Điều chỉnh giá điện hợp lý, không tạo cú sốc

Ngày 7-5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Bảo đảm điện cho tăng trưởng - Yêu cầu và giải pháp".

Ông Nguyễn Văn Đạt, Phó Giám đốc Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên, chi nhánh Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên, bày tỏ mong muốn của doanh nghiệp không phải là được sử dụng điện giá rẻ, mà là được sử dụng nguồn điện ổn định, có mức giá hợp lý, đúng theo cơ chế thị trường và bảo đảm chất lượng. Hiện nay, doanh nghiệp đã xây dựng phương án, kế hoạch chuyển đổi một phần sang sử dụng năng lượng xanh, năng lượng mặt trời, qua đó giảm áp lực cho ngành điện, đồng thời tăng tính tự chủ trong sử dụng điện.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, yếu tố quan trọng nhất là bảo đảm tính minh bạch và ổn định trong cơ chế giá điện. Theo đó, trong việc thu hút xã hội hóa đầu tư vào ngành điện, ngoài sự minh bạch và ổn định, còn cần bảo đảm tính hợp lý của chi phí.

Trong khi đó, chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, nhấn mạnh vấn đề không đơn giản chỉ là giá điện tăng hay giảm, mà làm thế nào để giá điện phản ánh đúng thực tế chi phí sản xuất, bảo đảm ổn định, bền vững trong đầu tư và vận hành hệ thống điện quốc gia. Giải pháp căn cơ là cần 1 lộ trình điều chỉnh giá điện hợp lý, minh bạch và tiệm cận thị trường, phản ánh đầy đủ các chi phí cấu thành, trong khi vẫn bảo đảm không tạo ra cú sốc về giá cho người dân và nền kinh tế.

Về phía Bộ Công Thương, ông Đoàn Ngọc Dương, Phó Cục trưởng Cục Điện lực, cho biết vấn đề xác định giá, chi phí đã được quy định trong Luật Điện lực cũng như các nghị định, thông tư hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Công Thương. Những vấn đề này, Bộ Công Thương vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để thể chế hóa cụ thể.

Quay trở lại vấn đề cung ứng điện, đặc biệt trong năm 2025 và những năm sắp tới, ông Dương cho rằng có 2 yếu tố quan trọng nhất. Một là huy động tối đa được nguồn lực hiện hữu để chuẩn bị tốt nhất cho các kịch bản, tình huống có thể xảy ra nhằm ứng phó những trường hợp đã dự báo. Hai là chuẩn bị cho việc đầu tư, phát triển và minh bạch về thị trường trong thời gian tới để bảo đảm phát triển ngành điện cũng như cung ứng điện ổn định, bền vững, mang lại hiệu quả cao nhất cho nền kinh tế.