Những vụ rửa tiền gây rúng động ở Việt Nam: Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia (Kỳ cuối)
(NLĐO) - Hoạt động rửa tiền bằng tiền kỹ thuật số ngày càng phổ biến trên toàn cầu buộc các quốc gia phải nhanh chóng nghiên cứu quy định kiểm soát.
Giao dịch tiền ảo, tài sản kỹ thuật số ở quốc gia này là bất hợp pháp nhưng ở nước khác lại được coi là hợp pháp. Các quốc gia sẽ quản lý loại hình phức tạp và tinh vi này ra sao trong bối cảnh tội phạm mạng có dấu hiệu gia tăng?
Giao dịch tăng vọt
Báo cáo từ nền tảng dữ liệu blockchain Chainalysis cho thấy trong năm 2021, tội phạm mạng đã rửa tiền thông qua tiền điện tử đạt 8,6 tỉ USD, tăng 30% so với năm 2020. Tính từ năm 2017, hoạt động rửa tiền của tội phạm mạng lên đến hơn 33 tỉ USD, chủ yếu ở các sàn giao dịch tập trung.
Chainalysis nhận định sự gia tăng mạnh mẽ hoạt động rửa tiền vào năm 2021 "không có gì đáng ngạc nhiên" bởi có sự tăng trưởng đáng kể của cả hoạt động tiền điện tử hợp pháp và bất hợp pháp. Khoảng 17% trong số 8,6 tỉ USD nêu trên đã được chuyển đến những ứng dụng tài chính phi tập trung - nền tảng cho phép thực hiện các giao dịch tài chính bằng tiền điện tử bên ngoài hệ thống ngân hàng. Vào năm 2020, tỉ lệ này chỉ là 2%.
"Rất khó để xác định xem có bao nhiêu tiền pháp định thu được từ tội phạm ngoại tuyến, ví dụ tiền từ buôn bán ma túy truyền thống được chuyển đổi thành tiền điện tử để rửa tiền. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng điều này vẫn đang diễn ra" - Chainalysis nhìn nhận.

Nhiều công ty bị cáo buộc rửa tiền bằng đồng Bitcoin. Ảnh: Reuters
Theo đài CNBC hôm 10-8, dựa trên dữ liệu phân tích của nền tảng Elliptic, RenBridge - một dự án xuyên chuỗi được sử dụng để chuyển tiền giữa các blockchain - đã được sử dụng để rửa ít nhất 540 triệu USD tiền mã hóa có nguồn gốc từ trộm cắp, gian lận, tống tiền qua mạng và nhiều loại hoạt động tội phạm khác kể từ năm 2020. Blockchain là công nghệ chuỗi - khối, cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa trên hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp, tương tự cuốn sổ cái kế toán của một công ty - nơi mà tiền được giám sát chặt chẽ và ghi nhận mọi giao dịch trên mạng ngang hàng. RenBridge là dự án hỗ trợ cho các nhóm "tin tặc" tấn công bằng mã độc có liên hệ với Nga và đã có hơn153 triệu USD tiền chuộc được thanh toán thông qua dự án này.
Úc tiên phong
Tại Úc, Bộ trưởng Tài chính Jim Chalmers hôm 22-8 cho biết nước này sẽ bắt đầu xem xét việc quản lý tiền điện tử, nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Ông Chalmers cho rằng người Úc đang trải qua một cuộc cách mạng kỹ thuật số trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế nhưng các quy định vẫn chưa thể theo kịp và thích ứng với lĩnh vực tài sản tiền điện tử. Do đó, Úc ưu tiên ban hành các văn bản quy định trong năm nay về quản lý tài sản tiền điện tử và các dịch vụ liên quan.
"Điều này chưa được thực hiện ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, vì vậy Úc sẽ đi đầu. Hiện nay, lĩnh vực tiền điện tử phần lớn không được kiểm soát và chúng tôi cần thực hiện một số bước để nắm bắt các công nghệ mới trong khi vẫn bảo vệ được người dùng" - ông Chalmers nhấn mạnh.
Philippines, Ấn Độ vào cuộc
Ngân hàng trung ương và Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) của Philippines cũng thảo luận về quy định quản lý tiền điện tử trong một phiên điều trần của Ủy ban Thượng viện về ngân hàng, tổ chức tài chính và tiền tệ với sự tham gia của một số giám đốc điều hành thuộc ngành công nghiệp tiền điện tử hồi cuối tháng 8.
Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Philippines Chuchi Fonacier đã đề cập về cách tiếp cận an toàn đối với quy định về tiền điện tử, gồm cả tiến hành nghiên cứu các chính sách tài sản kỹ thuật số. Chủ tịch SEC Emilio Aquino nhấn mạnh sự cần thiết phải tích cực thực thi các biện pháp bảo mật chống lại hành vi sai trái liên quan đến tài sản kỹ thuật số. Đầu tháng 8, cơ quan quản lý Philippines thông báo sẽ ngừng chấp nhận các đơn đăng ký giấy phép về tiền điện tử trong vòng 3 năm.
Trong khi đó, Ấn Độ đang điều tra ít nhất 10 sàn giao dịch tiền điện tử vì bị cáo buộc hỗ trợ các công ty nước ngoài rửa tiền bằng tiền điện tử. Tổng cục Thực thi của Ấn Độ ước tính các công ty bị cáo buộc đã "rửa" khoảng 130 triệu USD trong vụ án về ứng dụng cho vay tức thì; hầu hết các cáo buộc đều thể hiện mối liên hệ với Trung Quốc.

Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) của Philippines đã tham gia thảo luận về quy định quản lý tiền điện tử. Ảnh: Business Mirror
Ngăn rửa tiền qua bất động sản bằng tiền điện tử
Với việc các công ty giao dịch tiền điện tử như Bybit, Kraken, Binance và Crypto.com đang tìm cách thiết lập những trung tâm tiền điện tử mới ở TP Dubai và Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), một số nhà phát triển bất động sản tại đây đã thông báo rằng họ sẽ bắt đầu chấp nhận thanh toán các giao dịch bằng đồng Bitcoin (BTC) và Ether (ETH).
Chính vì vậy, UAE đang tìm cách để bảo đảm rằng bất kỳ giao dịch bất động sản nào cũng đều phải được báo cáo cho cơ quan giám sát chống rửa tiền nếu sử dụng tài sản ảo, dù chỉ là một phần nhỏ giá trị của ngôi nhà.
Chính phủ UAE cho biết các công ty bất động sản sẽ phải cảnh báo cơ quan chống rửa tiền về bất kỳ giao dịch mua bán tài sản nào được thanh toán bằng tiền điện tử.

Tuần Lễ Blockchain do sàn Binance tổ chức ở Dubai hồi tháng 3. Ảnh: BSC News
Bộ trưởng Kinh tế UAE Abdulla bin Touq Al Marri cho biết các quy định mới được siết chặt nhằm chặn đứng những hành động thao túng hoặc những hành vi bất hợp pháp có thể tác động tiêu cực đến môi trường việc làm, nền kinh tế và đầu tư trong lĩnh vực bất động sản và pháp lý. Các nhà môi giới, công ty bất động sản và công ty luật cũng bị yêu cầu phải nộp báo cáo cho Đơn vị Tình báo Tài chính - đơn vị chịu trách nhiệm theo dõi tiền "bẩn" và quy định mới cũng sẽ được áp dụng với bất kỳ người mua nào cố thanh toán giao dịch bất động sản bằng tiền mặt trị giá trên 15.000 USD.
Chính phủ nước này không quy định bất kỳ ngưỡng nào đối với tài sản kỹ thuật số nhưng ám chỉ rằng tất cả những giao dịch bằng Bitcoin dù nhỏ nhất cũng phải khai báo.
Hợp pháp nhưng khó kiểm soát
Không giống những nước khác, các nhà quản lý Hàn Quốc đang gặp khó khăn trong việc quản lý thị trường tài chính - nơi giao dịch tiền điện tử là hợp pháp nhưng không có luật cụ thể để kiểm soát.
Cơ quan giám sát chống rửa tiền của Hàn Quốc đã liệt 16 công ty tiền điện tử vào danh sách hoạt động bất hợp pháp và có thể tiến hành một cuộc điều tra nhằm vào các công ty này. Theo Đơn vị Tình báo Tài chính Hàn Quốc (KOFIU) thuộc Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC), các công ty này đã quảng cáo tiền điện tử và cung cấp dịch vụ cho người Hàn Quốc mà không đăng ký giấy phép hoạt động.
Cơ quan chức năng Hàn Quốc đã tăng cường nỗ lực trấn áp ngành công nghiệp tiền điện tử sau sự sụp đổ vào hồi tháng 5 vừa qua của hệ sinh thái Terraform Labs được thành lập bởi nhà phát triển Do Kwon. Sự kiện này được xem là thảm họa lớn nhất lịch sử ngành tiền số.

Do Kwon lần đầu xuất hiện sau sự sụp đổ của đồng tiền kỹ thuật số LUNA hồi tháng 5. Ảnh: Coinage
Sau khi dự án Terra đổ vỡ, các công tố viên đã đột kích 7 sàn giao dịch. Terraform Labs và nhà sáng lập Do Kwon (hiện đang sống ở Singapore) đều đang phải đối mặt với các cuộc điều tra vì nghi ngờ gian lận khiến nhiều nhà đầu tư mất trắng.
FSC cho biết họ sẽ giúp xúc tiến các quy định mới để kiểm soát ngành công nghiệp tiền điện tử. Quy định bắt buộc các công ty giao dịch tiền điện tử phải đăng ký hoạt động chính thức có hiệu lực vào tháng 9 theo Đạo luật báo cáo giao dịch tài chính. Những công ty hoạt động bất hợp pháp, không đăng ký sẽ phải đối mặt với án tù lên đến 5 năm hoặc tiền phạt lên đến 50 triệu won (khoảng 37.300 USD). Công ty vi phạm cũng sẽ bị cấm đăng ký làm nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo trong một khoảng thời gian nhất định.
Hồi năm ngoái, Hàn Quốc đã yêu cầu các nền tảng tiền điện tử phải được cấp chứng nhận "Hệ thống quản lý bảo mật thông tin". Chứng nhận này yêu cầu các công ty dịch vụ về tiền điện tử thực hiện nghiêm ngặt quy định liên quan đến chống rửa tiền và các điều khoản thủ tục xác minh danh tính khách hàng mở tài khoản giao dịch (KYC).
Song song đó, KOFIU cảnh báo người dùng tiền điện tử không nên tham gia các nền tảng chưa đăng ký, điều này có thể khiến người dùng dễ bị đánh cắp thông tin cá nhân.