Công nhân đô thị trước thời khắc lịch sử
Trong cuộc chuyển mình vĩ đại của mùa xuân năm 1975, trong sự phát triển mạnh mẽ hôm nay và ngày mai của TP HCM, có một phần đóng góp của đội ngũ công nhân
Khúc ca khải hoàn của chiến dịch Hồ Chí Minh, non sông về một mối, dựng xây cuộc sống mới, hoài bão cho tương lai tươi sáng hơn luôn làm cho lòng người rạo rực, tự hào mỗi khi nghĩ tới dù đã trải qua nửa thế kỷ. Trong những chiến công lớn, có một phần ghi dấu của tổ chức Công đoàn và đóng góp thầm lặng của giai cấp công nhân (CN).
Tư tưởng của Đảng dẫn dắt hành động
Bên cạnh những chỉ đạo cụ thể trong mỗi thời điểm cách mạng, Đảng ta có nhiều chủ trương xuyên suốt về phong trào CN vùng đô thị và giao trọng trách cho tổ chức Công đoàn (Công vận) bám chắc, trực tiếp xây dựng, lãnh đạo phong trào CN.
Kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng lực lượng CN và tổ chức hoạt động thành cao trào chính trị, góp phần thực hiện mục tiêu mới của cách mạng. Hội nghị cán bộ Công đoàn các đô thị miền Nam do Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam triệu tập vào tháng 8-1969 chỉ rõ: "… ra sức xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức Công đoàn bí mật ở cơ sở, hình thành hệ thống tổ chức Công đoàn từ dưới lên, tập hợp đông đảo CN và lao động vào các tổ chức công khai và nửa công khai, khẩn trương đào tạo cán bộ, kiên quyết đẩy mạnh phong trào đấu tranh cho những quyền lợi bức bách của quần chúng trên cơ sở đẩy mạnh phong trào đấu tranh 3 mũi chính trị, vũ trang, binh vận thường xuyên liên tục tiến lên thành cao trào chính trị và du kích chiến tranh rộng mạnh ở khắp các đô thị, thị xã, góp phần giành thắng lợi quyết định tạo những điều kiện cơ bản tiếp tục đấu tranh thực hiện những mục tiêu của cách mạng miền Nam là: Độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới thống nhất nước nhà, đồng thời kiên quyết đánh thắng địch nếu chúng kéo dài chiến tranh".

Ông Trần Thanh Hải, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong một lần thăm hỏi công nhân ở trọ. Ảnh: THANH NGA
Trước thời khắc lịch sử của chiến dịch Hồ Chí Minh, Ban Công vận Thành ủy đã hướng dẫn nhiệm vụ cụ thể cho cơ sở, xác định trọng trách giữ gìn cơ sở vật chất cho cách mạng. "Trường hợp đại quân ta vào, địch không thiết quân luật thì phát động quần chúng CN nổi dậy chiếm lĩnh nhà máy, kho tàng, kiên quyết bảo vệ, không để địch có thời gian phá hoại. Trường hợp địch thiết quân luật, đi lại khó khăn thì CN tham gia khởi nghĩa ở xóm nhưng phải bố trí sẵn sàng bảo vệ nhà máy, kiên quyết không cho địch phá hoại nhà máy, kho tàng".
Ngày 10-4-1975, Liên hiệp Công đoàn Gia Định - Thủ Đức ra lời hiệu triệu CN xung trận: "Anh chị em CN - lao động hãy dũng cảm tiến lên, đoàn kết lại, phất cao ngọn cờ tiên phong, cầm búa dao đánh đổ ngụy quyền, giành lại cơm áo, tự do!".
Hưởng ứng lời hiệu triệu của Công đoàn, những CN cốt cán sau bao năm xây dựng, rèn luyện đã đồng loạt hoạt động, trở thành lực lượng cách mạng, mưu trí thực hiện nhiệm vụ lịch sử. Điển hình là CN Nhà máy Nước Thủ Đức đã chủ động vận động, tổ chức cho gia đình CN dựng lều tạm trong khu vực nhà máy; đấu tranh không cho lính ngụy rút chạy từ các nơi vào nhà máy. Lúc 6 giờ 45 phút ngày 30-4-1975, CN đã treo cờ cách mạng, kêu gọi lính ngụy đóng quanh nhà máy rời khỏi hàng ngũ và CN đã hoàn toàn làm chủ nhà máy.

Công nhân Nhà máy Nước Thủ Đức hăng say làm việc ngay sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: TƯ LIỆU SAWACO
Lan tỏa tinh thần xóm thợ
Xây dựng pháo đài trong xóm thợ là chiến lược của cách mạng. Nghị quyết Thường vụ Khu ủy và công tác Công vận tháng 4-1965 chỉ rõ: "Bám chặt vào quần chúng CN - lao động tại xóm, tập hợp tất cả CN - lao động trong xóm thành một lực lượng mạnh mẽ, vững chắc, đủ sức làm nòng cốt để hình thành và mở rộng mặt trận liên hiệp rộng rãi mọi người yêu nước chống Mỹ ở xóm, đánh bại mọi âm mưu chính sách của kẻ địch để giữ người, giữ của, phá thế kìm kẹp ở xóm, biến xóm lao động thành căn cứ địa cách mạng ở nội thành, gấp rút xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang, từng bước tổ chức quản lý xóm, tiến lên toàn thành. Nổi dậy đánh đổ chính quyền địch, giành chính quyền về tay nhân dân ở đô thị".
Xác định đúng đắn tầm quan trọng của xóm thợ; được sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời của Đảng và Ban Công vận các cấp, phong trào CN - lao động có chuyển biến mới, được kiểm chứng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968. CN - lao động đã nổi dậy, phối hợp với quân giải phóng chiến đấu dũng cảm, làm chủ nhiều khu, xóm lao động như: vùng Bà Quẹo và xưởng dệt Vinatexco, xóm Trường Đua (quận 11), xóm lao động chợ Trần Quốc Toản (quận 10), các xóm Minh Phụng (đường 46)…
Đến đầu năm 1970, Hội nghị Khu ủy lần thứ 4 (tháng 5-1970), một lần nữa giao trọng trách cho Ban Công vận đã chỉ rõ những việc cụ thể cần tiến hành: "Tổ chức quần chúng ở xóm cũng phải theo tổ chức giai cấp và giới, hoạt động của các liên quận phải liên hệ chặt chẽ với Ban Công vận thành về các vấn đề vận động CN - lao động ở xóm".
Chủ trương đúng đắn, sự dày công chuẩn bị, được thực tiễn kiểm nghiệm nên nhiều xóm thợ đã chủ động giành chính quyền. Điển hình là cuộc nổi dậy của CN hỏa xa. Tiếp nhận bản hướng dẫn hành động của quần chúng nội thành khi có thời cơ tổng khởi nghĩa của Thường vụ Thành ủy, ngày 12-4-1975, CN hỏa xa lên kế hoạch nổi dậy tại Sài Gòn, lấy cư xá hỏa xa đường Lý Thái Tổ làm nơi tập hợp quần chúng, làm vùng trọng điểm khởi nghĩa cho cả khu vực ngã bảy Chuồng Bò.
Ngày 20-4-1975, nơi đây đã thành lập Ban Cán sự Đảng vùng trọng điểm gồm 5 phường thuộc quận 3. 10 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, CN treo 2 lá cờ lớn tại cư xá hỏa xa và Công trường Ngã Bảy; hàng trăm CN đi kêu gọi đồng bào nổi dậy và lúc 11 giờ 45 phút ngày 30-4-1975, Ủy ban Nhân dân cách mạng phường Cộng Hòa thành lập, có 9 người đều là CN hỏa xa, đã tổ chức bảo đảm an ninh - trật tự khu vực rộng lớn từ ngã sáu Hồng Thập Tự đến đường Trần Quốc Toản.
Khẳng định vai trò của Công đoàn
Ngày 26-9-1974, Ban Công vận Thành ủy thành lập Ủy ban Bảo vệ quyền lợi lao động để thu hút nghiệp đoàn cơ sở thuộc các trung tâm Công đoàn khác. Chỉ trong một thời gian ngắn, Ủy ban Bảo vệ quyền lợi lao động đã quy tụ được gần 30 tổ chức - gồm nghiệp đoàn, liên đoàn, tổng liên đoàn và một đoàn cố vấn trên 20 nhân sĩ… - trở thành một tổ chức có tính chất mặt trận tiến bộ và rộng rãi, trong đó CN - lao động làm nòng cốt, là trung tâm mới của các nghiệp đoàn công khai.
Ủy ban đã lãnh đạo cuộc biểu tình lớn đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Paris, lập lại hòa bình vào ngày 20-10-1974. Cuộc biểu tình từ ngã bảy kéo ra bùng binh Sài Gòn đến trụ sở Hạ viện ngụy quyền, thu hút hàng vạn quần chúng tham gia.
Đầu năm 1975, phong trào đấu tranh của CN Sài Gòn vẫn diễn ra mạnh mẽ, vấn đề dân sinh, dân chủ là chủ yếu nhưng thái độ chính trị cũng rõ ràng hơn. Ngày 22-2-1975, hàng vạn người của Ủy ban Bảo vệ quyền lợi lao động mít tinh đả đảo Nguyễn Văn Thiệu tại chợ Cầu Muối và kéo đi biểu tình, xảy ra xô xát với cảnh sát.
Đến tháng 3-1975, nếu như CN BGI và bông gòn Bạch Tuyết đấu tranh chống sa thải, CN xe lam "dàn trận" tại dốc cầu Tân Thuận chống bọn tay chân Nguyễn Văn Thiệu giành đường cướp khách của xe lam thì cuộc đấu tranh của CN Dệt Liên Phương tiếp tục được CN của 50 hãng, xưởng ra quyết định ủng hộ. Đặc biệt, nghiệp đoàn xe buýt quyết định ly khai Tổng Liên đoàn Lao công, thể hiện thái độ chính trị dứt khoát của CN xe buýt.
Các cuộc đấu tranh của CN - lao động đầu năm 1975 tiếp tục mạnh mẽ, có xung lực mới, được các tầng lớp đồng bào tham gia, có ý nghĩa như cuộc tập dượt quần chúng trước khi bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, giải phóng thành phố, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là minh chứng sống động về vai trò của tổ chức Công đoàn, của phong trào CN ở đô thị trong thời điểm quyết định của cuộc cách mạng.
Phát huy phẩm chất tốt đẹp của giai cấp
Đóng góp của CN - lao động trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 có nguồn gốc từ việc xây dựng nền móng của tổ chức Công đoàn. Thực tiễn hoạt động ở thành phố, nhất là trong điều kiện có nhiều trung tâm Công đoàn với mục tiêu hoạt động rất khác nhau, cho thấy Công đoàn chân chính là tổ chức trực tiếp tập hợp CN, tập hợp từ dưới lên, xây dựng đội ngũ cán bộ từ phong trào CN, khi cần thiết thì đưa cán bộ thâm nhập nhà máy, làm cho tổ chức Công đoàn gắn chặt với CN, phát huy đúng mức phẩm chất tốt đẹp của giai cấp CN.