Trong cuộc phỏng vấn với Nhân Dân nhật báo (cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) ngày 29-4, Vụ trưởng Vụ Tây Á và Bắc Phi, Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Di đánh tiếng rằng Bắc Kinh sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải.
Không nêu đích danh Mỹ, ông Vương cáo buộc "một số nước lớn bên ngoài khu vực" "gây bất ổn lâu dài ở Trung Đông" vì "tư lợi".
Ông Vương tiết lộ: "Vào tháng 12 năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tới Ả Rập Saudi trong chuyến thăm cấp nhà nước. Vào tháng 2, ông tiếp Tổng thống Iran Ebrahim Raisi trong chuyến thăm Trung Quốc".
Ông Vương nói tiếp: "Trong thời gian này, đích thân ông Tập đã thuyết phục các nhà lãnh đạo của hai nước, ủng hộ Ả Rập Saudi và Iran phát triển mối quan hệ thân thiện với tư cách là láng giềng. Các nước Trung Đông bao gồm Ả Rập Saudi và Iran muốn giải quyết xung đột thông qua đối thoại. Họ hy vọng thấy một quốc gia lớn có tinh thần trách nhiệm mạnh mẽ thúc đẩy đối thoại nhằm đạt được hòa bình lâu dài ở Trung Đông".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Iran Ebrahim Raisi hồi tháng 2 tại Bắc Kinh. Ảnh: AP
Theo ông Vương, lập trường và mối quan hệ kinh doanh của Trung Quốc với các nước trong khu vực đã giúp xây dựng lòng tin. Ông Vương nhấn mạnh: "Các nước Trung Đông, bao gồm Ả Rập Saudi và Iran, tin tưởng Trung Quốc như một nhà hòa giải công bằng và họ sẵn sàng lắng nghe các đề xuất của Trung Quốc".
Ông Vương cũng nói Trung Quốc đã đưa ra các đề xuất liên quan đến các cuộc xung đột khác nhau ở Trung Đông trong những năm gần đây, bao gồm chấm dứt chiến tranh ở Syria và giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine.
Ông Vương đưa ra phát biểu nêu trên hai tuần sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói với những người đồng cấp Israel và Palestine rằng Bắc Kinh sẵn sàng giúp tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình.
Hôm 29-4, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian cho biết Ả Rập Saudi và Iran sẽ mở lại các đại sứ quán ở thủ đô của nhau "trong vòng vài ngày".
Trong khi đó, các nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh có thể sớm lôi kéo các quốc gia Trung Đông nhỏ hơn khác, bao gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Oman.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian (bìa trái), người đồng cấp Ả Rập Saudi - Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud (bìa phải) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương bắt tay tại Bắc Kinh ngày 6-4. Ảnh: Reuters
Nói về thỏa thuận Iran - Ả Rập Saudi, học giả Oliver John tại Viện Trung Đông, có trụ sở tại Washington – Mỹ, đánh giá: "Theo như tôi biết, đây là lần đầu tiên Trung Quốc đặt uy tín ngoại giao của họ vào việc cố gắng giải quyết một vấn đề khu vực phức tạp ở Trung Đông".
Hồi tháng 3, Tehran và Riyadh cùng công bố một thỏa thuận do Bắc Kinh làm trung gian nhằm khôi phục quan hệ đã bị cắt đứt cách đây 7 năm giữa hai bên, khi người biểu tình ở Iran tấn công các cơ quan ngoại giao của Ả Rạp Saudi năm 2016.
Theo báo South China Morning Post, Thỏa thuận Iran - Ả Rập Saudi được nhiều nhà phân tích coi là dấu hiệu rõ ràng cho thấy tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Đông, không chỉ về mặt kinh tế.
Bình luận (0)