Doanh nghiệp khát lao động, vì sao?

Trong bối cảnh kinh tế phục hồi và sản xuất tăng tốc, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng "khát lao động"

Việc tuyển dụng số lượng lớn lao động, vốn từng là bài toán không quá khó trước đây, nay lại trở thành một thách thức lớn.

Nhu cầu tăng cao

Dù liên tục đăng tuyển, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất tại TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn không tuyển đủ số lượng lao động cần thiết, nhất là lao động phổ thông. Theo phản ánh của các DN trong KCX-KCN, tình trạng thiếu hụt lao động đã diễn ra từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng đến tiến độ đơn hàng và khả năng mở rộng sản xuất. Một số nhà máy phải tăng ca, chia ca linh hoạt hoặc thuê nhân công bên ngoài để bù đắp lực lượng thiếu hụt.

Ông Lê Văn Hưng, Giám đốc nhân sự một công ty may mặc tại KCN Tân Tạo (TP HCM), cho biết kế hoạch mở rộng dây chuyền số 6 đã không thể hoàn thành vì thiếu nhân công. "Chúng tôi cần tuyển 500 công nhân từ cuối tháng 3-2025 để vận hành chuyền mới, đáp ứng đơn hàng nhưng đến nay mới tuyển được hơn một nửa. Số lượng tuyển cũng rơi rụng khoảng 10% do nhiều nguyên nhân" - ông Hưng nói.

Doanh nghiệp khát lao động, vì sao? - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp phải tổ chức từng tổ tuyển dụng để đến tất cả các ngày hội việc làm để tìm nhân sự

Theo báo cáo "Thị trường lao động 6 tháng đầu năm - Dự báo nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2025" của Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM (HIDS), tổng nhu cầu nhân lực cần tuyển trong 6 tháng đầu năm 2025 tại TP HCM là 160.680 lao động. Trong đó, khu vực thương mại - dịch vụ tiếp tục chiếm tỉ trọng áp đảo với 111.175 vị trí cần tuyển, tương đương gần 70%. Khu vực công nghiệp - xây dựng cần 49.152 lao động (chiếm hơn 30%), nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản chỉ chiếm 0,22%.

HIDS dự báo trong 6 tháng cuối năm, thị trường lao động TP HCM sẽ tiếp tục sôi động, với nhu cầu dao động từ 151.282 - 159.040 chỗ làm việc mới. Cơ cấu tuyển dụng tiếp tục nghiêng mạnh về các nhóm ngành công nghiệp trọng điểm (cơ khí, điện - điện tử, hóa nhựa, chế biến lương thực thực phẩm…) và nhóm ngành dịch vụ chủ yếu (tài chính, logistics, thương mại, nhà hàng - khách sạn…).

Những con số trên không chỉ phản ánh đà phục hồi và mở rộng của nền kinh tế thành phố, mà còn đặt ra bài toán lớn về nguồn cung lao động, nhất là khi khu vực phía Nam đang hình thành một trục công nghiệp mới kéo dài từ TP HCM - Bình Dương - Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) thành TP HCM mới. Sự mở rộng không gian kinh tế này khiến nhu cầu tuyển dụng lao động gia tăng mạnh mẽ, song cũng đồng thời làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu hụt nhân lực, nhất là ở các DN sản xuất quy mô lớn.

Thay đổi phương pháp

Nhu cầu tuyển dụng cao nhưng người lao động lại chưa mặn mà quay trở lại nhà máy. Nhiều người chọn các công việc tự do, linh hoạt như tài xế công nghệ, bán hàng online… thay vì làm việc cố định theo ca, theo dây chuyền. Trong khi đó, lực lượng lao động trẻ có xu hướng dịch chuyển hoặc chọn các khu vực có thu nhập cao hơn.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM, có một lý do sâu xa hơn là sự thay đổi trong nhận thức và kỳ vọng của thế hệ lao động trẻ. Một yếu tố không kém phần quan trọng là sự thiếu hiệu quả trong công tác tuyển dụng. Nhiều DN vẫn đang sử dụng các phương pháp truyền thống như dán thông báo, phát tờ rơi, đăng tin ở một số kênh không chuyên biệt. Trong khi đó, phần lớn lao động trẻ hiện nay tìm việc qua các nền tảng tuyển dụng trực tuyến hoặc qua giới thiệu bạn bè.

Theo ông Dương Việt Linh, Giám đốc Kinh doanh nền tảng Việc Làm Tốt, hiện nền tảng này sở hữu hệ sinh thái người dùng khổng lồ với hơn 2,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Cơ sở dữ liệu ứng viên đa dạng, chất lượng cao trải rộng nhiều ngành nghề như công nhân sản xuất, bán hàng, chăm sóc khách hàng, kho vận, lái xe, bảo vệ, phục vụ, phụ bếp, thu ngân... giúp DN dễ dàng tiếp cận đúng nhóm lao động cần thiết một cách nhanh chóng và hiệu quả.

"Chúng tôi tập trung khai thác sức mạnh công nghệ, dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ DN rút ngắn tới 70% thời gian xử lý hồ sơ thông qua tính năng sàng lọc thông minh AI screening. Hệ thống phân tích dữ liệu chuyên sâu theo ngành nghề còn giúp phòng nhân sự dự báo và hoạch định chiến lược tuyển dụng dài hạn phù hợp với biến động của thị trường lao động" - ông Linh cho biết.

Không chỉ đóng vai trò là nền tảng kết nối ứng viên - nhà tuyển dụng, Việc Làm Tốt còn tích hợp hệ thống quản lý tài khoản DN toàn diện, với các tính năng như lọc ứng viên theo kinh nghiệm thực tế, theo dõi hiệu suất tuyển dụng theo thời gian thực, báo cáo tự động... từ đó tối ưu hóa toàn bộ hành trình tuyển dụng. 

Sáng nay, 3-7, Báo Người Lao Động phối hợp với nền tảng Việc Làm Tốt và Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM tổ chức Talkshow với chủ đề "Kênh tuyển dụng hiệu quả, nhanh chóng cho các DN sản xuất có nhu cầu tuyển số lượng lớn". Chương trình có sự tham dự của 2 doanh nghiệp thường xuyên tuyển dụng số lượng lớn, đó là: Công ty CP Nhựa Đại Đồng Tiến và Công ty TNHH May Mặc Song Ngọc.