Điểu long hiện ra nguyên vẹn sau 150 triệu năm ẩn mình trong đá
(NLĐO) - Sau 35 năm trôi dạt, bộ xương "quái vật khiêu vũ" ở Đức đã được xác nhận là một con điểu long lông vũ cực hiếm thấy.
Được mệnh danh là Chicago Archaeopteryx, sinh vật mà các nhà khoa học từ Bảo tàng Field (Chicago - Mỹ) vừa "xác định danh tính" là con điểu long lông vũ thứ 14 từng được tìm thấy trên thế giới.
Theo Sci-News, kết quả chụp CT càng làm cho giới khoa học bất ngờ: Không chỉ thân mình được bảo quản với mức độ nguyên vẹn đáng kinh ngạc, hộp sọ của nó cũng gần như còn nguyên, bao gồm vùng vòm miệng.
Vì vậy, Chicago Archaeopteryx là một báu vật thực sự.



Hóa thạch điểu long lông vũ ở Chicago - Ảnh: BẢO TÀNG FIELD/MICHAEL ROTHMAN
Điểu long lông vũ - Archaeopteryx, chim thủy tổ - mang hình dáng rất giống chim ngày nay. Tuy nhiên, bản chất của chúng vẫn là những con khủng long, đang "chập chững" tiến hóa thành chim.
Giống như tất cả các hóa thạch Archaeopteryx, mẫu vật mới được tìm thấy trong các mỏ đá vôi gần Solnhofen - Đức và qua tay các nhà sưu tập tư nhân từ năm 1990.
Đến năm 2022, Một liên minh những người ủng hộ đã giúp Bảo tàng Field mua được con điểu long quý giá.
Theo bài công bố trên tạp chí Nature, các nhà cổ sinh vật học đã tiến hành chụp CT độ phân giải cao và tái tạo hình ảnh 3D kỹ thuật số, tái tạo từng phần xương nhỏ của con khủng long có kích thước chỉ bằng con bồ câu hiện đại này.
"Các xương ở vòm miệng giúp chúng ta tìm hiểu về quá trình tiến hóa của thứ gọi là chuyển động sọ, một đặc điểm ở loài chim hiện đại cho phép mỏ chuyển động độc lập với hộp sọ" - TS Jingmai O'Connor, phó giám tuyển về bò sát hóa thạch tại Bảo tàng Field, cho biết.
Người ta đưa ra giả thuyết rằng khả năng tiến hóa hộp sọ chuyên biệt cho các hốc sinh thái khác nhau có thể chính là chìa khóa giúp loài chim tiến hóa thành hơn 11.000 loài ngày nay.
Trong khi đó, các mô mềm được bảo quản trong "bàn tay" và bàn chân của Chicago Archaeopteryx củng cố ý tưởng rằng điểu long lông vũ dành phần lớn thời gian để đi bộ trên mặt đất và thậm chí có thể trèo cây.
Nó cũng có một bộ lông rất dài ở 2 "cánh tay", điều mà các nhà cổ sinh vật học chưa từng thấy ở các điểu long lông vũ khác.
Bộ lông này là minh chứng cho việc vào thời điểm 150 triệu năm trước - cuối kỷ Jura - các điểu long lông vũ trên Trái Đất có thể đã bắt đầu biết bay.
Các loài khủng long giống chim trước đó cũng từng được phát hiện với lông cánh, nhưng thường chỉ kéo dài đến khuỷu, khiến chúng chưa đủ sức bay lượn.
“Điều này cũng bổ sung thêm bằng chứng cho thấy khủng long đã tiến hóa khả năng bay nhiều lần, điều mà tôi cho là vô cùng thú vị” - TS O'Connor cho biết.