Dư địa phát triển còn rất lớn
Dư địa để phát triển cà phê chế biến sâu, cà phê đặc sản rất lớn nhưng những rào cản như thiếu vốn, thiếu hỗ trợ từ chính sách vẫn chưa được tháo gỡ.
Việc Báo Người Lao Động tổ chức hội thảo "Cà phê Việt Nam: Tăng lợi ích cho người trồng, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu" trong khuôn khổ chương trình "Tôn vinh cà phê, trà Việt" lần 3 - 2025 là rất cần thiết trong tình hình hiện nay.
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê nguyên liệu (cà phê thô). Dù nhiều người tiếc nuối vì Việt Nam chưa thể đẩy mạnh chế biến sâu để nâng cao giá trị nhưng chúng ta cần nhìn nhận vào thực tế sản xuất.
Cụ thể, Việt Nam có khoảng 1,6 - 1,8 triệu tấn cà phê mỗi năm nhưng đến 90% sản lượng đến từ các hộ nhỏ lẻ, ước tính mỗi vườn chỉ sản xuất vài tấn. Thực tế hiện nay, các nông trại đạt sản lượng 100 tấn trở lên rất hiếm, điều này gây nhiều hạn chế trong việc đầu tư chế biến. Trong khi đó, tại Brazil - quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới - một nông trại nhỏ đất canh tác cà phê cũng có thể lên đến 5.000 - 10.000 ha, với sản lượng đạt hàng ngàn, thậm chí hàng triệu tấn.
Ngoài ra, tiêu thụ nội địa của Việt Nam còn khá yếu, chỉ khoảng 5% - 10% tổng sản lượng cà phê được tiêu thụ trong nước, trong khi Brazil sử dụng tới 20 - 22 triệu bao trong tổng số 60 triệu bao (hơn 33%) họ sản xuất được. Nhờ đó, nông dân Brazil có động lực ổn định sản xuất và nâng cao giá trị.
Ngược lại, nông dân Việt Nam, với sản lượng chỉ 3 - 5 tấn mỗi hộ, không đủ điều kiện và khả năng để đầu tư vào chế biến sâu. Ngoài ra, họ thường có tâm lý trữ hàng, đầu cơ để đợi giá cao mới bán, dẫn đến nhiều bất lợi trong cuộc cạnh tranh của cà phê Việt trên thị trường. Nếu muốn tạo ra giá trị gia tăng, chúng ta cần tập hợp các đầu mối sản xuất, xây dựng hợp tác xã có quy mô tối thiểu 1.000 ha. Khi đó, chúng ta mới có thể nghĩ đến việc đầu tư hạ tầng, chế biến và nâng tầm thương hiệu.
Dư địa để phát triển cà phê chế biến sâu, cà phê đặc sản và thị trường nội địa còn rất lớn. Tuy nhiên, những rào cản cố hữu như thiếu vốn, thiếu hỗ trợ từ ngân hàng và chính sách vẫn chưa được tháo gỡ. Ngân hàng cần mạnh dạn hỗ trợ vốn nhiều hơn, chẳng hạn tăng hạn mức từ 5 tỉ đồng lên 6 - 7 tỉ đồng, để nông dân và doanh nghiệp có thể đầu tư dài hạn.
Chúng ta không nên buồn hay tự ti vì đang xuất khẩu mạnh cà phê thô. Thay vào đó, hãy nhìn vào tiềm năng phát triển và từng bước tạo điều kiện để nhà vườn vươn lên, từ việc hình thành vùng sản xuất tập trung, đầu tư chế biến sâu đến mở rộng thị trường nội địa.
Tại thị trường trong nước, thay vì chỉ tập trung vào mô hình B2B (hình thức giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp), các doanh nghiệp nên mở rộng sang kênh bán lẻ trực tiếp, bằng cách tận dụng các không gian công cộng như trạm xe buýt, sân bay, nhà ga… Đây không chỉ là kênh tiêu thụ hiệu quả mà còn là cơ hội quảng bá hình ảnh thương hiệu cà phê Việt đến đông đảo du khách quốc tế.
Tương tự, tại thị trường nước ngoài, mô hình này cũng có thể được áp dụng như một chiến lược xây dựng thương hiệu, giúp sản phẩm Việt hiện diện rõ nét hơn tại các địa điểm có lưu lượng khách lớn, từ đó từng bước nâng cao vị thế cà phê Việt trên bản đồ thế giới.
Lê Tỉnh ghi