Dự báo "nóng": Mở rộng khối BRICS, Trung Quốc toan tính gì?
(NLĐO) - Liệu khối BRICS có thể nổi lên như một liên minh đối trọng với phương Tây và trở thành một mô hình thay thế Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7)?
Một số quốc gia đã nộp đơn xin gia nhập khối BRICS, gồm: Argentina, Ai Cập, Indonesia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ả Rập Saudi, Algeria, Bangladesh và Iran. Nhiều nhà phân tích nhận định không phải tất cả thành viên BRICS đều ủng hộ nỗ lực mở rộng khối. Trong đó, Ấn Độ đặc biệt "cảnh giác" với kế hoạch này vì vẫn còn hoài nghi liệu BRICS có thể trở thành đối trọng với các liên minh khu vực hiện có hay không.
Bất đồng lợi ích nội khối
Các thành viên của khối BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh vào tháng 8-2023 tại Johannesburg và chủ đề mở rộng khối này nhiều khả năng được đưa ra thảo luận.
Năm ngoái, Trung Quốc bày tỏ mong muốn khối BRICS cân nhắc kết nạp thành viên mới. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar hồi tháng trước cho rằng tiến trình này cần phải cân nhắc nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí và thủ tục.
Ông Oliver Stuenkel, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Fundacao Getulio Vargas (Brazil), nhận xét Trung Quốc là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất việc mở rộng khối BRICS, tiếp theo là Nga; còn Ấn Độ và Brazil "có chút cảnh giác" về việc có thể bị mất sức ảnh hưởng trong một nhóm lớn hơn.

Hội nghị thượng đỉnh khối BRICS năm 2022 do Trung Quốc chủ trì. Ảnh: AP
Ông Stuenkel cho rằng các thành viên mới tham gia khối BRICS chủ yếu để "gần gũi hơn" với Trung Quốc chứ không phải Brazil hay Ấn Độ. Cũng theo vị phó giáo sư, khối này đã nổi lên như một liên minh đối trọng với phương Tây và là một mô hình thay thế cho Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) bao gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ. "Bất kể có mở rộng hay không, 5 quốc gia thành viên khối BRICS đã có ảnh hưởng đáng kể trong khu vực" - ông Stuenkel đánh giá.
Ông Anu Anwar, Khoa Khoa học và Nghệ thuật Trường ĐH Harvard, nhìn nhận việc Ấn Độ nghiêng về phương Tây cho thấy nước này là một "ngoại lệ" trong nhóm BRICS. Trong thời gian gần đây, Ấn Độ đã tăng cường hợp tác kinh tế, quốc phòng và công nghệ với Mỹ, Nhật Bản, Úc và Liên minh châu Âu. Đồng thời, Ấn Độ cũng đóng vai trò tích cực trong nhóm Bộ tứ gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Úc, đặc biệt là sản xuất vắc-xin phòng COVID-19 cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bộ Tứ đã được hồi sinh trong những năm gần đây để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên toàn cầu.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) cùng các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Úc và Mỹ tại cuộc họp Bộ tứ hồi tháng 5. Ảnh: Reuters
Đối trọng phương Tây
Nêu quan điểm trái ngược với ông Stuenkel, ông Anwar đánh giá rằng BRICS khó có thể nổi lên như một mô hình thay thế cho nhóm G7. "Không thành viên BRICS nào có liên minh quân sự với nhau và rất khó có khả năng thành lập một liên minh trong tương lai gần" - ông nói Anwar nói. Trong khi đó, một liên minh như vậy lại là chìa khoá để xây dựng một trật tự thế giới mới.
Ông Günther Maihold, Phó Giám đốc Viện Các vấn đề An ninh và Quốc tế (Đức), cho rằng việc tạo ra một trật tự thế giới mới rõ ràng có lợi cho Trung Quốc và Nga. Còn phía Brazil, Ấn Độ và Nam Phi lại quan tâm nhiều hơn đến việc duy trì hiện trạng.
Như vậy, những lợi ích của Trung Quốc trong việc mở rộng BRICS cũng như mở rộng sức ảnh hưởng có thể khiến các thành viên khác của nhóm phản đối, tạo ra cạnh tranh nội bộ. Chưa kể, nhóm mới cũng có thể khó quản lý hơn sau khi mở rộng.
Bà Shirley Ze Yu, thành viên cấp cao của Trung tâm Ash thuộc Trường Harvard Kennedy (Mỹ), lập luận: Việc BRICS được mở rộng sẽ phản ánh sức mạnh của khối và sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc vì chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm 2/3 GDP của BRICS. Khi có thêm nhiều thành viên đăng ký khuôn khổ đa phương chung, Trung Quốc sẽ trở thành nước thiết lập quy tắc. Bất kỳ quốc gia nào nắm giữ vai trò như vậy sẽ có ảnh hưởng to lớn trong những thập kỷ tới.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2016. Ảnh: AP
Là giám đốc Sáng kiến Trung Quốc - Châu Phi tại Trường Kinh tế London, bà Ze Yu cho rằng không giống như các khối phương Tây, các nước thành viên của BRICS không liên kết dựa trên một hệ tư tưởng chung, mà thay vào đó là có mong muốn chung về việc cải cách hệ thống quốc tế hiện có nhằm phản ánh nhu cầu phát triển của các nền kinh tế mới nổi.
"Át chủ bài" của BRICS
Theo tờ South China Morning Post, Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) được BRICS thành lập vào năm 2015, tài trợ cho những dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở các nền kinh tế mới nổi. Kể từ khi thành lập, NDB đã cấp các khoản vay trị giá 33 tỉ USD cho hơn 96 dự án tại 5 quốc gia thành viên sáng lập, theo trang web của tổ chức này.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường cho biết tại cuộc họp thường niên của ngân hàng này vào tháng 5-2023 rằng Bắc Kinh vẫn quyết tâm phát triển NDB thành một ngân hàng đa phương mở, đồng thời nhấn mạnh NDB được lập ra để phục vụ tốt hơn cho các nền kinh tế mới nổi thông qua tài trợ nhiều dự án cơ sở hạ tầng hơn. NDB đã chấp nhận Bangladesh, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ai Cập là thành viên mới trong những năm gần đây. Uruguay đang trong tiến trình tham gia, còn Ả Rập Saudi đang đàm phán để gia nhập.

Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) được BRICS thành lập vào năm 2015 để tài trợ cho những dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở các nền kinh tế mới nổi. Ảnh: Reuters
Ông Stuenkel nhận định NDB có khả năng chống lại ảnh hưởng của các ngân hàng đa phương do phương Tây dẫn đầu như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Nghịch lý "phi đô-la hóa"
Ông Oliver Stuenkel cho rằng các nước đang phát triển đang rất mong muốn có một NDB mạnh mẽ hơn và có sức ảnh hưởng hơn. Tuy nhiên, ông Anu Anwar nhìn nhận tài sản và lĩnh vực hoạt động của NDB chỉ đóng vai trò bổ sung và hiện không thể thay thế WB hay IMF. "Thành viên mới chắc chắn sẽ mang lại nhiều vốn hơn và mở rộng hoạt động trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, nhưng những điều này không thể "xóa bỏ" vai trò truyền thống của WB và IMF với tư cách là tổ chức điều tiết và ổn định thị trường tài chính toàn cầu" - ông Anwar nhận xét:
NDB tham vọng thiết lập một giải pháp thay thế các tổ chức tài chính dựa vào sự thống trị của đồng USD. Tham vọng này phù hợp với những nỗ lực của khối BRICS nhằm làm xói mòn vị thế của đồng bạc xanh. Tuy vậy, để cung cấp vốn cho các nền kinh tế đang phát triển, NDB vẫn phải vay tiền từ Phố Wall cũng như từ nhiều tổ chức tín dụng khác ở Trung Quốc.
Theo tờ Bussiness Insider, dù sứ mệnh của ngân hàng NDB là phi đô-la hóa trong lĩnh vực cung cấp tài chính nhưng khoảng 2/3 khoản vay của tổ chức này lại bằng đồng USD. NDB cũng đang đàm phán với Argentina, Ả Rập Saudi và Honduras để những nước này trở thành thành viên và có khả năng cung cấp thêm vốn.
Trong khi đó, NDB thông báo rằng lãi suất đối với bất kỳ khoản vay mới nào có thể tăng gấp 4 lần và phí bảo hiểm mà họ tính cho các đối tượng vay đã tăng gấp đôi. Điều này khiến các khoản giải ngân cho vay bị thu hẹp xuống mức nhỏ giọt. Bên cạnh đó, sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc khiến NDB khó có thể mong đợi nhận được sự hỗ trợ tài chính nhiều hơn từ Bắc Kinh.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar tuyên bố nhóm BRICS hiện không có kế hoạch phát triển đồng tiền thay thế đồng USD cho thương mại và đầu tư quốc tế. Còn Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thông báo tiền tệ sẽ nằm trong chương trình nghị sự khi nhóm BRICS họp vào tháng 8-2023 tại Johannesburg.