icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Long An bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa

TÂM QUÂN

(NLĐO) - Tỉnh Long An đang đề nghị Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích cấp quốc gia đối với di tích lịch sử Nhà Long Hiệp thuộc xã Long Hiệp, huyện Bến Lức

Long An không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa quý báu. Những di sản này phản ánh lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất, đồng thời thể hiện sự đa dạng và phong phú của nền văn hóa Việt Nam.

Long An bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa- Ảnh 1.

Cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên dâng hương tại Khu di tích Vườn nhà ông Hương bộ Nguyễn Văn Thỏ ở huyện Đức Hòa. Ảnh: Báo và Đài PTTH Long An

Thời gian qua, thực hiện Luật Di sản văn hóa và các văn bản khác có liên quan, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Long An được quản lý tốt, đã phân cấp quản lý di tích cho địa phương, nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, địa phương trong công tác bảo vệ và quản lý di tích, phát huy được sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân vào việc tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh. Quan tâm đãi ngộ, tôn vinh nghệ nhân và tạo điều kiện cho nghệ nhân tham gia truyền dạy, quảng bá di sản trong cộng đồng.

Năm 2024, các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Long An tiếp tục được quan tâm đầu tư và có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm, tỉnh Long An đã công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh cho 2 di tích: Khu Lưu niệm Nhạc sĩ Cao Văn Lầu thuộc xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành và Đình Phước Đông thuộc xã Phước Đông, huyện Cần Đước.

Ngoài ra, hiện tỉnh đang đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia đối với di tích lịch sử Nhà Long Hiệp thuộc xã Long Hiệp, huyện Bến Lức; hoàn chỉnh hồ sơ di tích lịch sử cấp quốc gia đối với di tích lịch sử Khu vực Cầu Kinh thuộc xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc; lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho 2 lễ hội: Lễ hội Chùa Cổ Sơn thuộc xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng và Lễ hội Đền Long Khốt thuộc xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 127 di tích (lịch sử - văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, danh thắng, khảo cổ), trong đó có 21 di tích cấp quốc gia và 106 di tích cấp tỉnh, bên cạnh đó còn có 3 công trình văn hóa có tính lịch sử, 10 nghề truyền thống, 1 làng nghề, 7 làng nghề truyền thống.

Với hệ thống các di tích phong phú, đa dạng về nội dung và loại hình nên số lượng khách đến tham quan tại các di tích ngày càng tăng cũng như các nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống với các sản phẩm khá đa dạng như: Trồng hoa kiểng, đan lát, chế biến lương thực, thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ… cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách.

Long An bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa- Ảnh 2.

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Nhơn Hòa Lập, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh tham quan Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam Bộ. Ảnh: Báo và Đài PTTH Long An

Trong năm 2024, tỉnh Long An thu hút 340.000 lượt khách đến tham quan và tham gia lễ hội tại các khu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh. Riêng đối với Bảo tàng, Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa, Các địa điểm thuộc Căn cứ Bình Thành (Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh), Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chánh - Kháng chiến Nam Bộ và Khu Tượng đài Long An đã đón 31.200 lượt khách đến tham quan. Tổng số học sinh đi tham quan, trải nghiệm tại các di tích lịch sử - văn hóa trong tỉnh là 106.912 lượt.

Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các cơ sở làng nghề, ngành nghề nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đi đôi với phát triển kinh tế địa phương. Đến cuối năm 2023, Long An đã xây dựng và công nhận 139 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (40 sản phẩm đạt 4 sao, 99 sản phẩm đạt 3 sao).

Để người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh dễ tìm mua sản phẩm OCOP, Sở Công Thương đã xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại thành phố Tân An, huyện Đức Hòa và huyện Cần Đước. Hoạt động nhằm kết nối các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Long An.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An, nhìn chung, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, nhất là các di tích lịch sử - văn hóa được chú trọng thực hiện góp phần thu hút khách tham quan, nghiên cứu, đồng thời giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa địa phương cho học sinh, sinh viên trên địa bàn đúng theo tinh thần Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 04/01/2023 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Long An đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, dịch vụ tại các di tích chưa đáp ứng phục vụ nhu cầu của khách tham quan: Các mặt hàng lưu niệm, sản phẩm quà tặng còn hạn chế, mẫu mã đơn giản thiếu sự đa dạng, sáng tạo; nhà vệ sinh công cộng bị hư hỏng, xuống cấp, chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu đặc biệt là đối với đối tượng người khuyết tật...

Trong năm, tỉnh đã tiến hành sửa chữa và đưa vào sử dụng các nhà vệ sinh công cộng tại: Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh, Khu Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chánh - Kháng chiến Nam Bộ và Khu công viên Tượng đài Long An "Trung dũng kiên cường - Toàn dân đánh giặc".

Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Long An có vị trí chiến lược quan trọng trong giao thương, phát triển kinh tế và du lịch; nơi giao thoa giữa vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giáp ranh với TP HCM, nằm trên tuyến du lịch và chuỗi đô thị quốc gia là TP HCM – TP Cần Thơ; kết nối với Vương quốc Campuchia và Cảng biển quốc tế Long An. Long An với hơn 1,7 triệu dân, tự hào xem đó nguồn lực vô giá, là yếu tố nội lực quan trọng để phát triển, thu hút đầu tư, mời gọi khách tham quan, trải nghiệm; và là động lực vươn lên của tỉnh nhà trên con đường hội nhập và phát triển.

Thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phương châm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối với ngành du lịch là "liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện", thời gian qua, ngành du lịch tỉnh Long An đã có bước chuyển mình đổi mới, xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc trưng là "Sông Vàm Cỏ trên nền cảnh quan sinh thái Đồng Tháp Mười và dịch vụ vui chơi giải trí", thu hút ngày càng nhiều khách tham quan, đóng góp to lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà.



Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo