Giải mã "cơn sốt" mua sắm trong đại lễ 30-4

(NLĐO) - Trên TikTok Shop, tốp 38 gian hàng bán chạy các sản phẩm hưởng ứng ra mắt dịp lễ 30-4 đã bán ra hơn 161.000 sản phẩm, thu về 13,7 tỉ đồng.

Trong dịp đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025), thị trường tiêu dùng trong nước ghi nhận sức mua tăng vọt trên nhiều kênh phân phối, từ chợ truyền thống, siêu thị đến các nền tảng thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết lượng hàng hóa tại hệ thống tăng 30-40% so với cùng kỳ, tập trung vào nhóm thực phẩm thiết yếu và đồ ăn nhanh phục vụ người dân TP HCM tham gia các hoạt động diễu binh, diễu hành.

Ngoài thực phẩm, các sản phẩm mang biểu tượng yêu nước như áo cờ đỏ sao vàng, cờ Tổ quốc, vật dụng trang trí cổ vũ cũng ghi nhận sức tiêu thụ mạnh.

Trên TikTok Shop, dữ liệu từ nền tảng EcomHeat của YouNet ECI từ ngày 23-3 đến 19-4 cho thấy tốp 38 gian hàng bán chạy các sản phẩm hưởng ứng ra mắt dịp lễ 30-4 (như áo phông in hình quốc kỳ, bản đồ, phụ kiện như móc khóa, móc len hình quốc kỳ, sticker hình quốc kỳ dán mặt...) trên nền tảng này đã bán ra hơn 161.000 sản phẩm, thu về 13,7 tỉ đồng.

Trong đó, nhóm thời trang chiếm 62,6% tổng sản phẩm và đóng góp hơn 80% doanh thu, cho thấy sức hút đặc biệt của những sản phẩm gắn liền với tinh thần dân tộc.

Tương tự, Shopee ghi nhận lượng tìm kiếm tăng vọt với các mặt hàng như áo thun in cờ đỏ, trang phục thiếu nhi, huy hiệu, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng và phụ kiện trang trí ô tô, nhà cửa theo chủ đề 30-4.

Giải mã cơn sốt mua sắm trong dịp đại lễ 30-4 - Ảnh 1.

Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A chia sẻ tại Talkshow "Những lưu ý khi mua sắm dịp lễ 30-4 và 1-5"

Tại Talkshow “Những lưu ý khi mua sắm dịp lễ 30-4 và 1-5” do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 29-4, Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A cho rằng sự bùng nổ tiêu dùng trong dịp lễ không chỉ đến từ nhu cầu vật chất, mà còn phản ánh yếu tố cảm xúc và tâm lý cộng đồng.

“Người tiêu dùng không chỉ mua để sử dụng, mà còn để hòa mình vào không khí sự kiện trọng đại của đất nước, thể hiện sự gắn kết xã hội. Họ không muốn bị đứng ngoài câu chuyện chung”- bà Tô Nhi A phân tích.

Tâm lý FOMO – sợ bị bỏ lỡ – cũng là một trong những động lực khiến người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền cho các sản phẩm mang tính biểu tượng như áo cờ đỏ sao vàng, sticker Quốc kỳ dù không hẳn có nhu cầu sử dụng ngay.

Bên cạnh đó, thế hệ trẻ như Gen Z và Gen Alpha còn xem mua sắm là một hình thức “chữa lành”, tạo sự an toàn về mặt tinh thần và thể hiện bản thân.

“Việc sở hữu một món đồ không chỉ để dùng, mà còn để kể một câu chuyện, thể hiện sự hòa nhập với tập thể. Đó là lý do sức mua trong dịp đại lễ năm nay tăng mạnh”- TS Tô Nhi A nhận định.

Bà Đàm Vân, Phó trưởng Ban quản lý chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), cho biết không khí mua sắm tại chợ những ngày gần đây cũng ghi nhận sự sôi động rõ rệt.

Nhiều người dân không đi chơi xa mà chọn ở lại thành phố cùng gia đình, hòa vào không khí lễ hội. Các mặt hàng như thực phẩm tươi sống, rau củ bán rất chạy. Đặc biệt, không ít tiểu thương cũng khoác lên mình áo in hình quốc kỳ, tạo nên một không gian mua sắm mang đậm tinh thần đại lễ.

Theo bà Vân, người dân đến chợ không chỉ để mua sắm cho nhu cầu sinh hoạt thường ngày, mà còn để góp phần vào bầu không khí chung, thể hiện sự gắn kết cộng đồng. Điều đó lý giải vì sao sức mua tăng mạnh trong dịp lễ năm nay.