Điểm hẹn của chuyên gia, doanh nghiệp

Các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm về kinh tế do Báo Người Lao Động tổ chức trở thành nơi gặp gỡ thường kỳ của các chuyên gia, lãnh đạo DN và cơ quan quản lý

Từ cuối tháng 12-2023 đến nay, đều đặn mỗi quý một lần, Báo Người Lao Động tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam với những chủ đề thời sự nóng bỏng, tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp và đời sống xã hội.

Hội tụ tri thức, thông tin

Qua 6 lần tổ chức, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ, gắn bó nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm của đội ngũ chuyên gia kinh tế uy tín ở trong và ngoài nước.

Dù công việc bận rộn, nhiều khi lệch múi giờ, các khách mời thân thiết vẫn thu xếp thời gian tham dự diễn đàn bằng nhiều hình thức và đóng góp những ý kiến thảo luận tâm huyết, thẳng thắn. Đó là PGS-TS Trần Đình Thiên - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy

TP HCM; TS Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP HCM; GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM)...

Gần 2 năm gắn bó với Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, nhiều khách mời là chuyên gia kinh tế đầu ngành, lãnh đạo doanh nghiệp ở các lĩnh vực, lãnh đạo các viện nghiên cứu... đã trở thành những người bạn đồng hành với Báo Người Lao Động. Các chuyên gia, khách mời không chỉ hiến kế, thảo luận về chủ đề chính của từng chương trình mà còn đóng góp ý tưởng, gợi ý, đặt hàng... cho những chương trình kế tiếp.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đến với diễn đàn để gặp gỡ, trao đổi, góp tiếng nói, kết nối nhiều bên, qua đó có thể hình thành những ý tưởng kinh doanh mới. Trong quá trình quảng bá chương trình, chúng tôi đã nhận được không ít lời đề nghị tham dự diễn đàn từ nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ... để cập nhật thông tin, lắng nghe phân tích, góp ý... từ các diễn giả.

Điểm hẹn của chuyên gia, doanh nghiệp - Ảnh 1.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2025 lần thứ hai với chủ đề “Kinh tế tư nhân: Gỡ rào cản - Giao trọng trách” được Báo Người Lao Động tổ chức ngày 5-6. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trao đổi với chúng tôi sau khi kết thúc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần 1 - năm 2024, tổ chức ngày 19-12-2023 với chủ đề "Kích cầu tiêu dùng nội địa", TS Nguyễn Quốc Việt, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội, cho biết ông nảy ra ý tưởng cho một bài báo quốc tế sau khi nghe doanh nghiệp chia sẻ về cách kết nối kinh doanh trên kênh thương mại điện tử. Theo ông, nhiều người đánh giá diễn đàn là không gian rất mở để giới chuyên gia đóng góp tri thức, hiến kế, bày tỏ quan điểm và quan trọng hơn cả là được tranh luận, cọ xát với những ý kiến đa chiều nhằm tìm ra giải pháp cho sự phát triển của đất nước.

"Với Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, Báo Người Lao Động đã tạo ra một không gian đối thoại có ý nghĩa và thực chất. Vai trò của các chuyên gia kinh tế được thể hiện rõ nét, những ý kiến góp ý được ghi nhận trọng thị" - TS Nguyễn Quốc Việt nhận xét.

Kết nối từ nhiều nước

Là cố vấn của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, TS Trần Du Lịch có mặt tại hầu hết những lần diễn đàn được tổ chức và rất nhiều hội thảo, tọa đàm khác về kinh tế. Thậm chí, nhiều lần vừa trở về sau chuyến công tác, chuyên gia này ngay lập tức từ sân bay đến trụ sở Báo Người Lao Động để kịp dự và phát biểu tại tọa đàm.

Tháng 11-2023, đang ở nước ngoài, TS Trần Du Lịch nhận lời mời kết nối với tọa đàm có chủ đề rất thiết thực, cấp bách trong giai đoạn hồi phục sau dịch COVID-19: "Giải pháp tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 - đầu năm 2024" qua Google Meet. Từ phòng chờ trước khi lên chuyến bay tới Florida - Mỹ, TS Trần Du Lịch nhận định tổng thể những khó khăn kéo dài của nền kinh tế Việt Nam và góp ý nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, trong đó quan trọng hơn cả là xây dựng thể chế, chính sách nhằm tạo nền tảng cho giai đoạn tiếp theo.

Cũng tại tọa đàm này, GS-TS Nguyễn Đức Khương - Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu, Giám đốc điều hành Trường Kinh doanh Léonard de Vinci và Giám đốc phát triển quốc tế Tổ hợp Đại học De Vinci (Pháp) - bất ngờ góp mặt. Biết thông tin ông đang trong chuyến công tác ở Việt Nam, Ban Tổ chức đã kết nối và nhận được phản hồi tham dự trong thời gian rất ngắn. Đây là cơ duyên, cũng là may mắn của những người tổ chức chương trình bởi trước đó, chúng tôi chỉ dám hy vọng ông có thể tham dự qua hình thức trực tuyến từ Pháp.

Từ Singapore, trong buổi sáng bận rộn với lịch giảng dạy, GS-TS Vũ Minh Khương vẫn khéo léo sắp xếp thời gian để tham dự trực tuyến tọa đàm "Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân", tổ chức ngày 20-3 vừa qua. Đúng với phong cách làm việc chu đáo, tỉ mỉ của một nhà giáo, ngay từ hôm trước, ông đã trao đổi với chúng tôi về kịch bản chi tiết của tọa đàm, chuẩn bị kỹ lưỡng phần trả lời và test (kiểm tra) đường truyền. "Cho tôi thêm 1-2 phút để nói về cảm nhận và đề xuất nhé?" - tin nhắn GS-TS Vũ Minh Khương gửi chúng tôi khi tọa đàm chuẩn bị kết thúc, bởi sự tâm đắc của ông khi theo dõi toàn bộ nội dung thảo luận phong phú, với nhiều hàm ý gợi mở.

Đồng hành với các chương trình của Báo Người Lao Động còn có nhiều tham tán thương mại, đại diện thương vụ ở nước ngoài. Những vị khách mời đặc biệt này không chỉ phải thu xếp công việc, chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng - nhất là những thông tin mới nhất về thị trường mà cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm, mà còn phải "thức khuya dậy sớm". Cách nửa vòng Trái đất, tham tán Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, thường tham gia chương trình khi đã rất khuya; còn tham tán Nguyễn Thị Hoàng Thúy từ Thụy Điển lại phải thức dậy từ trước bình minh... 

Hồi hộp với lần live hiện trường đầu tiên

Khi khởi động Diễn đàn Kinh tế Việt Nam vào cuối năm 2023, Ban Biên tập giao một bài toán không dễ: Tổ chức chương trình theo hình thức mới mẻ, trong đó có phần kết nối live hiện trường trực tiếp.

Không dễ - bởi phương tiện tác nghiệp chưa thật sự chuyên nghiệp, đường truyền còn hạn chế, rủi ro lỗi kỹ thuật rất cao. Nhưng với "máu nghề" và sự nỗ lực, ê-kíp lập tức lên kế hoạch, làm thử nhiều lần. Chủ đề của diễn đàn là "Kích cầu tiêu dùng nội địa" nên chúng tôi kết nối với một siêu thị lớn ở trung tâm TP HCM và nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình.

Từ lần đầu tổ chức live hiện trường thành công nhưng cũng đầy hồi hộp ấy, ê-kíp đã có kinh nghiệm để thực hiện nhuần nhuyễn trong những chương trình sau đó, như tọa đàm "Bất động sản 2025: Nhà ở cho người trẻ" (ngày 3-4), hội thảo "Cà phê Việt Nam: Tăng lợi ích cho người trồng, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu" (ngày 17-5, trong khuôn khổ Chương trình Tôn vinh cà phê - trà Việt lần 3 - năm 2025)...

Chủ đề thời sự của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam

* Lần 1 - năm 2024: Kích cầu tiêu dùng nội địa.

* Lần 2 - năm 2024: Gỡ khó về vốn và thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu.

* Lần 3 - năm 2024: Tháo điểm nghẽn giải ngân đầu tư công.

* Lần 4 - năm 2024: Động lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới.

* Lần 1 - năm 2025: Giải pháp đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8%.

* Lần 2 - năm 2025: Kinh tế tư nhân: Gỡ rào cản - Giao trọng trách.