trong khi Riyadh và Tehran cũng khôi phục quan hệ vào năm ngoái.

Những người ủng hộ Houthi ở thủ đô Sana'a của Yemen. Ảnh: Sky News

Những người ủng hộ Houthi ở thủ đô Sana'a của Yemen. Ảnh: Sky News

Houthi được gì khi tấn công tàu thuyền trên biển Đỏ?

Houthi bắt đầu tấn công tàu thuyền trên biển Đỏ sau khi xung đột giữa Hamas và Israel bùng phát vào tháng 10-2023. Nhóm vũ trang ở Yemen tuyên bố Israel phải ngừng vây hãm Dải Gaza, mở đường cho viện trợ đến tay người Palestine nhiều hơn, nếu không tàu thuyền liên quan đến Israel sẽ trở thành mục tiêu.

Ngày 18-11-2023, Houthi bắt tàu hàng Galaxy Leader. Gần đây hơn, nhóm này đánh chìm tàu hàng Rubymar của Anh vào tháng 2 năm nay và lần đầu tiên gây thương vong dân sự - 3 thủy thủ tử vong, 4 ngườibị thương – khi tấn công tàu True Confidence vào đầu thảng 3. 

Từ mục tiêu là tàu thuyền liên quan đến Israel ban đầu, Houthi nhắm bắn luôn tàu chiến của liên quân quốc tế cũng như tàu thương mại liên quan đến các nước tham gia liên quân. Phạm vi tấn công cũng mở rộng ra ngoài biển Đỏ.

Hình ảnh Houthi bắt tàu hàng Galaxy Leader vào tháng 11 năm ngoái. Ảnh: Ynet News

Hình ảnh Houthi bắt tàu hàng Galaxy Leader vào tháng 11 năm ngoái. Ảnh: Ynet News

Tàu hàng Rubymar bị rò rỉ nhiên liệu sau khi trúng tên lửa của Houthi. Ảnh: Reuters

Tàu hàng Rubymar bị rò rỉ nhiên liệu sau khi trúng tên lửa của Houthi. Ảnh: Reuters

Ngoài mục đích công khai là bày tỏ tình đoàn kết với người Palestine, theo giới chuyên gia, Houthi tấn công trên biển Đỏ còn vì nhiều lý do khác. Thứ nhất, số người đầu quân cho Houthi tăng mạnh bên trong Yemen, nhờ vào sự ủng hộ dành cho Gaza. Thứ hai, phản ứng từ các siêu cường như Mỹ lại khiến Houthi tăng tính chính danh bởi các quốc gia và chính phủ khác phải thương lượng với chính lực lượng này thay vì chính phủ Yemen được quốc tế công nhận.

Thực lực của Houthi đến đâu?

Vào tháng 9 năm ngoái, theo trang Ynet News, Houthi tổ chức cuộc diễu binh lớn ở thủ đô Sana'a, bao gồm phô bày năng lực phòng không.

Theo Viện nghiên cứu An ninh quốc gia Israel (INSS), kho vũ khí của Houthi dồi dào các loại vũ khí được chế tạo bằng thiết bị hoặc thành phần đến từ Iran, bao gồm tên lửa đạn đạo (tầm trung và tầm xa), tên lửa hành trình, thiết bị không người lái... Tuy nhiên, Iran lâu nay phủ nhận cung cấp vũ khí cho Houthi.

"Tên lửa đạn đạo của Houthi chính là tên lửa của Iran, với tầm bắn từ 1.600-2.000 km, chẳng hạn tên lửa Shehab-3 tầm bắn 2.000 km hoặc các phiên bản khác của Shehab như Burkan-3 (tầm bắn 1.200 km)" – báo cáo của INSS chỉ ra. 

Ngoài ra, theo INSS, Houthi còn có các loại tên lửa hành trình Sumar (tầm bắn 2.000 km, mang đầu đạn 500 kg), Quds-2… hoặc Typhoon (một biến thể của tên lửa Qadr của Iran với tầm bắn 1.600-1.900 km, có thể vươn tới Israel).

Trong số vũ khí của Houthi, INSS đánh giá mối đe dọa hàng hải chủ yếu đến từ hai loại tên lửa đất đối biển C-801 và C-802 cùng các tay súng biệt kích thiện chiến.

Về thiết bị không người lái, Houthi nói toàn bộ do họ chế tạo tại Yemen, dù giới chuyên gia khẳng định có dấu vết của các bộ phận đến từ Iran. Trong kho của Houthi có thể kể ra các loại drone như Shahed-136 tầm bay 2.000 km (của Iran), Samad-3 (bay khoảng 1.600 km, chở theo 18 kg thuốc nổ), Samad-4 (tầm bay 2.000-2.500 km, chở theo 45 kg thuốc nổ)…

Công khai đối đầu liên quân Mỹ, Houthi có thực lực đến đâu?- Ảnh 4.

Tên lửa của Houthi trong cuộc diễu binh ở Sana'a tháng 9-2023. Ảnh: Sky News

Tên lửa của Houthi trong cuộc diễu binh ở Sana'a tháng 9-2023. Ảnh: Sky News

Tên lửa của Houthi trong cuộc diễu binh ở Sana'a tháng 9-2023. Ảnh: Sky News

Năng lực sử dụng loại vũ khí này của Yemen được chứng tỏ bằng các cuộc tấn công vào Ả Rập Saudi năm 2019 và 2021, tấn công Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) năm 2022. Drone của Houthi sử dụng định vị GPS và bay tự động theo đường bay lập trình sẵn, theo các chuyên gia.

Trong cuộc phỏng vấn với báo Al-Araby Al-Jadeed (Qatar), một quan chức của Houthi nhấn mạnh: "Chúng tôi có hàng loạt loại vũ khí được chế tạo ngay tại Yemen như thủy lôi, tên lửa hành trình, tên lửa đất đối không, một số đã được dùng trong xung đột hiện nay. Song, chúng tôi vẫn còn những bí mật khác sẽ được tiết lộ vào thời điểm phù hợp".

Mới đây, tờ The Jerusalem Post ngày 15-3 trích lời một quan chức giấu tên của Houthi nói trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga cho biết lực lượng này đã thử nghiệm thành công một loại tên lửa bội siêu thanh có khả năng đạt vận tốc Mach 8, với độ sát thương cao và chuẩn bị bổ sung vào kho vũ khí. 

Tên lửa bội siêu thanh có thể bay ở vận tốc Mach 5 (tức gấp 5 lần vận tốc âm thanh) và có khả năng điều chỉnh quỹ đạo trong quá trình bay. Tốc độ Mach 8 tương đương 9.800 km/giờ.

Theo quan chức này, tên lửa mới của Houthi sử dụng nhiên liệu rắn và có thể được sử dụng trong các cuộc tấn công tại biển Ả Rập, vịnh Aden và các mục tiêu tại Israel. Thậm chí, Houthi đe dọa sẽ mở rộng tấn công tàu thuyền đi qua mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi, thay vì chỉ tập trung vào khu vực biển Đỏ.

Houthi đe dọa mở rộng tấn công cả tàu thuyền đã chuyển hướng vòng xuống mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi. Nguồn: Al Jazeera

Houthi đe dọa mở rộng tấn công cả tàu thuyền đã chuyển hướng vòng xuống mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi. Nguồn: Al Jazeera

Liên quân quốc tế đem gì đến biển Đỏ?

Mỹ - Anh

Ngày 18-12 năm ngoái, Mỹ công bố thành lập liên quân đa phương nhằm bảo vệ tàu thuyền ở biển Đỏ, eo biển Bab al-Mandeb, vịnh Aden trước các cuộc tấn công của Houthi. Theo Lầu Năm Góc, hiện có hơn 20 nước tham gia sáng kiến Người bảo vệ thịnh vượng này.

Ngày 10-1 năm nay, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Houthi ngừng tấn công tàu thương mại. Cũng trong ngày này, Houthi thực hiện đợt tấn công dữ dội nhất, với 18-24 drone và tên lửa phóng tới các tàu quốc tế, bao gồm tàu chiến, trên biển Đỏ. 

Hai ngày sau, liên quân do Mỹ dẫn đầu thực hiện các cuộc không kích đầu tiên nhắm vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen.

Chịu trách nhiệm điều phối hoạt động của liên minh là Lực lượng đặc nhiệm phối hợp 153, dưới sự chỉ huy của Lực lượng Hàng hải hỗn hợp. Trong số tàu Mỹ tham gia có Nhóm tác chiến tàu sân bay số 2 của Hải quân Mỹ, bao gồm tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower và các tàu khu trục hộ tống lớp Arleigh Burke là USS Gravely, USS Laboon, USS Mason. 

Để ngăn chặn Houthi, Mỹ triển khai tên lửa Tomahawk – được khai hỏa từ các tàu mặt nước và tàu ngầm USS Florida.

Tên lửa Tomahawk được phóng từ tàu chiến Mỹ trong cuộc tấn công đêm 11-1-2024 - Ảnh: BỘ TƯ LỆNH TRUNG TÂM MỸ

Tên lửa Tomahawk được phóng từ tàu chiến Mỹ trong cuộc tấn công đêm 11-1-2024 - Ảnh: BỘ TƯ LỆNH TRUNG TÂM MỸ

Ynet News cho biết các tàu của Mỹ được trang bị nhiều loại tên lửa đất đối không, súng máy và các hệ thống vũ khí bổ sung khác; bên cạnh đó là khả năng tác chiến điện tử, tức cắt đứt liên lạc giữa UAV với hệ thống điều khiển chúng.

Phía Anh phái tàu khu trục HMS Diamond, khinh hạm HMS Richmond, máy bay chiến đấu Typhoon (mang bom Paveway IV)… 

Các nước Hy Lạp, Đan Mạch… đều thông báo gửi 1 khinh hạm đến tham gia, còn Canada triển khai một số lượng không xác định phương tiện hỗ trợ trên đất liền, biển và trên không. Trong khi đó, Úc, Hà Lan, Na Uy, Singapore, New Zealand, Phần Lan… phái sĩ quan đến hỗ trợ.

Máy bay Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh trở về sau khi thực hiện nhiệm vụ tấn công Houthi trong bức ảnh được công bố ngày 12-1 - Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG ANH

Máy bay Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh trở về sau khi thực hiện nhiệm vụ tấn công Houthi trong bức ảnh được công bố ngày 12-1 - Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG ANH

Châu Âu

Song song chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng do Mỹ dẫn đầu, Liên minh châu Âu cũng triển khai chiến dịch Aspides (tiếng Hy Lạp là "Lá chắn") để bảo vệ tự do hàng hải từ biển Đỏ đến vùng Vịnh và một phần rộng lớn ở Tây Bắc Ấn Độ Dương. 

Đặc biệt, hải quân EU chỉ bảo vệ tàu thuyền khỏi các cuộc tấn công trên biển và trên không, chứ không thực hiện các cuộc không kích vào đất liền.

Chiến dịch này đặt tổng hành dinh chỉ huy tại Larissa – Hy Lạp và kéo dài 1 năm, bắt đầu từ ngày 19-2-2024. Tham gia chiến dịch của EU có các tàu chiến của Pháp (bao gồm chiếc Languedoc), Ý (khinh hạm Virginio Fasan), Tây Ban Nha (khinh hạm Victoria)…

Ngoài ra, trong khu vực này còn hiện diện lực lượng hải quân của một số nước hoạt động độc lập, nổi bật là hải quân Ấn Độ.

Không dễ trấn áp Houthi?

Houthi kiểm soát đường bờ biển chiến lược của Yemen dọc theo biển Đỏ. Theo đánh giá của đài Sky News (Anh), tuy có mức độ bao phủ lớn song các cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu khó lòng làm suy yếu Houthi. Bằng chứng là khoảng 10 năm qua, Houthi đã đối mặt nhiều trận không kích dữ dội tương tự từ phía liên quân do Ả Rập Saudi dẫn đầu. Kết quả là lực lượng này không chỉ vẫn trụ vững mà dường như còn mạnh hơn.