Những vụ rửa tiền gây rúng động ở Việt Nam: Giao dịch “ma” và mối nguy lọt “Danh sách Xám” (Kỳ 4)

(NLĐO) - Việt Nam đã bị đưa vào quy trình rà soát tăng cường về phòng chống rửa tiền. Nếu không khắc phục, Việt Nam sẽ bị đưa vào “Danh sách Xám”.

Nhiều ý kiến cho rằng hóa đơn giả và sự tiếp tay từ các tổ chức tín dụng chính là con đường thuận lợi cho tội phạm rửa tiền. Pháp luật về phòng chống rửa tiền (PCRT) cần có sự thay đổi lớn về đối tượng báo cáo.

Công ty "ma", hợp đồng "khống"

Tháng 9-2020, Công an TP Hà Nội triệt phá đường dây vận chuyển trái phép hơn 30.000 tỉ đồng ra nước ngoài do Nguyễn Thị Nguyệt (ngụ quận Tây Hồ, TP Hà Nội) cấu kết với 12 đồng phạm thực hiện. Thủ đoạn của nhóm tội phạm này là lập khống các hợp đồng kinh tế, hợp thức hồ sơ tạm nhập - tái xuất để chuyển tiền.

Đáng chú ý, cơ quan điều tra xác định một số cán bộ, nhân viên Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB Bank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)... đã tiếp tay giúp vợ chồng Nguyệt chuyển tiền qua biên giới dưới hình thức thanh toán quốc tế. Ngoài ra, tại một ngân hàng khác - chi nhánh ở TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), dù biết Nguyệt sử dụng công ty "ma" để chuyển tiền trái phép ra nước ngoài nhưng nhân viên Nguyễn Ngọc Sơn (phụ trách khách hàng doanh nghiệp) và Phan Ngọc Duy (phó giám đốc chi nhánh) vẫn đồng ý làm giấy tờ "khống", phê duyệt hồ sơ, giúp chuyển đi hơn 6.400 tỉ đồng và hưởng lợi hàng trăm triệu đồng từ hành vi này.

Những vụ rửa tiền gây rúng động ở Việt Nam: Giao dịch “ma” và mối nguy lọt “Danh sách Xám” (Kỳ 4) - Ảnh 1.

Bùi Quang Huy đang bị truy nã quốc tế do liên quan đến vụ án rửa tiền tại Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường - Ảnh tư liệu

Một vụ rửa tiền khác được dư luận đặc biệt quan tâm là vụ án liên quan Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (gọi tắt là Nhật Cường, trụ sở tại TP Hà Nội) do Bùi Quang Huy (đang bị truy nã quốc tế) làm tổng giám đốc.

Từ năm 2014 đến tháng 5-2019, Huy sử dụng hệ thống nhân sự của Nhật Cường để mua 2.500 đơn hàng từ nhiều chủ hàng tại Mỹ, UAE, Singapore, Hồng Kông..., với 255.000 điện thoại iPhone, máy tính, máy tính bảng, máy nghe nhạc, tổng trị giá 2.900 tỉ đồng. Huy và đồng phạm không ký hợp đồng với nhà cung cấp để nhập khẩu chính ngạch mà chi số tiền 73 tỉ đồng để thuê một số đường dây vận chuyển, tiếp nhận hàng rồi vận chuyển trái phép về Việt Nam.

Cơ quan điều tra cáo buộc Huy cầm đầu đường dây buôn lậu, cùng đồng phạm thông qua hệ thống các cửa hàng của Nhật Cường tiêu thụ hơn 254.000 sản phẩm, thu trên 3.200 tỉ đồng, hưởng lợi hơn 220 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra chỉ rõ thủ đoạn: Nhật Cường chuyển tiền cho trung gian thanh toán là tiệm vàng Lộc Phát (phố Hà Trung) và Thuận Phát (phố Hàng Dầu, cùng TP Hà Nội) để họ quy đổi ngoại tệ và chuyển vào tài khoản nước ngoài do các chủ hàng yêu cầu. Trong đó, tiệm vàng Lộc Phát chuyển hơn 1.700 tỉ đồng (1.100 tỉ đồng tiền mặt và chuyển khoản hơn 600 tỉ đồng) vào 21 tài khoản của 12 cá nhân; tiệm vàng Thuận Phát chuyển gần 800 tỉ đồng (487 tỉ đồng tiền mặt và chuyển khoản 308 tỉ đồng) vào 14 tài khoản của 8 cá nhân.

Chuyên gia tài chính ngân hàng - luật sư Trương Thanh Đức đánh giá dự thảo Luật PCRT (sửa đổi) đã luật hóa một số quy định dưới luật, làm rõ hơn một vài điểm song chưa có sự thay đổi lớn về đối tượng báo cáo.

Luật sư Đức dẫn chứng một trong những đối tượng phải báo cáo liên quan đến PCRT là ngân hàng nhưng trước nay, chưa phát hiện hoặc xử lý một vụ điển hình nào mà chỉ có liên quan trách nhiệm trong một vài vụ việc. Ngay vụ Phan Sào Nam và đồng phạm bị khởi tố về hành vi đánh bạc, rửa tiền cũng không xét xử các tổ chức tín dụng... "Gần như 90% những vụ tham nhũng có liên quan đến rửa tiền nhưng chưa bị xử lý. Hơn nữa, PCRT là nhiệm vụ của tất cả ngành, lĩnh vực và người dân nhưng hiện tại gần như mới chỉ có lĩnh vực tài chính - ngân hàng là quan tâm thực thi" - luật sư Trương Thanh Đức băn khoăn.

Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng sử dụng hóa đơn giả là một trong những phương thức phổ biến được tội phạm lợi dụng để rửa tiền. Các đối tượng thường xuất hóa đơn với giá trị thấp hơn hay cao hơn giá trị của hàng hóa, dịch vụ; vận chuyển hàng hóa thực tế với số lượng nhiều hơn hoặc ít so với hóa đơn. Ngoài ra, đối tượng cũng có thể ký hợp đồng đặt mua hàng sau đó hủy hợp đồng; tạo lập ra những hợp đồng mua bán với điều khoản ứng trước 100% tiền hàng hóa, dịch vụ để làm căn cứ yêu cầu ngân hàng chuyển tiền ra nước ngoài.

Từ thực tế trên, luật sư Bình kiến nghị sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến giao dịch chuyển tiền qua biên giới, tăng cường giám sát hoạt động này để phát hiện giao dịch bất thường. Trong đó, việc kiểm tra hồ sơ giao dịch chuyển tiền cần được thực hiện một cách khắt khe hơn để kịp thời phát hiện dấu hiệu đáng ngờ hay khả năng xuất hiện công ty "ma" để hợp thức hóa hồ sơ.

Cảnh báo "Danh sách Đen"

Việt Nam đã bị đưa vào quy trình rà soát tăng cường sau đánh giá đa phương của Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về PCRT và quy trình rà soát các nước có thiếu hụt nghiêm trọng của Lực lượng Đặc nhiệm tài chính (FATF).

Trong vòng 12 tháng, nếu không khắc phục những thiếu hụt, không thể hiện được sự tiến bộ, không đáp ứng yêu cầu về cải thiện pháp lý, Việt Nam sẽ bị đưa vào danh sách những quốc gia có thiếu hụt nghiêm trọng về PCRT, gọi tắt là "Danh sách Xám".

"Danh sách Xám" là danh sách quốc gia có thiếu hụt chiến lược về cơ chế chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí và hoạt động trái phép khác cản trở tính toàn vẹn tài chính, nhưng đã có cam kết cấp Chính phủ và hợp tác tích cực với FATF về giải quyết thiếu hụt trong khung thời gian nhất định.

Hiện 20 quốc gia nằm trong "Danh sách Xám" của FATF gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu tư cũng như thu hút đầu tư nước ngoài do những điều khoản hạn chế của FATF. Ngoài ra, những quốc gia này đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, như: bị hạ xếp hạng và ảnh hưởng đến các khoản vay tiềm năng từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay các cơ quan toàn cầu; cơ hội giao thương với quốc gia khác bị ảnh hưởng do sự hoài nghi về tính minh bạch; ngành du lịch bị tác động; suy thoái tiền tệ, lạm phát và thâm hụt thương mại; thị trường trái phiếu suy giảm.

FATF liên tục cảnh báo về việc Pakistan tham gia tài trợ khủng bố và rửa tiền. Hiện Pakistan đã bị đưa vào "Danh sách Xám" và nếu không hành động khẩn cấp, nước này có thể bị chuyển vào "Danh sách Đen".

Khi đó, các quốc gia trên thế giới sẽ cảnh báo tất cả tổ chức tài chính đặc biệt cảnh giác mối quan hệ kinh doanh và giao dịch với cá nhân, tổ chức ở nước này; thậm chí áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn, khiến danh tiếng và hoạt động kinh tế quốc tế của quốc gia này bị ảnh hưởng nặng nề.

Việc nhanh chóng xử lý những thiếu hụt là giải pháp duy nhất để một quốc gia được xóa tên khỏi "Danh sách Xám" và duy trì nền kinh tế phát triển. Thông thường, những quốc gia bị rơi vào "Danh sách Xám" sẽ mất từ 3-5 năm kể từ thời điểm thông qua báo cáo đánh giá đa phương để nỗ lực "thoát" khỏi danh sách này với nhiều giải pháp đồng bộ và phải chứng minh được tính hiệu quả.

Đáng ngại hơn, nếu quốc gia nằm trong "Danh sách Xám" không hành động chiến lược để khắc phục những vấn đề mà FATF đã chỉ ra, họ sẽ bị liệt vào "Danh sách Đen". Một nước bị liệt vào "Danh sách Đen" đồng nghĩa với việc cộng đồng quốc tế đánh giá nước đó có rủi ro cao về rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Khẩn trương khắc phục

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, chỉ rõ nhiều hạn chế, thiếu hụt trong quy định về biện pháp PCRT của Việt Nam áp dụng với đối tượng báo cáo so với 40 khuyến nghị của FATF, như: quy định về cá nhân có ảnh hưởng chính trị (PEPs) hiện không điều chỉnh đối với PEPs trong nước, trong khi đây là nhóm đối tượng khách hàng có rủi ro rửa tiền từ tham nhũng cao; quy định đối với thỏa thuận ủy quyền hiện chưa đầy đủ, rõ ràng; quy định về dấu hiệu cảnh báo liên quan giao dịch đáng ngờ mới trong một số lĩnh vực như bất động sản, kinh doanh kim loại quý, đá quý... vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể...

Những vụ rửa tiền gây rúng động ở Việt Nam: Giao dịch “ma” và mối nguy lọt “Danh sách Xám” (Kỳ 4) - Ảnh 4.

Một quốc gia bị đưa vào "Danh sách Xám" sẽ bị hạn chế rất nhiều cơ hội giao thương, đầu tư và chịu sự giám sát của FATF - Đồ họa: A.Thanh

Luật sư Hà cho rằng Luật PCRT còn thiếu quy định về đánh giá rủi ro và áp dụng phương pháp tiếp cận trên cơ sở rủi ro. Cụ thể, không có quy định về việc đánh giá rủi ro rửa tiền cấp độ quốc gia, ngành và tại từng tổ chức; không có quy định về việc thực hiện các biện pháp PCRT trên cơ sở rủi ro của đối tượng báo cáo cũng như hoạt động thanh tra, giám sát PCRT trên cơ sở rủi ro của các bộ, ngành. Bên cạnh đó, quy định về việc thu thập, xử lý, chuyển giao, trao đổi thông tin về PCRT chưa thể hiện rõ quy trình nghiệp vụ cơ bản, chưa bao quát hết các nhiệm vụ trọng tâm.

Góp ý cho dự án Luật PCRT (sửa đổi), luật sư Hà cho rằng cần bổ sung quy định liên quan đến thuế, kê khai tài sản, dịch vụ trung gian thanh toán, tài sản ảo, tiền ảo song song với hoàn thiện pháp luật về phòng chống tham nhũng. Quan trọng hơn, cần quy định về thuật ngữ rửa tiền liên thông với quy định tội rửa tiền trong Bộ Luật Hình sự 2015, từ đó quy định "rửa tiền" là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có, bao gồm các hành vi được quy định trong Bộ Luật Hình sự.

Theo đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước, quy định liên quan đến tội phạm rửa tiền còn mơ hồ nên rất khó khăn trong việc xác định, chưa kịp thời phát hiện khi mới hình thành. Nhiều trường hợp khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì các cơ quan chức năng mới nắm bắt, xử lý.

ĐBQH Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, kiến nghị khi sửa đổi Luật PCRT, cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính, đặc biệt là giao nhiệm vụ cho cơ quan thuế bởi các giao dịch về tài sản, trong đó có giao dịch bất động sản, bao giờ cũng được thể hiện trên cơ sở đóng thuế. Từ thông tin về thuế, cơ quan chức năng có thể xác định những giao dịch đáng ngờ để xác định xem có dấu hiệu rửa tiền hay không.

Bổ sung đối tượng báo cáo

Báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia của Việt Nam về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017 cho thấy nhóm tội phạm về tham nhũng là nhóm tội phạm nguồn của tội rửa tiền và được đánh giá có nguy cơ rửa tiền từ mức "trung bình cao" đến mức "cao". Do vậy, hiệu quả điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền sẽ góp phần đáng kể trong việc tăng cường hiệu quả phòng chống tham nhũng.

Hiện đối tượng báo cáo của Luật PCRT gồm 2 nhóm: các tổ chức tài chính và các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính liên quan.

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, hiện có một số hoạt động mới phát sinh và khung pháp lý đang trong giai đoạn nghiên cứu, hoàn thiện, như: hoạt động liên quan đến tài sản ảo, cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ... Nếu các hoạt động này được cấp phép quản lý thì quy định tại Luật PCRT hiện hành sẽ chưa bao quát được.

Do vậy, dự Luật PCRT (sửa đổi) đã bổ sung một số hoạt động kinh doanh mới phát sinh có tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền mà tổ chức thực hiện hoạt động đó phải thực hiện báo cáo. Chẳng hạn, tổ chức được cấp phép thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cung cấp dịch vụ tài sản ảo, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và cho vay trên nền tảng công nghệ (P2P Lending, cho vay ngang hàng)… Đây là những hoạt động có tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền do hầu hết được thực hiện trực tuyến nên các bên tham gia giao dịch có tính ẩn danh cao.

Còn tiếp...