Đầu tư chứng khoán hấp dẫn trở lại
Triển vọng kinh tế tích cực, thuế quan hạ nhiệt và dự báo lợi nhuận doanh nghiệp khả quan đang giúp thị trường chứng khoán bứt phá mạnh mẽ
Kết thúc phiên giao dịch ngày 8-7, VN-Index tiếp tục tăng mạnh 13,4 điểm lên mức 1.415 điểm, cao nhất trong hơn 3 năm qua. Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đổ vào mạnh mẽ, riêng sàn HoSE ghi nhận giá trị giao dịch vượt 1 tỉ USD. Việc thị trường chứng khoán tăng trưởng liên tục từ tháng 6 đến nay khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ.
Khối ngoại quay lại mua ròng tạo cơ hội đầu tư chứng khoán
Tại talkshow chứng khoán với chủ đề "Cơ hội đầu tư nửa cuối năm 2025?" do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 8-7, ông Đinh Minh Trí, Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân - Công ty Chứng khoán Mirae Asset, chỉ ra một loạt nguyên nhân giúp thị trường khởi sắc như triển vọng nâng hạng thị trường, dữ liệu tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm tích cực và tín hiệu khả quan từ các chính sách thuế quan… Tất cả đã thu hút dòng tiền dần trở lại, giúp VN-Index vượt mốc 1.400 điểm.
Trước đó, đầu tháng 4, VN-Index từng lao dốc từ mốc 1.330 điểm xuống quanh 1.072 điểm do lo ngại về những yếu tố bất định, đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Huy, Trưởng Phòng Khách hàng cao cấp - Công ty Chứng khoán DNSE, thị trường đã sớm phục hồi nhờ các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và cơ quan quản lý nhằm thúc đẩy xuất khẩu, sản xuất - kinh doanh trong nước, đầu tư công và tiêu dùng, trong đó có việc giảm 2% thuế GTGT.
"Hiện chưa có mức thuế quan chính thức từ Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam sau đàm phán nhưng triển vọng bên ngoài lẫn nội lực bên trong nền kinh tế đều đang cho thấy tín hiệu tích cực trong nửa cuối năm nay" - ông Huy nhấn mạnh.

Các chuyên gia tham gia talkshow chứng khoán “Cơ hội đầu tư nửa cuối năm 2025?” do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 8-7. Ảnh: TẤN THẠNH
Một diễn biến đáng chú ý trên thị trường hiện nay là các nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng sau 2 năm liên tục rút vốn. Trong 5 phiên gần đây, khối ngoại mua ròng với tổng giá trị hơn 7.000 tỉ đồng. Lý giải điều này, ông Đinh Đức Minh, Giám đốc Đầu tư cấp cao - Công ty Quản lý quỹ VinaCapital, cho biết đang xuất hiện tín hiệu dòng tiền rút khỏi thị trường chứng khoán Mỹ do dự báo kinh tế Mỹ chậm lại, đồng USD suy yếu và lãi suất giảm.
Ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài đặt kỳ vọng vào thị trường chứng khoán Việt Nam, nhất là triển vọng sớm được nâng hạng. "Nếu không có trở ngại lớn, khả năng chứng khoán Việt Nam được nâng hạng là hơn 50%. Dù được nâng hạng vào tháng 9 năm nay hay tháng 3-2026 đều là thông tin tích cực, vì nhà đầu tư vẫn có kỳ vọng" - ông Minh nhận định.
Triển vọng vẫn tốt
Liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ, các chuyên gia cho rằng sẽ không tác động quá lớn đến thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2025. Bởi đến thời điểm hiện tại, dù chưa có mức thuế cụ thể áp cho hàng hóa Việt Nam nhưng những tín hiệu ban đầu là tích cực và thị trường đã phản ánh phần nào vào giá cổ phiếu.
Theo chuyên gia VinaCapital, nhà đầu tư nên tập trung vào các yếu tố nội tại của nền kinh tế như tăng trưởng tín dụng, đầu tư công, kích cầu tiêu dùng và giảm thuế phí, đặc biệt là thuế GTGT được giảm từ 10% xuống 8% đến hết năm 2026 cho nhiều mặt hàng tiêu dùng. Ước tính tổng mức giảm thuế GTGT từ nay đến hết năm 2026 lên tới hơn 120.000 tỉ đồng, tác động mạnh đến sức mua nội địa.
"Dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp (DN) trong quý II và nửa đầu năm nay đều tích cực. Nếu cả năm, tăng trưởng lợi nhuận của DN niêm yết đạt khoảng 10%-15%, nhà đầu tư nên ưu tiên chiến lược tấn công thay vì phòng thủ. Cần chú ý đến các ngành hưởng lợi từ tín dụng tăng, lãi suất thấp, đầu tư công, tiêu dùng nội địa và quá trình nâng hạng thị trường" - ông Minh đề xuất.
Một nguyên tắc đầu tư cơ bản được các chuyên gia khuyến nghị là: trước khi mua cổ phiếu, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về DN. Theo ông Võ Văn Huy, hiện có 3-4 ngành lớn chiếm tỉ trọng vốn hóa cao trên thị trường, trong đó ngành ngân hàng từng chiếm khoảng 50% vốn hóa toàn thị trường. Trong quý II, ngành này dự báo tiếp tục tăng lợi nhuận 15%-20%, nợ xấu giảm, chất lượng tài sản được cải thiện.
"Ngành bất động sản đã qua đáy sau 2-3 năm khó khăn và đang có tín hiệu hồi phục khi một số DN bắt đầu mở bán dự án mới. Ngành bán lẻ và thép dù không tăng trưởng đột biến nhưng vẫn có nhiều điểm sáng, nhà đầu tư có thể tìm hiểu các DN có mức tăng nổi bật" - ông Huy nói thêm.
Với chiến lược đầu tư cho nửa cuối năm 2025, ông Đinh Minh Trí cho rằng khi giải ngân đầu tư công có tín hiệu tích cực. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đang trở thành tâm điểm mua ròng của khối ngoại. Khi thị trường được nâng hạng, thanh khoản trên sàn sẽ được thúc đẩy. Bên cạnh đó, danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán cũng sẽ được hưởng lợi khi VN-Index tăng, trong khi giá cổ phiếu ngành này vẫn chưa tăng quá cao.
Thị trường tài chính biến động mạnh
Ngày 8-7, giá vàng trong nước và thế giới biến động mạnh do ảnh hưởng từ thông báo áp thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump và các diễn biến quốc tế. Giá vàng miếng SJC tăng lên 121 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn đạt 116,9 triệu đồng/lượng. Các thương hiệu như DOJI, PNJ và Bảo Tín Minh Châu cũng điều chỉnh tăng. Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay đạt 3.332,3 USD/ounce, quy đổi thấp hơn giá trong nước khoảng 14,2 triệu đồng/lượng. Tâm lý lo ngại và kỳ vọng từ đàm phán thương mại đang tạo sóng cho thị trường vàng.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương phần lớn khởi sắc trong phiên giao dịch ngày 8-7. Chứng khoán Mỹ giảm mạnh với S&P 500 mất 0,8%, Dow Jones và Nasdaq cùng giảm 0,9%. Các nước bị áp thuế cao như Lào và Myanmar lên tới 40% đã lên tiếng phản ứng, đồng thời đẩy mạnh đàm phán để đạt thỏa thuận thương mại mới với Mỹ.
