Dễ dàng tiếp cận lương hưu

Giảm số năm đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm giúp người tham gia muộn hoặc có thời gian lao động đứt quãng dễ dàng tiếp cận lương hưu

Mãi đến năm 40 tuổi, chị Trần Thị Hạnh (48 tuổi, quê Bình Dương) mới tiếp cận và tham gia chính sách BHXH.

"Hạnh phúc trong tầm với"

Theo chị Hạnh, trước đây chị ưu tiên các công việc kiếm tiền nhanh, hơn là nghĩ đến chuyện tham gia BHXH. Vì vậy, chị chấp nhận các công việc không ký hợp đồng, không tham gia BHXH. Đến khi gia nhập một công ty may mặc tại quận 6, TP HCM, chị Hạnh mới thật sự tiếp cận và hiểu rõ những lợi ích mà BHXH mang lại.

Đến nay, chị đã tham gia BHXH được 8 năm. Ban đầu, chị còn khá tiếc nuối vì mình tham gia BHXH muộn, khó đáp ứng điều kiện về thời gian đóng tối thiểu 20 năm để có lương hưu nhưng khi Luật BHXH 2024 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2025) đã giảm số năm đóng BHXH tối thiểu còn 15 năm, chị rất vui mừng.

"Tham gia BHXH giờ không chỉ là vấn đề bảo vệ bản thân mà còn là sự chuẩn bị cho tuổi già. Tôi không muốn về già phải phụ thuộc vào con cái. Việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm đã mở ra cơ hội cho những người tham gia BHXH muộn như tôi tiếp cận chính sách an sinh lâu dài" - chị Hạnh bày tỏ. Hiện nay, điều mà chị quan tâm nhất là giữ được việc làm ổn định cho đến lúc nghỉ hưu.

Dễ dàng tiếp cận lương hưu- Ảnh 1.

Việc giảm số năm đóng tối thiểu để có lương hưu mở ra cơ hội cho người lao động tham gia BHXH muộn. Ảnh: MINH KHẢI

Bà Nguyễn Thị Trang Thúy (bảo mẫu tại một trường tiểu học ở quận Phú Nhuận, TP HCM) cũng tham gia BHXH muộn, đến nay mới đóng được 15 năm và sẽ đến tuổi nghỉ hưu vào giữa năm 2025. Trước đây, bà còn lo lắng không biết lấy tiền đâu để tham gia BHXH tự nguyện cho những năm còn thiếu nhưng theo quy định của Luật BHXH mới thì chỉ cần đóng từ 15 năm trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng lương hưu. "Có thể sau khi nghỉ hưu tôi vẫn sẽ đi làm để có thêm thu nhập nhưng việc có lương hưu sẽ giúp tôi đỡ áp lực hơn" - bà Thúy nói.

Vui mừng không kém là bà Đặng Thị Thủy, nhân viên bếp ăn của một công ty sản xuất ở quận Bình Thạnh (TP HCM). Bà Thủy từng có thời gian dài làm việc tự do trước khi vào làm việc tại bếp ăn của công ty này. Đến nay, bà đóng BHXH được 17 năm, chỉ một thời gian ngắn nữa, bà đến tuổi nghỉ hưu. Do vậy, khi giảm số năm đóng BHXH tối thiểu còn 15 năm thì bà sẽ có lương hưu ngay khi nghỉ hưu.

Bà Thủy cho biết thu nhập hiện tại khoảng 6 triệu đồng/tháng, đang phải nuôi cháu ngoại mới học lớp 1 nên khá khó khăn. "Ở ngưỡng tuổi nghỉ hưu, tôi mới thấy tầm quan trọng của lương hưu và rất mừng khi điều kiện hưởng hưu đã được giảm xuống. Tôi đã trao đổi với công ty và thỏa thuận sẽ tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu. Như vậy, tôi sẽ được nhận lương phụ bếp và lương hưu, cuộc sống của 2 bà cháu sẽ đỡ vất vả hơn" - bà Thủy bộc bạch.

Giá trị lâu dài

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Phan Thị Minh Thu, Giám đốc Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong, cho rằng việc giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để có lương hưu đã tác động tích cực đến mong muốn ở lại lưới an sinh của người lao động (NLĐ).

Tại công ty của bà Thu, số lao động làm việc trên 10 năm chiếm phần lớn. Nếu như trước đây, nhiều công nhân có ý định nghỉ việc để rút BHXH một lần hoặc có những trường hợp NLĐ đến ứng tuyển nhưng không muốn ký hợp đồng lao động (chỉ muốn làm việc thời vụ để hưởng trọn bảo hiểm thất nghiệp và chờ rút BHXH một lần) thì nay tình trạng đó đã giảm.

Bà Thu lý giải NLĐ mong muốn rút BHXH một lần vì giải quyết khó khăn trước mắt, một phần vì họ cho rằng thời gian đóng BHXH để có lương hưu tối thiểu 20 năm là quá dài và tuổi nghỉ hưu ngày càng tăng khiến họ thấy lương hưu rất xa tầm với. Nhất là khi thiếu sự bảo đảm về việc làm bền vững. "Nhưng với sự điều chỉnh giảm thời gian đóng tối thiểu để có lương hưu khiến NLĐ nhận thấy họ có thể tiếp cận lương hưu dễ hơn và có mong muốn ở lại hệ thống BHXH" - bà Thu đánh giá.

Theo ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, việc Luật BHXH 2024 điều chỉnh thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm còn 15 năm là một bước đi quan trọng, vừa nhân văn vừa sát với thực tiễn của thị trường lao động hiện nay. Chính sách này mở rộng cánh cửa tiếp cận lương hưu cho nhiều đối tượng, nhất là những người bắt đầu tham gia BHXH ở độ tuổi muộn hoặc có quá trình làm việc không liên tục.

Một trong những nhóm thụ hưởng chính là lao động trung niên trong độ tuổi 40 - 50, những người vốn đang lo ngại về khả năng tích lũy đủ 20 năm BHXH. Với mốc 15 năm, họ có thể yên tâm hơn trong việc xây dựng điểm tựa tài chính vững chắc sau khi rời khỏi thị trường lao động. Điều này cũng tạo ra động lực để nhóm này chủ động tham gia BHXH tự nguyện, thay vì bỏ cuộc giữa chừng.

Tuy nhiên, nhiều NLĐ nhất là lao động tự do, lớn tuổi chưa hiểu rõ giá trị lâu dài của lương hưu. Do chưa nắm đầy đủ về ý nghĩa bảo vệ của chế độ hưu trí, không ít người vẫn chọn rút BHXH một lần vì cho rằng đó là lựa chọn có lợi trước mắt. "Nhưng họ không lường trước được viễn cảnh tuổi già không có thu nhập ổn định, không có BHYT để tiếp cận dịch vụ y tế khi sức khỏe giảm sút" - ông Hà nêu thực tế.

Thời gian tới, ngành BHXH sẽ đẩy mạnh phối hợp với các bên liên quan trong công tác truyền thông và tư vấn chính sách, tập trung vào nhóm lao động trung niên, những người đang đứng trước ngưỡng cửa quyết định. 

Theo BHXH TP HCM, lương hưu không chỉ là một khoản tiền trợ cấp hằng tháng, mà là tấm lưới an sinh bền vững, giúp NLĐ có cuộc sống ổn định khi về già. Việc điều chỉnh thời gian đóng BHXH tối thiểu để có lương hưu là một bước đi quan trọng, sát thực tiễn.