Đừng để thủ tục là rào cản
Chính sách không thể phát huy hiệu quả nếu người thụ hưởng vấp phải rào cản thủ tục
Vì không tiếp cận được nguồn tín dụng ưu đãi, nhiều người lao động (NLĐ) đã đánh mất cơ hội việc làm hoặc buộc phải "vay nóng" với lãi suất cao, mang theo gánh nặng nợ nần ngay từ vạch xuất phát.
Khó tiếp cận vốn vay
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), trong năm 2024, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tạo việc làm cho hơn 712.000 lao động, trong đó có khoảng 9.300 người được hỗ trợ để đi làm việc ở nước ngoài.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ), số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2024 là 158.588 người. Nhưng chỉ khoảng 5,86% trong số này được tiếp cận vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH - một con số khiêm tốn nếu so với nhu cầu thực tế.
Dù Ngân hàng CSXH được xem là "kênh cứu sinh" cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn muốn ra nước ngoài làm việc nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện tiếp cận. Bà Nguyễn Thị Hiền (54 tuổi, TP Cần Thơ) kể bà từng đến ngân hàng để vay vốn cho con trai đi Nhật làm thực tập sinh. "Nhà tôi thuộc diện cận nghèo, cháu đã nghỉ học 3 năm nay.
Khi cháu quyết định đi Nhật, gia đình rất mừng nhưng chi phí khoảng 100 triệu đồng. Ngân hàng CSXH nói có thể cho vay nhưng yêu cầu quá nhiều giấy tờ, lại phải chờ xác nhận từ địa phương. Lo con bị trễ khóa học, nên tôi đành "vay nóng" với lãi suất cao" - bà Hiền cho biết.

Đừng để thủ tục rườm rà làm ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của người lao động
Phó giám đốc một công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại TP HCM xác nhận: "Thủ tục phức tạp là rào cản khiến NLĐ chùn bước. Mà càng nghèo, càng khó chứng minh giấy tờ". Theo vị này, để vay được vốn, NLĐ phải thuộc nhóm chính sách (hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số...), phải có hợp đồng XKLĐ hợp pháp, chứng minh chi phí, thời gian làm việc... Trong khi đó, khi mới bắt đầu đăng ký đi nước ngoài, NLĐ chỉ có hợp đồng dịch vụ với công ty phái cử, chưa có hợp đồng với đối tác nước ngoài nên khó có thế đáp ứng yêu cầu nói trên.
Đáng chú ý, dù được giới thiệu là "tín chấp", thực tế nhiều nơi vẫn yêu cầu có tài sản bảo đảm hoặc người bảo lãnh. Thêm vào đó là quy trình xác minh tại địa phương rất mất thời gian.
Không riêng vay vốn, chính sách đào tạo nghề miễn phí cho người thất nghiệp cũng đang bị thủ tục "giữ chân" ngay từ bước đầu tiên. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 6-2025, cả nước có 337.345 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, chỉ 8.183 người trong số đó được hỗ trợ học nghề (chỉ chiếm 2,43%).
Ngán ngẩm với hồ sơ
Chị Nguyễn Thị Lan (30 tuổi, quê Nghệ An) từng là nhân viên buồng phòng tại TP HCM, sau khi thất nghiệp, chị muốn đăng ký học nghề để tìm hướng đi mới. Nhưng khi tới trung tâm dịch vụ việc làm, chị đành bỏ cuộc.
"Họ tư vấn rất nhiệt tình, nói có thể học miễn phí. Nhưng khi bắt đầu làm hồ sơ, tôi ngán ngẩm. Bao nhiêu giấy tờ, phải chứng minh tình trạng thất nghiệp, đi xác nhận qua nhiều nơi. Tôi còn con nhỏ nên không thể chạy đi chạy lại. Cuối cùng, tôi bỏ luôn ý định học nghề" - chị Lan kể.
Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao những chính sách nhân văn, thiết kế đúng mục tiêu, lại không phát huy hiệu quả? Theo bà Lương Tú Anh, chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo nhân lực, chính sách chỉ thực sự có ý nghĩa khi đến được tay người cần, đúng lúc, đúng cách. Còn nếu NLĐ thất nghiệp không được trao "cần câu" vào thời điểm cấp thiết, họ sẽ tiếp tục mắc kẹt trong vòng xoáy thiếu việc - thiếu thu nhập - mất phương hướng.
Bà Tú Anh đánh giá điểm nghẽn lớn nhất hiện nay không chỉ nằm ở thủ tục hành chính mà còn ở tư duy quản lý chính sách theo kiểu "xin - cho". Chúng ta đang triển khai chính sách hỗ trợ NLĐ nhưng lại đặt ra quá nhiều điều kiện chứng minh hoàn cảnh khó khăn, thay vì thiết kế quy trình tiếp cận thuận tiện, đơn giản và tin tưởng người dân. "Cần chuyển hẳn sang tư duy phục vụ, lấy NLĐ làm trung tâm, lấy hiệu quả hỗ trợ làm thước đo, thay vì chăm chăm ngăn chặn rủi ro từ một vài trường hợp sai phạm" - bà Tú Anh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ mạnh mẽ hơn trong xét duyệt, thay vì yêu cầu giấy tờ thủ công. Đồng thời, giao quyền nhiều hơn cho các đơn vị tuyến đầu như trung tâm dịch vụ việc làm, chính quyền cơ sở, để chủ động xác nhận và hỗ trợ nhanh cho NLĐ.
Nhiều chuyên gia khác cũng cảnh báo quy trình thủ tục cứng nhắc, thiếu linh hoạt, thiếu ứng dụng công nghệ và còn đặt nặng vai trò "chứng minh nghèo" đang khiến NLĐ bị bỏ lại phía sau, trong khi các con số thống kê vẫn đều đặn được báo cáo.
Kỳ vọng từ chính sách mới
Tháng 6-2025, Quốc hội đã thông qua Luật Việc làm (sửa đổi) với điểm mới đáng chú ý: Trao quyền cho Chính phủ mở rộng đối tượng vay vốn ưu đãi theo nhu cầu từng giai đoạn. Đây là cơ hội để nhiều nhóm lao động dễ bị bỏ sót như: doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, người cao tuổi, lao động phi chính thức, người đi làm việc ở nước ngoài...
Luật cũng khẳng định chính sách hỗ trợ việc làm áp dụng cho mọi NLĐ, không phân biệt khu vực hay hình thức làm việc. Để chính sách không chỉ "nằm trên giấy", cải cách mạnh mẽ khâu thực thi, loại bỏ "rừng thủ tục" vẫn đang lặng lẽ làm khó người cần được giúp nhất.