Đêm nay, Việt Nam đón đỉnh mưa sao băng từ chòm sao Bảo Bình

(NLĐO) - Mưa sao băng Eta Aquarids sẽ đạt cực đại vào đêm ngày 5, rạng sáng ngày 6-5 đối với người quan sát từ Việt Nam.

Eta Aquarids là một trong những trận mưa sao băng lớn trong năm. Theo trang theo dõi thiên văn Time and Date, dự kiến sẽ có khoảng 50 ngôi sao băng rơi mỗi giờ vào giai đoạn cực đại.

Đêm nay Việt Nam đón đỉnh mưa sao băng từ chòm sao Bảo Bình- Ảnh 1.

Mưa sao băng Eta Aquarids theo góc chụp từ đảo Java - Indonesia - Ảnh: Justin Ng

Mưa sao băng Eta Aquarids được đặt theo tên Eta Aquarii, một ngôi sao to gần gấp 3 lần Mặt Trời nằm trong chòm sao Bảo Bình (Aquarius).

Vì vậy, để tìm kiếm sao băng, bạn có thể tìm kiếm chòm sao này, mang hình dáng một chiếc bình nước khổng lồ.

Các ngôi sao băng sẽ trông như phát ra từ một điểm nằm cạnh chiếc bình nước.

Đêm nay Việt Nam đón đỉnh mưa sao băng từ chòm sao Bảo Bình- Ảnh 2.

Bản đồ bầu trời với vị trí phát ra các ngôi sao băng Eta Aquarids được đánh dấu bằng dấu cộng màu vàng - Ảnh: SKY AND TELESCOPE

Mặc dù vậy, nguồn gốc thực sự của Eta Aquarids là sao chổi nổi tiếng Halley, tên đầy đủ là 1P/Halley.

Sao chổi này mất tới 76 năm để hoàn thành một vòng quay quanh Mặt Trời nên đến năm 2061, chúng ta mới có thể quan sát được nó trên bầu trời một lần nữa.

Tuy vậy, mỗi năm, Trái Đất sẽ đi qua chiếc đuôi đá bụi của sao chổi này 2 lần. Khi đó, các mảnh vỡ trong chiếc đuôi này sẽ lao vào bầu khí quyển, bốc cháy và tạo thành sao băng.

Ngoài Eta Aquarids, chiếc đuôi sao chổi này cũng tạo ra mưa sao băng Orionids, đạt cực đại khoảng ngày 20-10.

Nếu muốn quan sát các ngôi sao băng từ chòm Bảo Bình đêm nay, bạn nên tìm kiếm một không gian rộng rãi và để mắt làm quen với bóng tối khoảng 15-20 phút.

Nếu bỏ lỡ đêm cực đại, bạn vẫn có thể quan sát Eta Aquarids trong những đêm sau, với số sao băng rơi thưa hơn một chút.

Mưa sao băng Eta Aquarids thực ra đã bắt đầu từ ngày 19-4. Sau đêm cực đại, cơn mưa ánh sáng này sẽ thưa thớt dần và kết thúc hoàn toàn sau ngày 28-5.