Cựu cục trưởng An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong nhận bao nhiêu tiền "cảm ơn"?
(NLĐO)- Cựu cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong khai sau một lần đi hậu kiểm về, được cấp dưới đưa phong bì, nói là "doanh nghiệp cảm ơn".
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố bị can đối với cựu cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong về tội Nhận hối lộ.

Cựu cục trưởng Nguyễn Thanh Phong. Ảnh: Bộ Công an
Cùng về tội danh nêu trên, 4 cán bộ Cục An toàn thực phẩm khác cũng bị khởi tố, gồm: Đinh Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm; Nguyễn Thị Minh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm; Lê Thị Hiên, chuyên viên trung tâm và Cao Văn Trung, Phó trưởng phòng Giám sát ngộ độc.
Các quyết định tố tụng nêu trên nằm trong quá trình Bộ Công an mở rộng điều tra vụ sản xuất và buôn bán hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả do Nguyễn Năng Mạnh (36 tuổi, Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch HĐQT Công ty MediUSA) cầm đầu.
Tại cơ quan công an, bị can Nguyễn Thanh Phong khai sau một lần đi hậu kiểm về, được Cao Văn Trung đưa phong bì bên trong có 50 triệu đồng, nói là "doanh nghiệp cảm ơn".
Theo lời khai của cựu cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, bị can đã nhận tổng cộng 250 triệu đồng sau những lần đi cấp chứng nhận GMP, hậu kiểm... cho 2 nhà máy MediPhar và MediUSA.
Trong khi đó, bị can Cao Văn Trung thừa nhận sai phạm của bản thân đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp lợi dụng, khi quy định của pháp luật còn lỏng lẻo, chưa rõ ràng, làm cho công tác kiểm tra hậu kiểm giảm tính khách quan.

Các bị can Nguyễn Thanh Phong; Đinh Quang Minh; Nguyễn Thị Minh Hải; Lê Thị Hiên; Cao Văn Trung (theo thứ tự từ trái qua). Ảnh: Bộ Công an
Cơ quan điều tra xác định để được sản xuất và tiêu thụ thực phẩm chức năng, doanh nghiệp của Mạnh cần có giấy chứng nhận GMP (có hiệu lực 3 năm) và giấy công bố sản phẩm do Cục An toàn thực phẩm cấp. Tuy nhiên, thay vì tuân thủ quy trình, nhóm doanh nghiệp đã chi khoảng 3,2 tỉ đồng cho một số lãnh đạo, cán bộ để "lobby", qua đó lách các lỗi trong thẩm định và hậu kiểm.
Từ đó, các bị can tạo điều kiện cho 2 nhà máy MediPhar và MediUSA trong việc thẩm định, hậu kiểm và cấp 4 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt; cấp 207 Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm (cấp phép) cho 207 sản phẩm thực phẩm chức năng của 9 công ty thuộc hệ sinh thái do Mạnh điều hành.
Đối với Nguyễn Năng Mạnh, Bộ Công an cáo buộc Mạnh cùng Đỗ Mạnh Hoàng (Giám đốc Công ty MediPhar), Khúc Minh Vũ (Giám đốc Công ty Việt Đức), Phạm Thị Hường (kế toán phụ trách 4 Công ty MediPhar, MediUSA, MegaLife, Hùng Phương); Lê Thị Toan (thủ quỹ 6 công ty MediPhar, MediUSA, MegaLife, Hùng Phương, MegaPhaco, Việt Đức) đã thành lập và điều hành nhiều công ty để hợp thức hóa hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả.
Các bị can thực hiện từ khâu nhập khẩu nguyên liệu đến sản xuất, đóng gói bao bì và tiêu thụ trên thị trường. Cùng với đó, Mạnh cho nhân viên sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán (một sổ sách kế toán nội bộ và một sổ sách kê khai nộp thuế) để giảm số thuế phải nộp, gây thất thu thuế cho Nhà nước.
Đối với các sản phẩm giả, các đối tượng cho in trên bao bì, nhãn mác sản phẩm là nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu... nhưng trên thực tế chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và mua trôi nổi trên thị trường. Về chỉ tiêu chất lượng, nhiều thành phần chỉ đạt dưới 30% so với công bố.
Nhóm người tiêu dùng mà các đối tượng nhắm đến để bán sản phẩm chủ yếu tập trung vào người già, trẻ em.