Dự báo “nóng”: Chật vật hồi phục, Trung Quốc khó “cứu” kinh tế toàn cầu?

(NLĐO) - Đà hồi phục chậm lại của Trung Quốc trong 2 tháng liên tiếp đe doạ triển vọng kinh tế quý II/2023 của nước này. Cùng với nhiều thách thức dai dẳng, Trung Quốc liệu có thể là “cứu tinh” của kinh tế thế giới?

Khi Trung Quốc quyết định mở cửa trở lại, nhiều nhà nghiên cứu kỳ vọng sự phục hồi của nền kinh tế thứ 2 thế giới sẽ bù đắp cho mức độ giảm tốc tăng trưởng đáng kể của 2 trụ cột là Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, đà phục hồi của Trung Quốc đang chậm lại và có dấu hiệu không đồng đều ở các lĩnh vực trong khi quốc gia này còn nhiều vấn đề nội tại phải xử lý.

Chưa có điểm tựa ổn định

Hoạt động tại các nhà máy Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng 4-2023 do nhu cầu tiêu dùng trong nước sụt giảm. Theo khảo sát của Caixin/S&P, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Trung Quốc giảm từ 50 trong tháng 3-2023 xuống 49,5 vào tháng 4-2023, thấp hơn mức kỳ vọng là 50,3. Kết quả này cũng đánh dấu lần sụt giảm đầu tiên kể từ tháng 1-2023, khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19.

Các dữ liệu cũng phản ánh tính chất không đồng đều trong sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Ngành tiêu dùng, dịch vụ đã tăng trưởng vượt trội trong khi lĩnh vực sản xuất lại sụt giảm.

Ông Wang Zhe, nhà kinh tế tại Công ty nghiên cứu Caixin Insight Group (Trung Quốc), nhấn mạnh sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể sau khi số ca nhiễm COVID-19 đạt đỉnh vào đầu năm nay. "Vẫn phải xem liệu sự phục hồi có bền vững hay không sau khi nguồn cung đáp ứng được nhu cầu bị dồn nén trong thời gian ngắn. Chỉ số PMI của Trung Quốc vào tháng 4 chỉ ra thực tế rằng sự phục hồi kinh tế vẫn chưa có điểm tựa ổn định" - ông Wang Zhe bình luận.

Dự báo “nóng”: Chật vật hồi phục, Trung Quốc khó “cứu” kinh tế toàn cầu? - Ảnh 2.

Dây chuyền sản xuất xe điện tại tỉnh Chiết Giang - Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Đáng chú ý, nhu cầu tiêu dùng trên thị trường yếu hơn dự kiến khiến các nhà máy phải cắt giảm nhân sự với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 1-2023 để giảm chi phí. Ông Zhou Hao, nhà kinh tế tại Công ty chứng khoán Guotai Junan International (Trung Quốc), cho rằng chỉ số PMI sản xuất có thể làm giảm kỳ vọng đối với nền kinh tế Trung Quốc trong quý II/2023. Theo chuyên gia này, hiện vẫn chưa thể chắc chắn đà phục hồi kinh tế sẽ yếu đến mức độ nào khi lĩnh vực sản xuất chịu áp lực lớn trong quý II/2023 và sẽ không nhận được bất kỳ hỗ trợ nào ít nhất cho đến tháng 6.

Theo đài CNBC ngày 5-5, hoạt động dịch vụ của Trung Quốc vào tháng 4-2023 vẫn nằm trong vùng tăng trưởng tốt, trái ngược với hoạt động sản xuất suy giảm. Cụ thể, chỉ số PMI dịch vụ của Trung Quốc đứng ở mức 56,4 trong tháng 4, cao hơn mốc 50 điểm nhưng đã giảm so với mức 57,8 của tháng trước đó. Reuters thông tin các nhà phân tích cảnh báo rằng động lực tăng trưởng có thể tiếp tục giảm bớt do tiêu dùng nội địa Trung Quốc vẫn chưa phục hồi hoàn toàn và cần có thêm chính sách hỗ trợ.

Tình hình trên cùng với thị trường bất động sản trầm lắng và lợi nhuận công nghiệp sụt giảm sâu đặt Trung Quốc vào thách thức lớn để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2023.

Ưu tiên kích cầu nội địa

Ông Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Jones Lang LaSalle, chỉ rõ thực tế tại Trung Quốc, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, thu nhập của người dân và doanh thu tài chính trong quý I/2023 đều sụt giảm so với tăng trưởng chung của nền kinh tế. Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn dự kiến trong quý đầu năm nhờ tâm lý phấn khởi của doanh nghiệp và người tiêu dùng khi các biện pháp hạn chế COVID-19 được dỡ bỏ vào tháng 12-2022 song tiêu dùng nội địa sẽ cần nhiều chính sách hỗ trợ hơn.

Dự báo “nóng”: Chật vật hồi phục, Trung Quốc khó “cứu” kinh tế toàn cầu? - Ảnh 3.

Một nhân viên chuẩn bị thức ăn ăn liền trên dây chuyền sản xuất ở Thiên Tân - Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Dữ liệu của chính phủ cho thấy số lượng khách du lịch nội địa Trung Quốc trong 5 ngày nghỉ lễ đầu tháng 5-2023 đã phục hồi tương đương mức trước đại dịch COVID-19 nhưng tổng chi tiêu vẫn thấp. Trước diễn biến này, nhà kinh tế Nie Wen, Công ty Hwabao Trust, nhận định nền kinh tế số 2 thế giới sẽ tiếp tục phục hồi trong quý II/2023 nhưng với tốc độ chậm hơn.

Đài CNBC dẫn thông tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc cho thấy những chuyển biến tích cực trong nền kinh tế Trung Quốc là một phần của sự phục hồi sau mở cửa, các động lực bên trong vẫn chưa đủ mạnh và nhu cầu vẫn yếu. Nhà kinh tế Wang Zhe nhận định trong thời gian tới, chính sách điều hành nên tập trung vào việc mở rộng nhu cầu trong nước, ổn định việc làm, cải thiện kỳ vọng nhằm tạo ra một chu kỳ phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc muốn nội địa hoá nhiều mặt hàng giá trị cao thay vì mua từ Nhật Bản, Đức... cũng có thể làm giảm nhu cầu nhập khẩu của nước này. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có chủ trương hạn chế những ngành công nghiệp gây ô nhiễm như thép để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu. Năm 2022, sản lượng thép của nước này giảm 2,1% so với năm trước và nhập khẩu quặng sắt giảm 1,5%.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh nhận định cuộc đối đầu Mỹ - Trung sẽ tiếp tục là "cái ghim" trong chính sách của Trung Quốc ở lĩnh vực thương mại. Việc Trung Quốc tập trung vào thị trường nội địa còn nhằm ứng phó với lệnh đánh thuế của Mỹ lên các mặt hàng nhập khẩu Trung Quốc. Trước đó, nền kinh tế số 2 thế giới đã "trả đũa" Mỹ bằng cách áp thuế tương tự lên hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ như đậu nành, cà phê, dầu thô. "Trung Quốc sẽ quay về thị trường nội địa, ưu tiên kích cầu tiêu dùng các mặt hàng trong nước song chỉ ở mức độ nhất định và vẫn cần nhập khẩu" - TS Lê Đăng Doanh dự đoán.

Dự báo “nóng”: Chật vật hồi phục, Trung Quốc khó “cứu” kinh tế toàn cầu? - Ảnh 4.

Tại một khu mua sắm thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Ảnh hưởng gì tới Việt Nam?

TS Lê Đăng Doanh cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ hồi phục mạnh mẽ nhưng tác động lan tỏa tới phần còn lại của thế giới sẽ ít hơn so với giai đoạn năm 2008-2009 do tính chất khác biệt của 2 thời kỳ.

Ông Lê Đăng Doanh phân tích: Năm 2009, với gói kích thích kinh tế trị giá 586 tỉ USD, Trung Quốc đã tăng trưởng 9,4% và tạo ra đối trọng với các nền kinh tế phát triển khi đó đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Năm nay, tăng trưởng của nước láng giềng này trông chờ vào nhu cầu năng lượng, nhập khẩu và hoạt động đi lại quốc tế tăng lên. Đáng nói, bên hưởng lợi lớn nhất từ những hoạt động này có thể là các nhà xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác của Trung Quốc ở châu Á.

Tuy nhiên, với vị trí là nền kinh tế số 2 thế giới và đang có nhiều hoạt động đầu tư tại châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ..., mọi biến động của Trung Quốc chắc chắn sẽ có ảnh hưởng nhất định đến một số nền kinh tế.

"Trung Quốc tăng trưởng chậm lại có thể dẫn đến sức mua giảm, nhập khẩu giảm sút theo, ảnh hưởng nhất định đến những thị trường đối tác trọng điểm. Đối với Việt Nam, hoạt động đầu tư của Trung Quốc không nhiều, chủ yếu tập trung vào giao thương. Tác động của mức độ hồi phục tăng trưởng của Trung Quốc đến các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, cần được tính toán cụ thể để có biện pháp ứng phó" - TS Lê Đăng Doanh đánh giá.

Nguy cơ Mỹ giảm tăng trưởng

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong tuần qua đánh giá sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế nói chung của khu vực châu Á.

Mô hình tính toán của Oxford Economics cho thấy nếu tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc năm nay tăng 5%, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tăng lên 1,5%, tức chỉ tăng 0,2 điểm % so với dự báo trước đó.

Trong khi đó, Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) nhận định tác động trực tiếp của việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể khiến tăng trưởng năm nay của Mỹ giảm 0,4 điểm % do nhu cầu năng lượng và giá dầu cao làm gia tăng áp lực lạm phát. Tuy nhiên, Mỹ và các nền kinh tế khác có thể được hưởng lợi từ những tác động gián tiếp nếu sự hồi sinh của Trung Quốc thúc đẩy thương mại toàn cầu và các hoạt động kinh doanh nói chung.