Đơn giản hóa thủ tục xây dựng nhà ở
Chủ nhà được cấp sổ hồng với điều kiện phải bảo đảm an toàn công trình và phòng cháy - chữa cháy, phù hợp quy hoạch
Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cương quyết cắt bỏ thủ tục hành chính không cần thiết.
Nỗi khổ hoàn công
Dẫn chứng lĩnh vực xây dựng, một khu vực đã có quy định chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc (chiều cao công trình, tỉ lệ xây dựng, khoảng cách với vỉa hè…), Thủ tướng đặt vấn đề: "Nhà người dân xây dựng, UBND xã, phường phải kiểm tra có tuân thủ đúng quy định không, cần gì phải bắt đi xin giấy phép".
Từ phát biểu của người đứng đầu Chính phủ, theo ghi nhận thực tế trong công tác quản lý trật tự xây dựng tại TP HCM, có nhiều điểm bất cập đòi hỏi sớm có giải pháp, đặc biệt là điều chỉnh quy định pháp luật, để người dân thuận lợi hơn trong xây dựng nhà và hợp thức hóa tài sản.
Ông L.T.T (ngụ quận 12, TP HCM) cho biết nhiều năm trước, ông "trầy trật" mới xin được giấy phép để xây nhà. Tuy nhiên, đến khi xây ngôi nhà 1 trệt, 1 lầu hoàn thành, ông gặp khó khăn trong thủ tục hoàn công. So với bản vẽ thiết kế thì nhà ông có thêm cửa chính ở mặt tiền để tiện việc đi lại, sinh hoạt. Ông cũng nhờ "dịch vụ" để hợp thức hóa căn nhà nhưng chi phí quá cao nên 5 năm nay ông không nghĩ tới việc hoàn công nữa.

Một công trình xây dựng nhà ở trên địa bàn TP Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: QUỐC ANH
Ông P.T.V (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) đến nay vẫn chưa hợp thức hóa ngôi nhà đã xây xong từ năm 2019 do diện tích xây dựng nhỏ hơn giấy phép xây dựng (GPXD). Năm 2018, ông V. được cấp GPXD ngôi nhà 5 tầng trên khu đất 55,2 m2. Diện tích xây dựng (tầng 1) là 50 m2. Nhà xây xong, ông làm hồ sơ gửi đến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Tân Bình đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ hồng). Tháng 9-2019, khi làm hồ sơ hoàn công thì diện tích xây dựng chỉ thể hiện 49,64 m2, tức nhỏ hơn gần 0,3 m2. Theo gia chủ, khi tiến hành xây nhà, ông cho lùi ranh của bức tường nhà dọc con hẻm để mở rộng lối đi cho hàng xóm khiến diện tích nhà nhỏ hơn diện tích được cấp phép. Điều này khiến nhiều năm qua, ông V. chưa thể hợp thức hóa ngôi nhà dẫn đến việc vay vốn làm ăn, giao dịch, mua bán bị trì trệ.
Anh Đ.Đ.T (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) cho biết tháng 9-2024, anh dự kiến xây khoảng 18 căn nhà 1 trệt 1 lầu để cho thuê trọ. Tuy nhiên, hồ sơ xin GPXD nộp lên bộ phận một cửa của TP Thủ Dầu Một thì bị trả về với lý do bản vẽ nhà trọ của anh chưa giống với bản vẽ mẫu mà địa phương đưa ra. Trong khi đó, anh T. cho rằng đã tham khảo các quy định, thông tư, văn bản… về quy định xây dựng nhà trọ, trường hợp anh đủ điều kiện để được GPXD nhà ở riêng lẻ. "Mẫu nhà trọ mà địa phương đưa ra chỉ để tham khảo, chứ không nhất thiết bắt người dân phải thực hiện đúng như vậy, gây thiệt hại tài chính khá nhiều như tiền thuê vẽ thiết kế nhiều lần…" - anh T. bức xúc.
Tạo thuận lợi cho người dân
Trước thời điểm 15-1-2018 (ngày Nghị định 139/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng có hiệu lực), Bộ Xây dựng chấp thuận theo đề xuất của Sở Xây dựng TP HCM là những trường hợp nhà nhỏ hơn giấy phép được giải quyết cấp sổ hồng. Tuy nhiên, từ thời điểm Nghị định 139/2017 có hiệu lực thì trường hợp xây dựng nhỏ hơn giấy phép được xem là xây dựng sai phép. Các trường hợp này bị phạt tiền và phải tháo dỡ công trình.
Thực tế, trên địa bàn TP HCM có rất nhiều trường hợp xây nhà ở hoặc công trình không phải nhà ở có diện tích nhỏ hơn, số tầng và chiều cao thấp hơn so với giấy phép. Tuy nhiên, những trường hợp này chưa thống nhất về nội dung và hình thức xử lý. Chính vì thế, cơ quan chức năng cũng gặp nhiều trở ngại khi làm thủ tục cấp sổ hồng cho người dân.
Để giải quyết khó khăn, từ khi thực hiện Nghị định 139/2017, Sở Xây dựng đã hướng dẫn cho các địa phương và cơ quan chuyên môn thực hiện, tuy nhiên việc cấp sổ hồng vẫn gặp khó khăn trong công tác phối hợp. Điểm sáng là có một vài địa phương làm tốt công tác này, như quận Bình Tân linh động bằng cách điều chỉnh GPXD đúng với hiện trạng để làm hồ sơ hợp thức hóa nhà cho người dân. Nghị định 139/2017 sau đó được thay thế bởi Nghị định 16/2022 với nhiều nội dung mới.
Sở Xây dựng TP HCM cũng kiến nghị đối với nhà ở riêng lẻ ở khu dân cư hiện hữu, chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500, có quy mô xây dựng nhỏ hơn giấy phép, chủ nhà sẽ được cấp sổ hồng bổ sung tài sản với điều kiện phải cam kết bảo đảm an toàn công trình và phòng cháy - chữa cháy, phù hợp quy hoạch. Để giải quyết những bất cập trong cấp phép và hoàn công, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP HCM về việc đơn giản thủ tục cấp GPXD đối với công trình quy mô dưới 250 m2.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, việc cấp GPXD không cần bản vẽ như trước đây mà chỉ cần dạng sơ đồ, trong đó thể hiện theo khuôn viên được cấp chủ quyền, chỉ giới đường đỏ xây dựng, mật độ xây dựng, chiều cao công trình, số tầng… chứ không đi sâu nội dung bên trong. Bản vẽ không cần ghi chi tiết vị trí phòng ăn, phòng ngủ để tránh trường hợp thanh tra, kiểm tra lại chỉ ra vị trí các phòng thay đổi so với bản vẽ mà dễ dẫn tới tiêu cực, nhũng nhiễu. Cơ quan chức năng chỉ quản lý khung bên ngoài theo các chỉ tiêu đã được cấp phép và thể hiện rõ trên sơ đồ. Sau đó, người dân sử dụng sơ đồ này để nộp hồ sơ hoàn công, xin cấp sổ hồng.
TS VÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM:
Cải cách ở khâu cấp phép
GPXD là văn bản trích luật, những yêu cầu của pháp luật đối với khu vực xây dựng. Tuy nhiên, GPXD nên đơn giản hoặc có thể xem đó là thông cáo từ cơ quan chức năng. Nội dung giấy phép đơn giản gồm lộ giới, chiều cao công trình, mật độ xây dựng. Những vấn đề về kiến trúc thì người dân, kiến trúc sư chịu trách nhiệm, đặc biệt lưu ý bảo đảm phòng cháy - chữa cháy. Trường hợp người dân xây nhà ở khu dân cư mới, khu đô thị mới có quy hoạch chi tiết thì không cần phải xin GPXD. Khu dân cư hiện hữu, khu dân cư chưa có quy hoạch chi tiết thì vẫn cần giấy phép. Cần cải cách ở khâu cấp phép. Cấp phép xây dựng nhà ở thì chỉ cần 2 ngày vì các quy định đã có sẵn, chỉ cần tra cứu. Trường hợp người dân xây nhà nhỏ hơn GPXD mà không được hoàn công là không đúng vì không vi phạm lộ giới, mật độ xây dựng. Cơ quan chức năng cần tạo điều kiện để người dân hoàn công vì đây là tài sản của người dân. Thậm chí, đối với trường hợp không đủ kinh phí xây dựng thì người dân có thể xây nhiều lần mới hoàn thành công trình; hoàn công phần đã xong và gia hạn phần còn lại làm trong bao lâu để bảo đảm kiến trúc trong dãy phố.
TS DƯ PHƯỚC TÂN, nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu quản lý đô thị - Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM:
Không để nhà thầu "lách luật"
Ở nước ngoài, nhà thầu nắm quy hoạch, pháp lý và hướng dẫn người dân xây dựng nhà. Người dân bỏ tiền, đưa ra ý tưởng và nhà thầu sẽ thiết kế, xây dựng và hoàn công rất nhanh. Trong khi đó, thực tế ở trong nước hiện phổ biến tình trạng nhà thầu làm theo sự chỉ dẫn của chủ nhà dẫn đến sai GPXD. Thậm chí, sau khi hoàn công lại làm thêm hạng mục khác để có lợi hơn. Việc làm này là lách luật, sai quy định. Nhà thầu cần nâng cao năng lực, cập nhật quy định pháp luật để tư vấn, hướng dẫn người dân xây nhà. Đây cũng là vấn đề cốt lõi để giảm sai phạm xây dựng. Do đó, việc cấp phép cho nhà thầu cũng rất quan trọng.
Chỉ cần phù hợp quy hoạch
Đầu năm 2023, UBND TP HCM đã công bố mẫu bản vẽ thiết kế mới dạng sơ đồ để hộ gia đình, cá nhân tham khảo khi tự lập thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn. Đối tượng áp dụng là nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250 m2 hoặc dưới 3 tầng; phù hợp với quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn thành phố và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, tác động của công trình đến môi trường và an toàn của các công trình lân cận. Sở Xây dựng triển khai 3 bước hướng dẫn cách thức lập mẫu bản vẽ dạng sơ đồ để người dân tham khảo. Theo đó, xác định chỉ tiêu xây dựng nhà ở riêng lẻ, gồm: mật độ xây dựng, tầng cao, hệ số sử dụng đất, khoảng lùi công trình, độ vươn ban công, ô văng; thể hiện nội dung thông tin về đất; thể hiện nội dung quy mô xây nhà ở riêng lẻ.