Cựu phóng viên chiến trường quốc tế giao lưu cùng sinh viên báo chí, truyền thông

(NLĐO)- Gần 50 cựu nhà báo, phóng viên chiến trường từng đưa tin về cuộc chiến tranh Việt Nam đã có buổi họp mặt ấn tượng tại TP HCM

Ngày 28-4, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.04.2025), Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM đã tổ chức buổi giao lưu giữa các cựu nhà báo, phóng viên quốc tế và sinh viên ngành báo chí – truyền thông.

Cựu phóng viên chiến trường quốc tế giao lưu cùng sinh viên báo chí, truyền thông- Ảnh 1.

Đông đảo phóng viên, giảng viên và sinh viên tham dự buổi giao lưu đặc biệt tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn - ĐHQG TP HCM

Cựu phóng viên chiến trường quốc tế giao lưu cùng sinh viên báo chí, truyền thông- Ảnh 2.
Cựu phóng viên chiến trường quốc tế giao lưu cùng sinh viên báo chí, truyền thông- Ảnh 3.

Buổi gặp mặt của 47 cựu nhà báo, phóng viên chiến trường thế giới từng tác nghiệp tại chiến tranh Việt Nam

Phát biểu tại buổi giao lưu, GS -TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhấn mạnh: "Cuộc gặp gỡ hôm nay có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh cả nước hướng tới kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Chúng tôi tin rằng, nhìn lại lịch sử không chỉ là tri ân quá khứ mà còn là hành động xây dựng tương lai. Báo chí đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp thông tin tin cậy, kết nối cộng đồng và xây dựng sự đoàn kết".

Tại buổi giao lưu, các cựu phóng viên quốc tế đã chia sẻ những câu chuyện và trải nghiệm sâu sắc về thời gian tác nghiệp tại Việt Nam.

Ông David DeVoss (77 tuổi), cựu phóng viên chiến trường của tạp chí Time (Mỹ), đến Việt Nam lần đầu vào năm 1972. Với ông, chiến tranh Việt Nam rất kinh khủng. Hình ảnh về những cảnh chiến đấu khốc liệt tại một ngôi làng vào cuối tháng 4-1972 khiến ông không không thể nào quên. Vượt qua nỗi sợ hãi và hiểm nguy, những lúc như thế, vai trò của nhà báo trong việc truyền tải sự thật khách quan là vô cùng quan trọng.

Chia sẻ với sinh viên, bà Edith Madelon Lederer (82 tuổi), cho biết bắt đầu sự nghiệp vào năm 1966 tại New York - Mỹ. Bà làm phóng viên chiến trường ở Việt Nam vào năm 1972 và cũng là nữ phóng viên thường trú đầu tiên của AP tại nước ta, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp và vai trò của phụ nữ trong việc đưa tin về chiến tranh.

Cựu phóng viên chiến trường quốc tế giao lưu cùng sinh viên báo chí, truyền thông- Ảnh 5.

Ở tuổi 82, bà Edith Madelon Lederer vẫn rất giàu năng lượng, say sưa kể về những câu chuyện nghề

Một sinh viên đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với những câu chuyện và kinh nghiệm phong phú mà các phóng viên chia sẻ, đồng thời đặt câu hỏi làm thế nào một người Việt Nam có thể làm việc cho các hãng thông tấn quốc tế.

Bà Edith Madelon Lederer thừa nhận rằng báo chí hiện tại đã thay đổi đáng kể, khiến việc gia nhập các tổ chức tin tức truyền thống trở nên khó khăn hơn do sự thu hẹp về nhân sự. Tuy nhiên, bà cũng chỉ ra những con đường tiềm năng.

"Nếu được quay ngược thời gian, tôi sẽ học nhiều ngôn ngữ hơn khi còn trẻ. Đối với một phóng viên quốc tế, càng biết nhiều ngôn ngữ, cơ hội càng lớn, bởi các hãng thông tấn quốc tế có mạng lưới hoạt động trên toàn cầu. Vì vậy, nếu bạn muốn làm việc cho một hãng thông tấn của Mỹ hoặc Anh, việc hoàn thiện tiếng Anh là điều kiện bắt buộc" - cựu nhà báo nhấn mạnh.

Cựu phóng viên chiến trường quốc tế giao lưu cùng sinh viên báo chí, truyền thông- Ảnh 6.

Sau buổi giao lưu, nhiều sinh viên vẫn còn mong muốn lắng nghe thêm nhiều câu chuyện thú vị về nghề báo

Buổi giao lưu không chỉ là cơ hội học hỏi chuyên môn mà còn là dịp để sinh viên bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự dũng cảm của các phóng viên quốc tế khi đến Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, góp phần đưa tin và giúp thế giới hiểu rõ hơn về cuộc chiến và đất nước Việt Nam; hiểu sâu sắc hơn về giá trị của trách nhiệm và lòng dũng cảm trong nghề báo. 

Qua đó, thế hệ nhà báo tương lai được truyền cảm hứng để phát huy tinh thần cống hiến, trung thực và kiên định với những nguyên tắc nghề nghiệp trong một thế giới không ngừng thay đổi.