Cuộc thi viết người thầy kính yêu: Dốc tâm huyết nâng bước chân trò
Những tiết học hấp dẫn và đầy tính thực tiễn, thầy Ngô Trần Thịnh đang từng bước xây dựng thế hệ đội ngũ nhân sự báo chí chất lượng, giàu nhiệt huyết
Nhà báo, thạc sĩ Ngô Trần Thịnh hiện là Trưởng Phòng Đa Truyền thông - Trung tâm Tin tức - Đài Truyền hình TP HCM (HTV). Anh được nhiều học trò yêu mến bởi kiến thức chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết và tấm lòng hết mực yêu quý, nâng đỡ người trẻ.
Người thầy nhẫn nại, bao dung
Ngô Trần Thịnh tốt nghiệp ngành Computer Science tại Đại học Greenwich (London) với đồ án lọt top 5 xuất sắc, sau đó hoàn tất chương trình cao học ngành quản trị truyền thông tại Đại học Stirling (Scotland), anh đã gặt hái nhiều thành tích đáng kể trong sự nghiệp báo chí trước khi trở thành người đứng lớp.

ThS Ngô Trần Thịnh (giữa) cùng các bạn trẻ. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Bén duyên từ lời mời của một đàn chị thân thiết, Ngô Trần Thịnh bắt đầu hoạt động giáo dục bằng việc giảng dạy tại Trường ĐH Văn hóa, sau đó là Trường ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH) và RMIT, ở các bộ môn như truyền thông, truyền thông đa phương tiện, xử lý khủng hoảng truyền thông. Không dừng lại ở những tri thức trong sách vở, phương pháp của thầy Thịnh là cung cấp những câu chuyện và tình huống thực tiễn để sinh viên dễ hình dung và nắm bắt bản chất của ngành. Đây là cách thầy Thịnh giúp sinh viên không chỉ học nghề mà còn hiểu nghề. Không dừng lại ở đó, thầy Thịnh rất quan tâm mở lối cho sinh viên làm nghề. Những dự án nội dung số đầy tính thử thách, quy mô từ nhỏ đến lớn, tất cả đều được thầy tận dụng để tạo điều kiện thực hành cho sinh viên.
Thú vị hơn, sự đồng hành ấy còn lấn sân sang mảng "tổng đài tư vấn" đời sống. Từ những vấn đề tình cảm chông chênh cho đến áp lực công việc, sinh viên tìm đến thầy như tìm đến một người bạn lớn. "Các bạn cần tôi, và khi đã cần, tôi sẵn sàng giúp đỡ" - thầy Thịnh nói.
Phạm Đức Phong, cựu sinh viên HUTECH, nhớ như in những giúp đỡ ý nghĩa và kịp thời của thầy Thịnh trong giai đoạn khó khăn khi ba Phong qua đời đột ngột. Phong kể: "Lúc ấy, tôi đang trong giai đoạn chuẩn bị tốt nghiệp, tôi tạm dừng việc học và cảm thấy lạc lối. Thầy Thịnh đã tạo cơ hội cho tôi phỏng vấn tại HTV, giúp tôi có công việc ổn định để lo cho gia đình. Thầy không chỉ hỗ trợ trong công việc mà còn là người bạn lớn đầy nhẫn nại và bao dung".
Thầy Thịnh đã tự bỏ tiền túi giúp Phong hoàn thành học phí 2 môn học còn dở dang để tốt nghiệp đúng hạn, đơn giản vì không muốn học trò bỏ lỡ cột mốc quan trọng trong cuộc đời của mình. Còn lại, thay vì giúp đỡ trực tiếp bằng tài chính thì thầy Thịnh ưu tiên học trò "cần câu", rồi từ đó việc nắm bắt, nỗ lực và phát huy ra sao là phụ thuộc vào chính các bạn.
Gần thập kỷ giảng dạy, thầy đã chứng kiến sự trưởng thành của nhiều thế hệ học trò. Nhiều sinh viên cũ giờ đây đã trở thành cộng sự, đồng nghiệp, và hơn thế nữa là người tiếp lửa cho thế hệ kế tiếp.
Trong số đó, Ý Nhi là một ví dụ điển hình. Từng là lứa sinh viên đầu tiên của thầy, Nhi hiện là người dẫn chương trình, đồng thời đảm nhận vai trò Giám đốc sản xuất của nhiều chương trình công nghệ nổi bật như CafeTek, Made by Việt Nam và Night to Shine trên HTV.
Ý Nhi cảm kích vì chính nhờ sự khích lệ và định hướng từ thầy Thịnh, cô đã mạnh dạn thực hiện nhiều ý tưởng mới và liều lĩnh. Các dự án của Nhi không chỉ là minh chứng cho sự thành công cá nhân mà còn cho thấy sức ảnh hưởng sâu sắc của người thầy dẫn dắt.
Hạnh phúc khi học trò trưởng thành
Khi được hỏi về nỗi lo "bị vượt mặt" bởi học trò, thầy Thịnh cho rằng: "Các bạn càng trưởng thành thì tôi càng hạnh phúc, đó là điều tôi hướng tới. Nếu xây dựng được một "bộ máy" mà khi không theo sát chúng vẫn vận hành trơn tru, mạnh mẽ, đó mới là thành công". Với thầy, thành công của học trò không chỉ là thành tích hay danh hiệu, mà còn là thái độ lắng nghe cầu thị khi chạm đến những đỉnh cao mới.
Với thầy Thịnh, nghề giáo không chỉ có nhiệm vụ truyền đạt kiến thức mà còn là hành trình không ngừng làm mới bản thân. Thầy tâm niệm: "Nếu không xắn tay vào làm, thì tôi sẽ chẳng có gì mới mẻ để chia sẻ với sinh viên. Lúc đó, học trò sẽ chỉ nhìn thấy tôi là người đi trước, chứ không phải người đi cùng". Chính vì vậy, thầy luôn chủ động tìm kiếm những cơ hội để nâng cao bản thân, nhằm trao đi những giá trị tươi mới và truyền cảm hứng cho thế hệ học trò.
Một trong những trải nghiệm mới ấy là đứng lớp những buổi tập huấn nghiệp vụ và hội thảo dành cho các lãnh đạo, cấp quản lý, phóng viên, biên tập viên của nhiều cơ quan báo chí, tạp chí đến từ các tỉnh, thành.
Nhiều người vô cùng ấn tượng khi gặp thầy Thịnh trong các buổi tập huấn "Kỹ năng sản xuất và phát triển nội dung báo chí ứng dụng AI" hay "Ứng dụng AI, Chat GPT trong tác nghiệp báo chí" do Hội Nhà báo hay Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí tổ chức. Đây là dịp ThS Ngô Trần Thịnh truyền đạt những kiến thức, kỹ năng nâng cao năng lực chuyên môn cho các cấp quản lý lãnh đạo trong môi trường báo chí hiện đại.
Bản lĩnh đứng lớp, lối dẫn dắt thực tế và khả năng "bình dân hóa" các khái niệm công nghệ phức tạp đã giúp thầy Thịnh chinh phục được những học viên có thâm niên làm nghề.
Sự trao truyền kiến thức ấy dù ở không gian nào thì cũng chỉ hướng về mục tiêu duy nhất là kiến tạo thế hệ báo chí mới, những cá nhân không chỉ thành thạo kỹ năng nghề mà còn sở hữu tư duy đổi mới và trách nhiệm. Thầy tin rằng trong kỷ nguyên số, mỗi thế hệ làm báo đều góp phần giữ gìn và làm mới nghề, bảo đảm rằng không ai bị bỏ lại phía sau. Đi dạy cũng tương tự là một cách để thầy Thịnh làm mới và bồi dưỡng bản thân trở thành một phiên bản ngày càng linh hoạt, thích ứng, luôn biết trao truyền và chia sẻ.
"Gien giáo dục" và tinh thần truyền đạt
Đó là những thứ thầy Thịnh thừa hưởng từ gia đình, khi bố từng là giảng viên cơ khí và mẹ là giáo viên tiểu học. Cả 2 bất ngờ trước sự nghiệp giảng dạy của con trai nhưng đầy tự hào khi thấy con mình tiếp nối con đường giáo dục.

Nhà báo, thạc sĩ Ngô Trần Thịnh
Thầy Thịnh thường nhắc đến bố mình với cụm từ: "Bố tôi là nhà khoa học". Bố thầy là chuyên gia cơ khí, đã chế tạo nhiều sản phẩm công nghệ, nhưng thầy nhận ra: "Những người làm khoa học và công nghệ, như bố tôi, thường giỏi chuyên môn nhưng ít khi được biết đến, vì họ không biết cách truyền thông". Đây cũng là lý do thầy theo đuổi truyền thông mảng công nghệ, để đưa công nghệ và người làm công nghệ đến gần với công chúng hơn.
Một lần, thầy Thịnh dùng chính câu chuyện này của bố để thuyết phục thành công một nhà đầu tư trong dự án lễ hội công nghệ. Điều thú vị là nhà đầu tư này lại là học trò cũ của bố thầy. Cuộc gặp gỡ giữa người con và người học trò đã củng cố niềm tin của thầy vào sức mạnh, sứ mệnh trao truyền và mối lương duyên kỳ diệu của người thầy, đồng thời tiếp thêm động lực để thầy tiếp tục nuôi dưỡng thế hệ kế cận.