Dọn đường cho 100.000 căn nhà ở xã hội

Để đến năm 2030 hoàn thành 100.000 căn nhà ở xã hội như Thủ tướng Chính phủ giao, TP HCM đang nỗ lực với hàng loạt giải pháp

Tại TP HCM cuối tuần qua, sau cơn mưa lớn nhất từ đầu năm, phóng viên Báo Người Lao Động trở lại dự án nhà ở xã hội tại phường Long Trường, TP Thủ Đức.

Nhiều nơi đang "ngủ"

Dự án này khởi công 3 năm trước, thời điểm đó, chủ đầu tư thông tin sẽ cung cấp gần 600 căn hộ cho người lao động có thu nhập thấp với đầy đủ tiện ích và chất lượng công trình tương đồng dự án nhà ở thương mại. Đây cũng thể hiện nỗ lực của chủ đầu tư đáp ứng chủ trương của Bộ Xây dựng là nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, nâng chất lượng sống cho người lao động.

Quyết tâm là vậy nhưng đến hiện tại, hình ảnh thực tế tại công trường cho thấy bốn bề quây kín tôn, bên trong là đất trống cùng ngổn ngang cọc bê-tông, cỏ dại, sình lầy. 

Máy móc và công nhân vắng bóng thể hiện không có dấu hiệu của hoạt động dù báo cáo từ cơ quan chức năng là dự án thuộc diện "đang thi công".

Dọn đường cho 100.000 căn nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Dự án nhà ở xã hội phường Long Trường được chờ đợi sớm thoát cảnh quây tôn

Cách đó chừng 3 km, một dự án khác mà thời điểm động thổ năm 2022 được hình dung cung cấp nhà ở xã hội thế hệ mới với thiết kế Singapore, đầy đủ tiện ích, không gian xanh, bảo đảm chất lượng sống… rơi vào tình cảnh tương tự, thậm chí còn chưa thi công.

Trong khi đó, dự án nhà lưu trú công nhân tại KCX Linh Trung II (giai đoạn 2) được khởi công ép cọc thử cách đây 3 năm với quy mô hơn 350 căn hộ cho thuê. Tuy nhiên, dự án chưa thể triển khai.

Qua cầu Phú Mỹ chạy tới quận 7, phóng viên đến dự án nhà ở xã hội MR1 thuộc dự án khu dân cư Tân Thuận Tây, với quy mô hơn 700 căn hộ. Nơi đây không khá hơn khi vẫn chỉ tận dụng làm bãi đậu xe, bán vật liệu xây dựng và thuộc diện "chưa thi công".

Dọn đường cho 100.000 căn nhà ở xã hội - Ảnh 2.

Khu vực dự án nhà ở xã hội MR1

Giải pháp ưu tiên

Tìm hiểu cho thấy căn cứ chương trình phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021-2030 và đề án của Chính phủ về đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp thì giai đoạn 2021 - 2030, TP HCM dự kiến phát triển khoảng 69.700 - 93.000 căn nhà ở xã hội, trong đó, đến năm 2025 là từ 26.200 đến 35.000 căn. 

Còn theo thông báo số 120 ngày 18-3 vừa qua của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao TP HCM đến năm 2030 hoàn thành 100.000 căn nhà ở xã hội.

Về công tác thực hiện mục tiêu, Sở Xây dựng TP HCM cho biết giai đoạn từ năm 2021 đến hết quý I/2025, thành phố đã xây dựng, hoàn thành 6 dự án với quy mô 2.745 căn hộ. Đang thi công 4 dự án với quy mô 2.874 căn hộ và có thể hoàn thành trong năm nay.

Để phấn đấu đạt chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao, Sở Xây dựng dự kiến tham mưu UBND TP HCM nhiều giải pháp. Cụ thể như tiếp tục góp ý và tổ chức thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội để phát triển nhà ở xã hội. 

Cùng với đó, phối hợp xây dựng chính sách phát triển nhà ở xã hội cho từng nhóm đối tượng đặc thù như lực lượng vũ trang, công chức, bác sĩ, giáo viên, văn nghệ sĩ, công nhân khu công nghiệp, người dân sống trên và ven kênh rạch. 

Ngoài ra, tiếp tục tham mưu HĐND TP HCM ban hành nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngân sách của thành phố.

Trong năm 2025 tập trung tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục pháp lý đối với dự án nhà ở xã hội, trong đó ưu tiên dự án có quy mô trên 1.000 căn là nội dung tham mưu quan trọng nữa.

Gỡ vướng nghĩa vụ

UBND TP HCM cho biết quy định về quy mô sử dụng đất tối thiểu để chủ đầu tư có trách nhiệm dành 20% tổng diện tích đất ở xây dựng nhà ở xã hội đã không còn. Hiện pháp luật chỉ quy định việc chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở thương mại dành 20% diện tích đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để phát triển nhà ở xã hội (thuộc thẩm quyền quyết định của UBND TP HCM).

TP HCM là đô thị loại đặc biệt nên nhà ở xã hội phải là loại hình nhà chung cư, được đầu tư xây dựng theo dự án, phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt… 

Vì vậy, để tháo gỡ vướng mắc và bảo đảm công khai, minh bạch trong xác định hình thức thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại khi chấp thuận chủ trương đầu tư, Chủ tịch UBND TP HCM kiến nghị Ban Thường vụ Đảng ủy UBND TP HCM xem xét, chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng. Theo đó, thực hiện nhà ở xã hội bằng hình thức đóng tiền tương đương giá trị 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo đề xuất của nhà đầu tư.

Chủ tịch UBND TP HCM kiến nghị xem xét từng trường hợp đề xuất của nhà đầu tư về bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại hoặc thực hiện nhà ở xã hội tại vị trí khác. Qua đó, bảo đảm phù hợp chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở TP HCM được phê duyệt. 

Sắp hoàn thành 2.316 căn

Nhằm đạt chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2030, TP HCM đã đăng ký với Bộ Xây dựng về chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội năm 2025.

Theo đó, có 3 dự án dự kiến hoàn thành với quy mô 2.316 căn; 8 dự án dự kiến khởi công quy mô 8.000 căn; 5 dự án dự kiến chấp thuận chủ trương đầu tư quy mô khoảng 20.000 căn.

Thành phố cũng đang rà soát bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tập trung để cập nhật vào đồ án quy hoạch chung thành phố, bên cạnh việc quy định điều tiết quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại.