Những vụ rửa tiền gây rúng động ở Việt Nam: Cờ bạc online, tiền ảo và lỗ hổng pháp lý (Kỳ 2)

(NLĐO) - TS Đoàn Trung Sơn, chuyên gia an ninh mạng, phân tích cụ thể cách thức vận hành sòng bạc online, cách dòng tiền “đỏ đen” ra - vào hệ thống tài chính ngầm cùng những chiêu thức rửa tiền.

"Ông trùm" Phan Sào Nam - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty VTC online - cùng đồng phạm Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - đã thu lợi bất chính 9.800 tỉ đồng từ tổ chức đánh bạc trực tuyến. Vấn đề đặt ra từ vụ án điển hình này là cần chặn dòng tiền nuôi dưỡng các trang cờ bạc, cá độ trực tuyến để ngăn nguồn tiền "bẩn" phát sinh cũng như phòng ngừa sớm tội phạm rửa tiền.

Bí ẩn hệ thống tài chính ngầm

Phân tích về dòng tiền qua các trò chơi trực tuyến trá hình, cờ bạc online, TS Đoàn Trung Sơn, chuyên gia an ninh mạng, chỉ rõ "nhà cái" thường dùng nhiều phương tiện khác nhau để bảo vệ danh tính khách hàng, ví dụ sử dụng thẻ điện thoại, thẻ game, ví điện tử... Hầu hết đối tượng cầm đầu đặt máy chủ ở nước ngoài và đặt trụ sở chính ở những nước mà hoạt động cờ bạc online được công nhận là hợp pháp.

Những vụ rửa tiền gây rúng động ở Việt Nam: Cờ bạc online, tiền ảo và lỗ hổng pháp lý (Kỳ 2) - Ảnh 1.

Cờ bạc online, tiền ảo, tài sản ảo là những điểm mới trong xây dựng pháp lý - Đồ họa: A.THANH

Theo TS Đoàn Trung Sơn, trong đường dây đánh bạc thường có 3 nhóm tài khoản, gồm: tài khoản người chơi, tài khoản trung gian và tài khoản của "nhà cái". Trong đó, tài khoản sòng bài là tài khoản các ngân hàng trung gian của các đại lý chân rết hoặc người tổ chức tại Việt Nam; tài khoản "nhà cái" là tài khoản của đối tượng cầm đầu ở trong và ngoài nước.

Cách thức duy nhất hiện nay để xác định một giao dịch có phải chơi cờ bạc hay không là dựa vào dòng tiền vào - ra giữa tài khoản sòng bài và người chơi. Với cách thức quản lý chặt chẽ, phân cấp thành nhiều tầng nấc, dòng tiền từ các tài khoản trung gian cuối cùng sẽ hướng tới tài khoản của "nhà cái" thông qua các hình thức khác nhau nhằm mục đích rửa tiền.

Biện pháp kiểm soát, ngăn chặn cờ bạc trực tuyến

Để quản lý dòng tiền "đỏ đen" luồn lách qua hệ thống tài chính chính thống và ngầm, TS Đoàn Trung Sơn đề xuất 4 biện pháp.

Một là, siết chặt quản lý định danh đối với ví điện tử - phương thức được sử dụng phổ biến để thanh toán khi tham gia đánh bạc, cá độ online.

Hai là, đẩy mạnh kiểm soát nguồn tiền đổ vào đánh bạc trực tuyến thông qua tài khoản thẻ ngân hàng. Các giao dịch cần được phân tích, xử lý với dữ liệu lớn bằng trí tuệ nhân tạo để phát hiện bất thường, đánh giá rủi ro, cảnh báo sớm và cung cấp ngay thông tin cho cho cơ quan chức năng.

Ba là, có biện pháp nghiệp vụ làm rõ cách thức dòng tiền chảy sang các tài khoản nước ngoài để rửa tiền. Ngân hàng thương mại phối hợp chặn giao dịch, khóa tài khoản khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng; gửi thông tin cho Cục Phòng chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh.

Bốn là, xử phạt nghiêm minh người vi phạm; nâng cao năng lực quản lý nhà nước.

"Việc chuyển tiền "đỏ đen" ra nước ngoài thường được các đối tượng thực hiện thông qua hệ thống tài chính ngầm, như: qua cửa hàng vàng, chuyển tiền lậu qua biên giới, qua cổng thanh toán Paypal, Payoneer hoặc thông qua giao dịch tiền ảo, tài sản ảo. Cách này giúp các đối tượng xóa dấu vết dòng tiền, gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi điều tra" - TS Đoàn Trung Sơn cho hay.

Nói thêm về khó khăn của cơ quan chức năng khi kiểm soát dòng tiền, TS Sơn cho rằng hiện nay rất khó xác định chính xác danh tính người chơi qua thẻ điện thoại, thẻ game, ví điện tử và thậm chí qua hệ thống ngân hàng. Khi giao dịch qua ngân hàng, người chơi và đối tượng trung gian thường quy ước ghi sai lệch mục đích chuyển tiền hoặc có những cách che giấu nội dung chuyển tiền. Với hàng triệu giao dịch mỗi ngày, hệ thống ngân hàng rất khó khăn trong việc phân biệt, xác định giao dịch nào là thương mại điện tử, nạp - rút tiền thông thường và giao dịch nào là phi pháp.

Rắc rối chế định tiền ảo

Việc quản lý dòng tiền đi vào đầu tư tiền ảo, tiền kỹ thuật số, giao dịch tiền qua ví điện tử... đang là bài toán đau đầu với các cơ quan chức năng.

Báo cáo hồi năm ngoái của Chainalysis - công ty chuyên phân tích dữ liệu blockchain - cho thấy chỉ riêng năm 2020, ước tính các nhà đầu tư Việt Nam đã kiếm được 0,4 tỉ USD nhờ đầu tư vào Bitcoin. Để giao dịch, nhà đầu tư phải sử dụng tiền thật để mua tiền ảo thông qua các ứng dụng theo giá trị chuyển đổi tại thời điểm đó.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội, khẳng định tiền ảo, tiền kỹ thuật số không được phát hành và kiểm soát bởi nhà nước mà được phát hành và kiểm soát bởi các nhà phát triển của nó. Loại tiền này được sử dụng, chấp nhận giữa các thành viên của một cộng đồng ảo nhất định.

Những vụ rửa tiền gây rúng động ở Việt Nam: Cờ bạc online, tiền ảo và lỗ hổng pháp lý (Kỳ 2) - Ảnh 3.

Nhiều người Việt mua bán, đầu tư tiền ảo qua các các sàn giao dịch - Ảnh: MINH PHONG

Trong bối cảnh kinh tế số phát triển, tội phạm có thể lợi dụng sơ hở để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp, trong đó tinh vi nhất là hành vi rửa tiền qua giao dịch tiền ảo. "Hành lang pháp lý về phòng chống rửa tiền đang bộc lộ nhiều hạn chế; tồn tại nhiều lỗ hổng khá lớn; chưa cập nhật, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế mới. Chẳng hạn, thiếu quy định điều chỉnh giao dịch liên quan đến tiền ảo, chưa có điều khoản cụ thể về hành vi rửa tiền sử dụng công nghệ cao mà chỉ xem là tình tiết tăng nặng khi thực hiện hành vi rửa tiền" - luật sư Trần Xuân Tiền chỉ rõ.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, phân tích nhiều khoảng trống pháp lý trong quản lý tiền ảo và phòng chống rửa tiền ở Việt Nam.

Phát triển chóng mặt, trồi sụt thót tim

Từ năm 2017, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự đã phát triển nhanh chóng tại Việt Nam.

Tháng 11-2021, Bitcoin lập đỉnh với giá gần 69.000 USD/BTC rồi rớt xuống gần 23.000 USD/BTC vào ngày 7-8 vừa qua.

Trong khi đó, sự sụp đổ của đồng tiền ảo LUNA hồi tháng 5-2022 đã khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào khủng hoảng khi rớt thê thảm xuống mức dưới 1 USD/LUNA dù trước đó 1 tháng, đồng tiền này lập đỉnh với giá gần 120 USD/LUNA.

Theo Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012, tài sản thực hiện hành vi rửa tiền được xác định gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản theo quy định của Bộ Luật dân sự; có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất; động sản hoặc bất động sản; hữu hình hoặc vô hình; chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó.

Còn theo quy định về tội rửa tiền trong Bộ Luật Hình sự, đối tượng mà pháp luật hướng tới không chỉ là tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành mà còn là các loại tài sản khác theo quy định của Bộ Luật Dân sự. Trong khi đó, Điều 105 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định tài sản như sau: "Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai".

Như vậy, đối chiếu các quy định tại Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012 và Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì tiền ảo, tiền kỹ thuật số chưa được coi là tài sản.

"Khi pháp luật chưa coi tiền ảo, tiền kỹ thuật số là tài sản thì việc quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn. Gần đây, hiện tượng chuyển từ tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành sang tiền ảo rồi chuyển hóa thành các loại tài sản khác là khá phổ biến trên không gian mạng. Nhiều trường hợp đã bị phát hiện nhưng có những quan điểm khác nhau trong xử lý" - luật sư Đặng Văn Cường nêu thực tiễn.

Trám lỗ hổng pháp lý

Theo luật sư Trần Xuân Tiền, mặc dù chưa có khung pháp lý về tiền ảo song Chính phủ đã triển khai một số hoạt động nhằm phòng chống rửa tiền, trong đó có yêu cầu nghiên cứu về tiền ảo. Theo đó, các bộ, ngành liên quan sẽ nghiên cứu, đề xuất giải pháp hoàn thiện quy định xử phạt vi phạm hành chính về phòng chống rửa tiền; biện pháp ngăn chặn sử dụng tiền ảo để rửa tiền phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn Việt Nam...

Những vụ rửa tiền gây rúng động ở Việt Nam: Cờ bạc online, tiền ảo và lỗ hổng pháp lý (Kỳ 2) - Ảnh 5.

Đồng tiền ảo Bitcoin đã phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam từ hơn 5 năm trước - Ảnh: REUTERS

Bộ Công an cũng đề nghị VKSND Tối cao và TAND Tối cao tăng cường điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền, nhất là các lĩnh vực được xác định rủi ro cao. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với tất cả lĩnh vực thuộc quản lý nhà nước; đưa kế hoạch thanh tra hằng năm vào công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về rửa tiền.

"Cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012 theo hướng bao quát các lĩnh vực có thể diễn ra hoạt động rửa tiền, trong đó có rửa tiền qua tiền ảo. Đồng thời, xây dựng hệ thống văn bản pháp luật cụ thể để quản lý những sản phẩm tài chính mới, như: tài chính sử dụng công nghệ, tiền ảo, tiền kỹ thuật số... Chẳng hạn, Bộ Luật Hình sự cần quy định hành vi rửa tiền thông qua tiền ảo là một tội danh, không dừng ở việc quy định như một tình tiết tăng nặng" - luật sư Trần Xuân Tiền góp ý.

Những vụ rửa tiền gây rúng động ở Việt Nam: Cờ bạc online, tiền ảo và lỗ hổng pháp lý (Kỳ 2) - Ảnh 6.

Những đồng tiền ảo phổ biến hiện nay - Ảnh: REUTERS

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Chi Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp), cho biết Bộ Tư pháp đã nghiên cứu và đề xuất Chính phủ giao các bộ, ngành hoàn thiện khung pháp lý đối với tiền ảo. Theo Phó Vụ trưởng, quản lý tiền ảo, tài sản ảo là vấn đề hết sức phức tạp, là điểm mới về pháp lý. Những thay đổi nhanh chóng của công nghệ đang đặt ra những thách thức và cần có các nghiên cứu vững chắc, rõ ràng.

"Trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của Bộ Tư pháp, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng khung khổ pháp lý về quản lý tài sản mã hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo thông tin tôi được biết, Bộ Tài chính đã có những đánh giá, nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm quốc tế liên quan đến tiền ảo" - bà Nguyễn Chi Lan cho hay.

Sẽ có quy định khung, hướng dẫn cụ thể

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ hôm 3-8, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay trên cơ sở khuyến nghị của các tổ chức phòng chống rửa tiền thế giới, mỗi quốc gia đều phải quan tâm đến quản lý tiền ảo, sản phẩm công nghệ trong lĩnh vực tài chính để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, không để lợi dụng rửa tiền.

"Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) sẽ xây dựng quy định khung để làm cơ sở quy định cụ thể về các sản phẩm tài chính, kể cả sản phẩm tài chính sử dụng công nghệ như tiền ảo, những xu hướng phát triển công nghệ có thể diễn ra, để xử lý một cách linh hoạt. Sau khi luật này được ban hành, Chính phủ sẽ có những văn bản hướng dẫn dưới luật để bảo đảm ngăn chặn, phòng chống rửa tiền, khủng bố, gian lận, trốn thuế hoặc sử dụng tài sản để biếu tặng có tính chất tham nhũng, hối lộ" - Phó Thống đốc khẳng định.

Còn tiếp...