Doanh nghiệp "bắt tay" nhà khoa học, đưa giống cây trồng Việt Nam ra thế giới
(NLĐO) - Từ giống lúa chỉ có năng suất 3-4 tấn trở thành giống lúa 9-10 tấn và hoàn toàn có thể xuất khẩu tới nhiều thị trường trên thế giới.
Ngày 9-5, tại Hà Nội, Hội thảo khoa học quốc tế chủ đề: "Đổi mới công nghệ chọn tạo giống cây trồng trong doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu" được đồng tổ chức bởi Tập đoàn PAN, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Tập đoàn PAN cùng Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ nhằm gia hạn hoạt động hợp tác từ năm 2023
Theo Hội Giống cây trồng Việt Nam (VSA), trong những năm qua, ngành trồng trọt Việt Nam đã có những thành tựu nổi bật, đặc biệt trong năm 2024 với kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 62,5 tỉ USD, trong đó gạo đạt kỷ lục 9 triệu tấn.
Về giống cây trồng, đến năm 2024 có 1.008 giống được công nhận, bao gồm 455 giống lúa và 206 giống ngô, cùng với hàng loạt giống cây ăn quả, cây công nghiệp và giống rau hoa.
Dẫn chứng về thành tựu trong đổi mới công nghệ chọn tạo giống cây trồng, GS-TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho hay tại Việt Nam, chúng ta có những giống lúa từ 100-120 ngày thay cho giống lúa 180 - 200 ngày; giống lúa từ 3-4 bông lên 9-10 bông; từ giống lúa chỉ có năng suất 3-4 tấn trở thành giống lúa 9-10 tấn; chuyển từ giống lúa năng suất sang giống lúa vừa năng suất cao, vừa ngon, vừa chống chịu sâu bệnh.
"Học viện Nông nghiệp Việt Nam mong muốn hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức quốc tế để đáp ứng nhu cầu về chọn tạo giống cây trồng của Việt Nam và trên thế giới"- GS-TS Phạm Văn Cường.
Tuy vậy, ngành giống cây trồng Việt Nam vẫn đối mặt với các thách thức như: Sự mất cân đối trong nghiên cứu giữa cây lương thực và cây ăn quả, hạn chế trong cải tiến giống lâm nghiệp; hệ thống sản xuất giống còn manh mún, chưa đạt quy mô công nghiệp; tỉ lệ sử dụng giống đạt chuẩn trong sản xuất vẫn thấp, đặc biệt tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Khơi thông xuất khẩu
Bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN, nhấn mạnh trong bối cảnh khí hậu biến đổi nhanh, thị trường đòi hỏi cao hơn, người tiêu dùng ngày càng khắt khe, thì giống - công nghệ giống chính là điểm khởi đầu của mọi chuỗi giá trị.
Cuối năm 2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57 về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, và mới tuần trước đã vừa ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.
Theo bà My, đây là những "luồng gió mới" và là bước ngoặt lớn cho các doanh nghiệp như PAN. "Nghị quyết sẽ "cởi trói" một số vấn đề tắc nghẽn để khơi thông xuất khẩu giống cây trồng nhiều hơn ra thị trường thế giới, trong đó có những thị trường tiềm năng như châu Phi, Đông Nam Á" - bà My cho biết.
Theo bà My, doanh nghiệp giống cây trồng của Việt Nam hoàn toàn có thể hợp tác với các nước lân cận như Lào, Campuchia, Indonesia và cả Thái Lan.
"Thái Lan mạnh về xuất khẩu gạo nhưng chúng ta vẫn có cơ hội xuất khẩu giống lúa sang thị trường này. Vừa qua, tôi đi công tác và thấy rằng bà con Thái Lan sử dụng giống của Việt Nam rất vui vì chất lượng, năng suất cao" - bà My nói.
Và để làm tốt việc này, không thể thiếu sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các nhà khoa học. "Một trong những cơ chế quan trọng là doanh nghiệp có thể sớm tận dụng nguồn nhân lực, máy móc thiết bị còn bỏ phí của các vụ, viện để nghiên cứu, chọn tạo giống" - bà My nhấn mạnh.
TS Cao Đức Phát, Chủ tịch HĐQT IRRI, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh giải pháp chính để cùng lúc vượt qua hai thách thức này nằm trong hai lĩnh vực gồm: Tiếp tục đổi mới chính sách theo định hướng thị trường; đẩy mạnh áp dụng các công nghệ mới để nâng cao nhanh hơn trình độ khoa học công nghệ của ngành. Trong đó, trước hết cần có những đổi mới trong lĩnh vực giống cây trồng.