Những vụ rửa tiền gây rúng động ở Việt Nam: Núp bóng công ty bất động sản (Kỳ 1)
(NLĐO) - Sau gần 10 năm thực thi, Luật Phòng chống rửa tiền đã bộc lộ nhiều khoảng trống pháp lý tạo điều kiện cho tội phạm rửa tiền lợi dụng, đòi hỏi nhanh chóng lấp đầy.
Luật Phòng chống rửa tiền hiện hành chưa bao quát đầy đủ những lĩnh vực có rủi ro rửa tiền, như: tiền ảo, cầm đồ, kinh doanh đá quý, bất động sản...; thiếu quy định về đánh giá rủi ro trong phòng chống rửa tiền và chưa thể hiện rõ ràng trách nhiệm của cơ quan quản lý.
Báo Người Lao Động điểm lại những vụ án rửa tiền, nghi rửa tiền từng gây rúng động dư luận, đồng thời ghi nhận nhiều góp ý từ phía chuyên gia, luật sư, đại biểu Quốc hội về dự án Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) vừa được cơ quan soạn thảo là Ngân hàng Nhà nước trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Mua, góp vốn vào bất động sản bằng tiền "bẩn"
Trong các vụ án rửa tiền, không thể không nhắc đến chiêu trò chuyển tiền "bẩn" vào kênh bất động sản rồi phù phép thành tiền "sạch".
"Ông trùm" trong đường dây đánh bạc hàng ngàn tỉ đồng qua mạng - Phan Sào Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty VTC online, cùng đồng phạm Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao, đã "rửa" số tiền thu lợi bất chính từ tổ chức đánh bạc qua bất động sản. Cả 2 bị khởi tố điều tra, truy tố và kết án cùng về 2 tội "Tổ chức đánh bạc" và "Rửa tiền".

"Ông trùm" đường dây đánh bạc qua mạng Phan Sào Nam

Bị cáo Nguyễn Văn Dương bị khởi tố, kết án về 2 tội "Tổ chức đánh bạc" và "Rửa tiền".
Theo kết quả điều tra, Nguyễn Văn Dương chỉ đạo đồng phạm chuyển hơn 576 tỉ đồng có được từ tổ chức đánh bạc góp vốn vào Công ty CP Đầu tư UDIC. Sau đó, Dương bán cổ phần cho các công ty khác để lấy số tiền hàng trăm tỉ đồng. Có tiền "sạch" trong tay, Dương mua nhiều bất động sản, mở tài khoản tiết kiệm và tiêu xài cá nhân.
Trong khi đó, Phan Sào Nam gửi tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng từ nguồn tiền "bẩn", ngoài ra còn mua rất nhiều bất động sản giá trị lớn và rút tiền để góp vốn vào nhiều công ty. Nam gửi tại ngân hàng Bank of Singapore số tiền 3,5 triệu USD.
Con tham ô, cha rửa tiền
Trong vụ án tham ô tài sản được đưa ra xét xử hồi năm 2017, Giang Kim Đạt, nguyên Quyền Trưởng phòng Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin - Vinashinlines, đã lãnh án tử hình về tội tham ô tài sản. Đáng chú ý, người giúp đạt "rửa tiền" là Giang Văn Hiển, cha ruột Đạt.

Giang Kim Đạt tại phiên tòa xét xử vụ án tham ô tại Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin - Vinashinlines
Theo kết luận của tòa, Đạt đã nhờ cha mở 22 tài khoản ngoại tệ tại nhiều ngân hàng. Các đối tác nước ngoài đã 92 lần chuyển tiền vào những tài khoản này. Tổng số tiền ông Hiển nhận là gần 16 triệu USD. Sau khi nhận tiền, Giang Văn Hiển đã mua 40 bất động sản đứng tên người thân trong gia đình, mua đi bán lại 13 ôtô. Nhận thức được việc con trai nhờ mở nhiều tài khoản để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng và số tiền nêu trên là bất hợp pháp nhưng Giang Văn Hiển vẫn tích cực thực hiện.
Cùng sử dụng chiêu thức mở nhiều tài khoản, chuyển tiền lòng vòng, mua bất động sản, các bị cáo Nguyễn Thái Lực, em ruột Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Alibaba; Võ Thị Thanh Mai, vợ Nguyễn Thái Luyện và Huỳnh Thị Kim Thắng, Kế toán trưởng Công ty CP Địa ốc Alibaba, đã bị truy tố về tội "Rửa tiền" trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba.
Cáo trạng của Viện KSND TP HCM xác định ngày 21-11-2018, Mai chỉ đạo Nguyễn Thái Lĩnh (em trai Luyện) nộp 50 tỉ đồng tiền khách hàng thanh toán mua nền đất tại Công ty CP Địa ốc Alibaba vào tài khoản của Lực. Sau đó, chỉ đạo Lực rút số tiền này rồi mở sổ tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng.
Lực rút 31 tỉ đồng trong sổ tiết kiệm 50 tỉ đồng nói trên để mở sổ tiết kiệm cho Thắng đứng tên. Thắng rút 18 tỉ đồng mua 2 căn nhà tại địa chỉ 96A và 96B, Khu phố 6, phường Tân Tiến, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Còn lại 13 tỉ đồng vẫn giữ trong sổ tiết kiệm.
Sau khi cơ quan công an khởi tố vụ án, bắt giam một số cá nhân và khám xét trụ sở công ty, Mai chỉ đạo Thắng chuyển toàn bộ số tiền gốc và lãi hơn 13,9 tỉ đồng vào tài khoản do Mai đứng tên. Ngay sau đó, Mai chuyển 13 tỉ đồng vào tài khoản của Lực, rồi chỉ đạo Lực rút ra và giao lại cho Mai. Số tiền này Mai khai đã sử dụng hết vào việc cá nhân và đến nay, cơ quan cảnh sát điều tra vẫn chưa thu hồi được.
Siết giao dịch qua ngân hàng
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng rửa tiền thông qua bất động sản có thể là một trong những kênh mà tội phạm dễ khai thác nhất. Bởi vì, đầu tư nhà đất ở Việt Nam tương đối dễ dàng, thuận lợi; không có quá nhiều thủ tục phức tạp, ràng buộc khi tham gia thị trường. Đáng lưu ý, mặc dù thu hút được nguồn tiền đầu tư lớn nhưng giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản có thể thực hiện bằng tiền mặt, không nhất thiết phải chuyển khoản, không thông qua sàn giao dịch bất động sản. Điều này gây khó cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xác định nguồn gốc dòng tiền.

Với đặc điểm dễ dàng đầu tư, kinh doanh, thủ tục không quá phức tạp, bất động sản là kênh dễ bị lợi dụng để rửa tiền
"Việc thanh toán tiền mặt trong giao dịch bất động sản tại Việt Nam hiện khá phổ biến, thậm chí phổ biến hơn thanh toán qua ngân hàng. Giao dịch đa phần tự phát trong khi số lượng giao dịch lớn và giá trị giao dịch cao. Hiện chưa có quy định, ràng buộc pháp lý liên quan đến giao dịch giá trị lớn phải thực hiện qua hệ thống ngân hàng khiến việc quản lý dòng tiền trở thành thách thức lớn với cơ quan quản lý và gây nguy cơ gia tăng hoạt động rửa tiền qua bất động sản" - TS Vũ Tiến Lộc phân tích.
Luật sư Nguyễn Thành Luân - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt - chỉ rõ quy định về các biện pháp phòng chống rửa tiền của Việt Nam áp dụng đối với đối tượng báo cáo vẫn còn những hạn chế, thiếu hụt so với 40 khuyến nghị của Lực lượng Đặc nhiệm tài chính (FATF). Trong đó, chưa có hướng dẫn cụ thể về các dấu hiệu cảnh báo giao dịch đáng ngờ mới ở một số lĩnh vực, ví dụ lĩnh vực kinh doanh bất động sản. "Cần có quy định chặt chẽ về thanh toán để phòng ngừa rủi ro rửa tiền. Chẳng hạn, cần quy định bắt buộc thanh toán giao dịch bất động sản thông qua hệ thống ngân hàng. Khi nào có xác nhận chuyển khoản, thanh toán thì mới cho phép sang tên bất động sản" - luật sư Nguyễn Thành Luân góp ý.
"Đã có quy định hạn mức giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, trong nhiều giao dịch đặt cọc hay thỏa thuận góp vốn, nhà đầu tư dạng "lướt sóng" muốn giao dịch bằng tiền mặt. Chưa kể, các sàn giao dịch bất động sản có tâm lý giấu thông tin khách hàng nên không tuân thủ quy định báo cáo. Qua đây, có thể thấy quy định đã có nhưng thực thi chưa hiệu quả. Việc sửa các luật trong tương lai cần chú trọng đến tính khả thi, hiệu quả, tăng cường giám sát, tránh luật xây dựng xong rồi bỏ đó" - TS Vũ Tiến Lộc kiến nghị.
Ông Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nêu thực tế giao dịch bất động sản hiện nay được thực hiện dưới hình thức thỏa thuận giá, có tình trạng "2 giá" (giá giao dịch thật và giá trên giấy tờ khác nhau) nên rất khó kiểm soát giá trị thực. "Bổ sung quy định tất cả giao dịch bất động sản phải thanh toán qua hệ thống ngân hàng không chỉ phục vụ mục đích phòng chống rửa tiền mà còn giúp cơ quan chức năng quản lý thu thuế, tránh thất thoát" - ông Thịnh nêu quan điểm.
Chặn rửa tiền để chặn tham nhũng
Chỉ với 2 "ông trùm" Giang Kim Đạt và Phan Sào Nam, dòng tiền bẩn được rửa sạch sẽ qua bất động sản đã lên tới hàng trăm tỉ đồng. TS Vũ Tiến Lộc lo ngại bất động sản sẽ trở thành nơi trú ẩn của tội phạm rửa tiền, nơi che giấu tài sản bất minh, đặc biệt là tài sản do tham nhũng hoặc phạm tội mà có.
"Tham nhũng đã trở thành nỗi nhức nhối của toàn xã hội. Hàng loạt vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử công khai với số tiền lớn, thậm chí cực lớn nhưng không phải dễ dàng thu hồi. Vậy số tiền thất thoát đã đi đâu, đã trở thành tiền "sạch" qua kênh nào? Rõ ràng, đã có những kẽ hở pháp luật khiến dòng tiền "bẩn" được hợp thức hóa thành tiền "sạch", trong đó bất động sản là một kênh bị lợi dụng khá nhiều. Vấn đề đặt ra ở đây là cần phòng chống tham nhũng song song với phòng chống rửa tiền. Khi không còn con đường "thoát thân" cho dòng tiền phi pháp hoặc các con đường rửa tiền đều bị kiểm soát chặt chẽ, chắc hẳn tội phạm tham nhũng sẽ giảm" - ông Vũ Tiến Lộc góp ý.
Nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng bất động sản để rửa tiền, TS Vũ Tiến Lộc kiến nghị ngoài sửa đổi Luật Phòng chống rửa tiền, còn cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản. Việc sửa luật cần thực hiện theo hướng kiểm soát cả những hành vi giao dịch thực hiện trước và sau thời điểm giao kết hợp đồng, như: nhận đặt cọc giữ chỗ; hứa mua, hứa bán; hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết; hợp tác kinh doanh thông qua biên bản thỏa thuận, vi bằng thừa phát lại, bản ghi nhớ, phiếu thu tiền đặt cọc...
Bổ sung đối tượng có rủi ro rửa tiền từ tham nhũng
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nêu một số biện pháp ngăn ngừa rửa tiền mà đối tượng báo cáo phải áp dụng theo khuyến nghị của Lực lượng Đặc nhiệm tài chính (FATF).
Ví dụ:
- Quy định về cá nhân có ảnh hưởng chính trị (PEPs) - nhóm đối tượng khách hàng có rủi ro rửa tiền (từ tham nhũng) cao.
- Quy định áp dụng đối với các thỏa thuận ủy quyền.
- Quy định về các dấu hiệu cảnh báo về giao dịch đáng ngờ mới trong một số lĩnh vực như kinh doanh bất động sản, kinh doanh kim loại quý, đá quý...
Những quy định trên tại Việt Nam còn chưa rõ ràng, chưa có hướng dẫn cụ thể hoặc thiếu hụt. Bên cạnh đó, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng chống rửa tiền còn thiếu và chưa được quy định rõ ràng hoặc chưa có sự phân định rõ trách nhiệm.
Còn tiếp....