Cứu người trên hết
Từng ngày, người dân trông chờ ngành y hành động mạnh mẽ, sâu sát để không còn phải chứng kiến những trường hợp đau lòng
Trường hợp bé trai 4 tuổi phải "nộp đủ tiền mới được cấp cứu" xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định cho thấy còn nhiều bất cập trong việc nắm bắt và thực thi pháp luật về y tế trong xã hội hiện nay.
Trước hết, phải nói rằng Bệnh viện Đa khoa Nam Định đã bất nhất khi ban đầu khẳng định người nhà bệnh nhi đã "hiểu nhầm" nhưng rồi sau đó lại tạm đình chỉ công tác một số nhân viên y tế liên quan đến ca trực hôm 3-5.
Chỉ có bệnh viện hiểu nhầm hoặc cố tình làm sai mà thôi! Vì, theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP và Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014, trẻ em dưới 6 tuổi thuộc đối tượng được hưởng BHYT, được cấp thẻ BHYT miễn phí. Với trường hợp bệnh nhi ở Nam Định, cháu được khám chữa bệnh tại bất cứ cơ sở y tế nào (nếu trái tuyến thì chỉ khác mức hưởng). Có thể lúc nhập viện cháu chưa xuất trình được thẻ BHYT, dù vậy bệnh viện cũng không được phép làm khó, vì đây là ca cấp cứu. Ngoài ra, theo Chỉ thị 06 (2016) của Bộ Y tế, bệnh viện không được thu tiền tạm ứng với bệnh nhân BHYT khám ngoại trú hoặc cấp cứu (chỉ được thu tạm ứng nếu khám chữa bệnh theo yêu cầu hoặc vượt tuyến theo quy định cụ thể của bệnh viện).
Quy định là thế, song trên thực tế việc cơ sở y tế yêu cầu bệnh nhân tạm ứng tiền trước khá phổ biến. Tại sao như vậy? Vì vượt tuyến, vì không có thẻ BHYT, vì nhiều kỹ thuật/dịch vụ y khoa không thuộc diện BHYT thanh toán và vì quy định riêng của bệnh viện do đơn vị ấy tự chủ tài chính theo Nghị định 60/2021. Trong trường hợp bệnh nhân trốn viện, "xù" viện phí hoặc hoàn toàn không đủ khả năng thanh toán thì bác sĩ, nhân viên y tế xử lý vượt rào trước đó sẽ bị trừ lương, thậm chí bị kiểm điểm. Nhân viên y tế với trách nhiệm và tình thương có thể chấp nhận tiếp nhận bệnh trước - cho thanh toán sau nhưng đâu thể bắt họ làm phước mãi được! Họ còn có cuộc sống, gia đình riêng phải lo. Cũng có những trường hợp nhờ linh hoạt giải quyết mà họ được đề cao, khen ngợi hoặc được gia đình bệnh nhân đền đáp hậu hĩnh. Tuy nhiên, đã là quy định pháp lý, với một ngành quan trọng như y tế, thì không nên để tồn tại những mối nguy rình rập chính người trong cuộc.
Nhưng mối nguy lớn hơn cả là cơ chế ấy đẩy nhiều ca bệnh vào cửa tử một cách oan uổng, chỉ vì nghèo, thậm chí giàu mà không mang đủ tiền hoặc có tiền mà lấy chưa kịp. Sứ mệnh của ngành y là cứu người, bản chất của y tế là nhân đạo, cho nên không thể chấp nhận thực tế nhức nhối đó kéo dài. Vì vậy, bên cạnh BHYT, cần hình thành những quỹ thanh toán cấp cứu, có thể huy động từ nhiều nguồn: hỗ trợ của nhà nước, tích lũy của bệnh viện, vận động các quỹ từ thiện, các nhà hảo tâm... Cần có quy định rõ ràng cho dạng quỹ này, trong đó nhất thiết phải bắt buộc nguồn tiền chỉ được chi cho các trường hợp cấp cứu mà không đủ khả năng chi trả viện phí, thuốc men.
Chuyện riêng, cũng cần kể, người bạn của tôi vừa qua đời tại một bệnh viện tuyến quận, có phần do bị bỏ bê trên băng ca trong thời gian khá lâu bởi một số lý do tương tự như trên đã kể, đến khi đẩy vào phòng cấp cứu thì đã…! Từng ngày, người dân trông chờ ngành y hành động mạnh mẽ, sâu sát để không còn phải chứng kiến những trường hợp đau lòng, kiểu như "nộp đủ tiền mới được cấp cứu".