Đừng "thả gà ra đuổi"!

Dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường ngày 10-5.

Thực trạng người nổi tiếng, người có ảnh hưởng tới công chúng (KOL) quảng cáo thổi phồng, sai sự thật cho thực phẩm chức năng, hàng giả… được đưa ra mổ xẻ.

Tựu trung, các đại biểu chỉ ra những điểm lỏng lẻo của Luật Quảng cáo, cùng một số điều luật liên quan hiện hành, đồng thời đề xuất những hình thức ngăn chặn, chế tài nhằm làm trong sạch môi trường quảng cáo, bảo đảm tài sản và sức khỏe người tiêu dùng.

Thời gian qua, nhiều KOL đã bị xử phạt hành chính vì quảng cáo thực phẩm chức năng, hàng hóa, sản phẩm không đúng sự thật, có trường hợp một nhóm Vlogger bị khởi tố, tạm giam để điều tra. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những trường hợp "bắt tận tay, day tận trán" sau khi sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo ấy bị bóc mẽ là hàng dỏm, như kẹo Kera, một vài dòng sữa giả do 2 công ty Rance Pharma và Hacofood Group sản xuất…, tính ra chưa nhiều so với mật độ dày đặc và mức độ ồn ào của vô vàn phiên live bán hàng không được kiểm chứng trên các sàn thương mại điện tử, nền tảng số, sóng truyền hình. Nghĩa là đã có rất nhiều trường hợp KOL quảng cáo, bán hàng quá lố, thổi phồng, không bảo đảm chất lượng, mù mờ nguồn gốc xuất xứ… lọt lưới cơ quan quản lý, có dấu hiệu vi phạm pháp luật khá rõ ràng nhưng chưa bị sờ gáy. Lợi nhuận chảy vào túi gian thương và những kẻ tiếp tay, trong khi thiệt thòi thuộc về người tiêu dùng chân chính.

Xử phạt và tăng cường xử phạt KOL quảng cáo sai sự thật sẽ chỉ giải quyết được một phần vấn đề. Thực ra thì Nghị định 38/2021/NĐ-CP và Bộ Luật Hình sự đã có điều khoản chế tài hành vi này rồi (điều 197, tội "Quảng cáo gian dối"). KOL được quyền ký hợp đồng quảng cáo sản phẩm cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp đó cung cấp hồ sơ pháp lý về sản phẩm được cơ quan nhà nước chuyên ngành thẩm định, cho phép; nếu doanh nghiệp/nhà sản xuất cố tình qua mặt cơ quan chức năng để đưa sản phẩm giả ra thị trường thì họ phải chịu trách nhiệm chính, người quảng cáo chỉ liên đới.

Cốt lõi vấn đề là pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo và chống hàng giả, hàng gian chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả. Luật Quảng cáo được ban hành vào tháng 6-2012 (Luật số 16), có hiệu lực từ ngày 1-1-2023, đến nay mới được 2 năm 4 tháng đã phải sửa. Pháp luật về hàng giả nói riêng và hàng hóa nói chung, được quy định trong Bộ Luật Hình sự, cùng nhiều văn bản dưới luật khác, cũng bộc lộ những bất cập, tạo kẽ hở cho gian thương khai thác. Chẳng hạn, Nghị định 15/2018/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp được quyền tự công bố và tự chịu trách nhiệm về chất lượng và an toàn của sản phẩm của mình, không cần phải qua sự kiểm duyệt hồ sơ hay đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước. Lợi dụng cơ chế thông thoáng này, nhiều doanh nghiệp làm ăn phi pháp trong thời gian dài, cơ quan quản lý chỉ hậu kiểm, vào cuộc khi nhận thấy có dấu hiệu sai phạm. Những vụ sữa giả, bột ngọt giả đến hàng chục tấn bị phát hiện vừa rồi là xuất phát từ kiểu quản lý "thả gà ra đuổi" kể trên.

Bịt kín tất cả kẽ hở pháp lý, không để gian thương có cơ hội lách luật, đó mới là giải pháp thiết thực nhất để chống hàng giả.