Đừng lãng phí cơ hội

Trong kim ngạch thương mại 120 tỉ USD của hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, chủ yếu là các mặt hàng như dệt may, da giày, thủy sản…

Đây cũng là những mặt hàng mà thị trường EU có nhu cầu lớn. Và, Việt Nam có lợi thế từ Hiệp định EVFTA và hưởng ưu đãi cạnh tranh hơn so với các đối tác.

Đặc biệt, ngày càng có nhiều người dân EU và doanh nghiệp (DN) EU biết đến hàng hóa Việt Nam thông qua các hoạt động thương mại của cộng đồng và DN Việt Nam tại EU. Năm vừa qua, tại Bỉ, một số mặt hàng Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận các chuỗi siêu thị của châu Âu là một minh chứng cho sự phát triển của hàng hóa Việt Nam. 

Như vậy, nếu DN gia tăng xuất khẩu được vào EU có thể bù đắp phần nào con số tăng trưởng thương mại bị ảnh hưởng bởi thị trường Mỹ. Tuy nhiên, EU không phải thị trường giải thoát hàng hóa Việt Nam theo cách nghĩ: "chỉ vài ba tháng tránh tác động thuế quan từ thị trường Mỹ và sau đó nếu thuận lợi lại ngó lơ và quay về Mỹ", thay vào đó, DN phải làm ăn lâu dài, bài bản trên cơ sở thiết lập mối quan hệ đối tác chặt chẽ.

Đơn cử, các mặt hàng rau quả và gạo hiện đang có sức tiêu thụ tốt trong cộng đồng người Việt tại EU. Tuy nhiên, đối với người bản địa, các mặt hàng rau quả và gạo của Việt Nam vẫn được đánh giá là hàng ngoại nhập - thuộc khu vực gian hàng Á châu, sức tiêu thụ thấp hơn do tập quán tiêu dùng khác biệt. 

Hàng rau quả của Việt Nam được đánh giá tốt nhưng người tiêu dùng châu Âu vẫn lo ngại chất lượng không đồng đều, sản lượng không duy trì liên tục mà chỉ có tính mùa vụ, bảo quản không lâu trên các kệ hàng siêu thị và đặc biệt giá thành cao do chi phí vận chuyển quá lớn. 

Do vậy, để đưa nhiều hàng rau quả và gạo hơn vào siêu thị, việc đầu tiên là sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng tiêu thụ nhiều tại siêu thị, tiếp đó có biện pháp bảo quản hàng hóa tốt hơn và đặc biệt là phải hạ được giá thành. Hơn nữa, EU cũng đang chuẩn bị đối phó với tình huống một lượng hàng hóa từ các quốc gia khi không xuất khẩu được vào Mỹ sẽ đưa vào EU, trong đó có hàng Trung Quốc.

Giải pháp cần thiết là chúng ta cần quản lý tốt luồng thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc, làm sao bảo đảm rằng không có hàng gian lận thương mại vào Việt Nam để đi EU. Điều tiên quyết là các hiệp hội cần phải chấn chỉnh các DN trong ngành nghề mình, tránh những hình thức gian lận, tránh bị lợi dụng địa bàn quá cảnh. 

EU cũng đưa ra các rào cản bảo vệ thị trường, như áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, thúc đẩy các tiêu chuẩn cao theo các biện pháp bền vững đòi hỏi sự phát triển về công nghệ và nguồn vốn dồi dào, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm nội khối. Thách thức đáng lo nữa đến từ sự cạnh tranh từ các nước khác tại EU. 

Hiện nay, thị trường EU vẫn là thị trường mục tiêu của rất nhiều nước, trong đó, mỗi nước có cách tiếp cận riêng, như đẩy mạnh đàm phán FTA, tăng cường hiện diện thương mại của các công ty xuất khẩu tại EU, thúc đẩy thương mại điện tử… Cơ hội xuất khẩu vào thị trường EU trong bối cảnh áp lực thuế quan từ Mỹ là có, song phụ thuộc vào nỗ lực của các DN. 

DN cần đặc biệt chú ý tới lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đem lại, cũng như không có lý do gì mãi khai thác, tập trung quá nhiều vào một số thị trường như Trung Quốc, Mỹ để rồi khi gặp khó khăn phải "giải cứu" và lãng phí cơ hội từ chính EVFTA, cũng như các FTA đem lại. 

Thùy Linh ghi