Giá cà phê hôm nay 20-7: Giá nội cao, doanh nghiệp "đau đầu" tìm nguồn hàng

(NLĐO) – Giá cà phê hôm nay tăng mạnh ở thị trường trong nước và một mối lo của doanh nghiệp Việt giai đoạn giáp vụ

Hôm nay, 20-7, các sàn giao dịch quốc tế nghỉ giao dịch cuối tuần, thị trường cà phê nội địa Việt Nam vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực. 

Giá nội địa cao hơn thế giới 7.000 đồng/kg

Giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên hôm nay đạt bình quân 93.900 đồng/kg, tăng 1.900 đồng/kg so với phiên trước. 

Đà tăng này được lý giải do hiệu ứng từ phiên tăng giá 36 USD/tấn (tương đương khoảng 930 đồng/kg) của cà phê trên sàn quốc tế vào cuối tuần trước.

So với cuối tuần trước, giá cà phê nội địa đã tăng mạnh 5.500 đồng/kg. Trong cùng thời gian, giá Robusta kỳ hạn tại sàn London cũng tăng 132 USD/tấn, tương đương khoảng 3.500 đồng/kg. 

Giá cà phê hôm nay 20-7: Giá nội cao, doanh nghiệp "đau đầu" tìm nguồn hàng- Ảnh 1.

Diễn biến giá cà phê tuần qua, đường màu xanh là kỳ hạn giao tháng 9-2025 trên sàn London, màu đỏ là giá cà phê trong nước

Điều này cho thấy tốc độ tăng giá trong nước đang vượt trội hơn so với thị trường thế giới.

Hiện, giá cà phê trong nước đang ở mức cao đáng kể so với giá thế giới. Tính theo kỳ hạn tháng 9-2025 – kỳ hạn có giá cao nhất trên sàn London là 3.348 USD/tấn (khoảng 86.900 đồng/kg) – giá cà phê nội địa đang cao hơn tới 7.000 đồng/kg. 

Hàng đang ở đâu?

Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu mua hàng nội địa của một số doanh nghiệp đang rất lớn, đẩy giá lên cao.

Trao đổi với phóng viên, chủ một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn tại Tây Nguyên chia sẻ lượng cà phê tồn kho trong dân hiện nay không còn đáng kể, phần lớn đã được bán ra.

Giá cà phê hôm nay 20-7: Giá nội cao, doanh nghiệp "đau đầu" tìm nguồn hàng- Ảnh 2.

Cuối vụ, cà phê Việt Nam khan hiếm

Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng chủ yếu hoạt động theo phương thức "mua đâu bán đó", nghĩa là không giữ tồn kho lớn mà mua để đáp ứng ngay các đơn hàng đã ký.

Trong khi đó, một lượng lớn khoảng 200.000 tấn cà phê hiện đang được nắm giữ bởi một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tiềm lực tài chính mạnh. 

Điều này tạo ra một thách thức lớn: nếu doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thiếu hàng để đáp ứng hợp đồng, họ có thể buộc phải tìm đến nguồn cung từ các công ty FDI này và chấp nhận mua với giá cao hơn, gây áp lực lên lợi nhuận và khả năng cạnh tranh.