Di sản văn hóa TP HCM - Từ vinh danh đến chiến lược phát triển
TP HCM đang chuyển mình để di sản văn hóa không chỉ là biểu tượng quá khứ, mà trở thành nguồn lực sống động cho hiện tại và tương lai
Từ tôn vinh đến chiến lược, từ bảo tồn đến lan tỏa, một hướng đi mới đang được TP HCM xác lập, đưa cộng đồng trở thành chủ thể của di sản, không chỉ là người gìn giữ, mà còn là người kiến tạo.
Di sản không ngủ yên
TP HCM sau khi sáp nhập đã trở thành một đại đô thị với tiềm lực mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa. Trong bối cảnh đó, việc nhìn nhận lại hệ thống di sản văn hóa đa tầng, đa dạng - từ kiến trúc đô thị, tín ngưỡng dân gian, đến nghệ thuật truyền thống và ký ức công nghiệp được xem là chìa khóa quan trọng để phát triển ngành du lịch một cách bền vững và có bản sắc.
Sự sáp nhập giúp TP HCM mở rộng không gian địa lý và xã hội, kéo theo đó là một kho tàng di sản mới được "kích hoạt", vốn trước đây còn bị khuất lấp hoặc rời rạc trong cách khai thác. Những địa bàn như: Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè không chỉ có giá trị sinh thái mà còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, làng nghề truyền thống, lễ hội dân gian hứa hẹn tạo thành bức tranh di sản phong phú cần được đưa vào chiến lược phát triển du lịch thông minh và khác biệt.
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận định: "Việc định vị TP HCM là một "thành phố di sản đương đại" - nơi giao thoa giữa đô thị hiện đại với chiều sâu văn hóa - cần trở thành định hướng xuyên suốt trong chính sách du lịch. Điều đó đòi hỏi một chiến lược mới".
PGS-TS Trần Yến Chi cho rằng: "Di sản không còn là "quá khứ bị lãng quên", mà là nguồn lực chiến lược trong xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa của TP HCM".
Di sản phải sống
Hiện có hơn 185 công trình, địa điểm được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia và thành phố. Không dừng lại ở những mảng tường cũ hay ký ức nằm yên trong sách vở, di sản văn hóa tại TP HCM đang được tái khởi động bằng một chiến lược phát triển tổng thể và sâu rộng, với tinh thần: di sản phải sống, phải được cộng đồng thụ hưởng và phải tạo được giá trị gia tăng trong công cuộc xây dựng đô thị sáng tạo.
Bằng sự quyết liệt trong định hướng, UBND TP HCM đã và đang triển khai kế hoạch truyền thông quy mô lớn, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu chung cho di sản văn hóa TP HCM, tạo nên một hình ảnh thống nhất, dễ nhận diện và đủ sức lan tỏa trong và ngoài nước. Đây là bước đi có tính bản lề, thay vì để di sản tồn tại rời rạc, địa phương nào quản lý di tích ấy, thì nay toàn bộ di sản sẽ cùng nằm trong một "bản đồ văn hóa số" chung, có tính chiến lược.
Công nghệ và bản sắc: Một hướng đi "kép"
TP HCM đang chứng minh rằng bảo tồn di sản không có nghĩa là cố định nó trong quá khứ. Việc đưa công nghệ số vào ứng dụng trong giới thiệu và quảng bá di sản như số hóa tư liệu, bản đồ tương tác, app hướng dẫn tham quan bằng thực tế ảo (AR/VR), hay QR code thông minh tại các di tích… đang từng bước thay đổi cách công chúng - đặc biệt là thế hệ trẻ - tiếp cận di sản.

Trình diễn 3D Mapping về đêm tại các công trình kiến trúc di sản của TP HCM thu hút đông công chúng. (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)
Một dự án tiêu biểu hiện đang được triển khai là trình diễn 3D Mapping về đêm tại các công trình kiến trúc di sản của TP HCM như: Bảo tàng Lịch sử TP, Nhà hát Thành phố, trụ sở UBND TP HCM… Theo ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Tập đoàn Chairman of the Group - đơn vị khởi xướng dự án: "3D Mapping không đơn thuần là chiếu sáng, mà là tái hiện lịch sử bằng ngôn ngữ thị giác sống động. Công nghệ này sẽ kể lại những lát cắt thời gian của công trình từ lúc hình thành, biến động theo lịch sử, cho đến vai trò trong hiện tại tạo nên một hành trình thị giác gợi mở và xúc động cho người xem".
Dự án được kỳ vọng sẽ trở thành một sản phẩm văn hóa - du lịch đặc sắc, tổ chức định kỳ vào các dịp lễ lớn hoặc sự kiện đặc biệt của thành phố, góp phần đưa các di sản kiến trúc thành điểm đến nghệ thuật.
Cộng đồng là chủ thể, không chỉ là người xem
Điểm đột phá lớn nhất trong chiến lược lần này chính là đưa cộng đồng trở thành chủ thể của di sản. Nghĩa là thay vì giao việc bảo tồn cho các cơ quan quản lý văn hóa đơn lẻ, TP HCM khuyến khích sự tham gia từ chính người dân địa phương, các nghệ nhân, tu sĩ, văn nghệ sĩ - những người đang sống cùng, làm việc cùng và kể chuyện di sản mỗi ngày.
Họ không còn là "người giữ hộ" ký ức cho thành phố, mà trở thành "người đồng sáng tạo" - tham gia trực tiếp vào các hoạt động phục dựng lễ hội truyền thống, truyền dạy nghề thủ công, thiết kế các chương trình biểu diễn nghệ thuật gắn với di sản, xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù…
Một hướng đi đáng chú ý là việc đưa nghệ thuật sân khấu thực cảnh vào không gian di sản, tạo nên những trải nghiệm sống động, phi tuyến tính và giàu cảm xúc. Đạo diễn Lê Quý Dương, người từng thành công với nhiều vở diễn thực cảnh tại các di tích lịch sử khắp cả nước, chia sẻ: "TP HCM có tiềm năng cực lớn để phát triển sân khấu thực cảnh. Những địa điểm như Địa đạo Củ Chi, Bến Nhà Rồng, Đền Nguyễn Hữu Cảnh, Bảo tàng Lịch sử TP HCM hay Đền Vua Hùng là nơi lưu giữ dấu tích, sẽ trở thành không gian biểu diễn sống động, giúp khán giả "bước vào" lịch sử bằng tất cả giác quan. Sân khấu thực cảnh tại di sản kể chuyện và kết nối cảm xúc".
Di sản là nguồn lực của đô thị sáng tạo
Trong những cuộc trò chuyện, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, nhận định việc phát triển di sản văn hóa không còn là câu chuyện riêng của ngành văn hóa, mà đang trở thành một trụ cột trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch của TP HCM. Di sản không chỉ là di tích, mà là chất liệu sáng tạo: từ thời trang đến điện ảnh, từ biểu diễn đến công nghệ trải nghiệm.
Theo các nhà nghiên cứu, để điều đó thành hiện thực, TP HCM cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý bảo vệ di sản, hỗ trợ các tổ chức cộng đồng và nghệ nhân, đồng thời mở rộng chính sách xã hội hóa, đưa doanh nghiệp tham gia vào khai thác di sản theo cách bền vững - không thương mại hóa quá mức, nhưng cũng không để giá trị văn hóa nằm yên trong bảo tàng.
TP HCM đang chọn một cách đi không dễ: đưa di sản vào đời sống một cách thực chất, bền vững và sáng tạo. Điều này đòi hỏi tư duy đổi mới từ quản lý nhà nước và sự đồng lòng từ cộng đồng.
NSND Trần Minh Ngọc nói: "Sự sáng tạo mang tính đột phá của văn nghệ sĩ và các nhà quản lý văn hóa của TP HCM sẽ góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển. Thành quả đó sẽ tạo nền văn hóa năng động, một bản sắc đô thị độc đáo, mang tính toàn cầu".