GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN (*): Tạo sự bình đẳng giữa các khu vực doanh nghiệp

Chính sách đóng vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, việc thực thi chính sách cần được thực hiện đồng bộ, bình đẳng giữa các khu vực DN

Chia sẻ tại tọa đàm "Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân" do Báo Người Lao Động vừa tổ chức, một trong những đề xuất được nêu là khu vực doanh nghiệp (DN) tư nhân phải tạo ra áp lực thay đổi chính sách, được đối xử sòng phẳng và bình đẳng với các thành phần DN khác.

Tránh thiên vị chính sách

Ông Phan Đình Tuệ - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways - nói rằng quan điểm "DN không nên xin chính sách mà phải đòi hỏi chính sách" là rất đúng. Bởi DN tư nhân cũng là một cổ đông, DN nhà nước cũng là một cổ đông khi đặt trong vai trò cùng đầu tư, kinh doanh. Khi bỏ tiền ra làm DN, họ đều đóng góp cho nhà nước, xây dựng đất nước, vì vậy, họ mong muốn được đối xử bình đẳng thực sự. "Mối quan hệ giữa nhà nước và DN tư nhân cần được xem như mối quan hệ giữa DN và khách hàng. DN muốn bán được hàng thì phải tư duy theo hướng khách hàng cần gì, thích gì và phải tìm cách đáp ứng nhu cầu đó. Tương tự, nhà nước - đặc biệt là Ban Chính sách, chiến lược Trung ương - cần định hướng rõ ràng về những gì DN sẽ cần, mong đợi và sẽ thực hiện" - ông Phan Đình Tuệ nói.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel, chia sẻ ông rất tâm đắc với chỉ đạo mà Tổng Bí thư nêu ra là chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phụng sự.

Theo ông Kỳ, muốn là chính quyền phụng sự thì phải thay đổi hình thức, trước hết là từ đội ngũ cán bộ quản lý. Cần mở đợt sinh hoạt lớn trong Đảng về chủ trương chuyển nhận thức từ quản lý sang phụng sự. "Chúng ta đối mặt với thách thức lớn trong triển khai là cải cách dễ bị cản trở bởi hệ thống cơ chế, quy định pháp luật chưa được cập nhật kịp thời. Chênh lệch tiếp cận nguồn lực mà cụ thể là DN tư nhân gặp bất lợi so với DN nhà nước, gây ức chế rất lớn cho DN tư nhân" - ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.

Trong mong muốn về sự bình đẳng trong chính sách, người đứng đầu Vietravel cho rằng nhà nước cần điều chỉnh chính sách theo hướng bảo đảm công bằng, tránh thiên vị và minh bạch cho tất cả các DN. Ông nêu ví dụ trong thời gian qua, các hãng hàng không đều gặp khó khăn nhưng nhà nước chỉ quan tâm và hỗ trợ DN nhà nước, trong khi chưa có cơ chế hay chính sách nào dành cho DN tư nhân. "Điều này làm sụt giảm lòng tin của doanh nhân vào chủ trương khuyến khích đầu tư, khai thác nguồn lực từ trong nhân dân mà Đảng và Nhà nước mong muốn. Chính phủ cần ban hành chính sách đồng bộ, thúc đẩy hợp tác, bảo đảm công bằng và giám sát chặt chẽ để gắn kết 3 thành phần kinh tế: nhà nước, tư nhân và hộ cá thể - là "kiềng ba chân" của nền kinh tế, tạo nội lực vững chắc cho Việt Nam" - ông Nguyễn Quốc Kỳ kiến nghị.

Theo các DN hàng không, đây là ngành đặc thù, muốn phát triển bền vững và hiệu quả cần xây dựng hệ sinh thái dịch vụ đi kèm, bao gồm bảo trì, bảo dưỡng, suất ăn, khai thác mặt đất… Một số DN trong ngành mong muốn có sự công bằng về chính sách giữa các khu vực DN; nhà nước và tư nhân cùng ngồi ngang hàng với nhau, được tiếp cận chính sách một cách sòng phẳng và bình đẳng.

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN (*): Tạo sự bình đẳng giữa các khu vực doanh nghiệp- Ảnh 1.

Vietjet Air và Bamboo Airways - những doanh nghiệp tư nhân đã nỗ lực rất lớn để vượt khó khăn trong thời gian qua. Ảnh: LAM GIANG

Chính thức hóa khu vực phi chính thức

Năm 2025, TP HCM đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số, trong đó khu vực kinh tế tư nhân được cho là còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Khu vực này bao gồm 3 thành phần chính: DN tư nhân, kinh tế cá thể (chủ yếu là hộ kinh doanh) và kinh tế tập thể (chủ yếu là hợp tác xã). Nếu thành phố khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN, sẽ góp phần tạo sức bật mới trong phát triển kinh tế.

TS Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia chính sách công, phân tích để thúc đẩy kinh tế tư nhân ở TP HCM phát triển mạnh mẽ, cần cụ thể hóa một số nội dung quan trọng đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh. Trước hết, cần xác định rõ thực trạng của khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm cả khu vực chính thức và khu vực phi chính thức. Hiện tại, có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động trong khu vực phi chính thức nhưng chưa được quản lý chặt chẽ.

Việc thống kê, đánh giá cụ thể năng lực sản xuất - kinh doanh của khu vực này là điều kiện cần thiết để xác định đúng mức độ đóng góp vào GDP và ngân sách nhà nước. Chính thức hóa hoạt động của khu vực kinh tế phi chính thức sẽ là bước đi quan trọng đối với TP HCM trong việc mở rộng và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế tư nhân.

Các số liệu thống kê cho thấy TP HCM hiện có khoảng 400.000 hộ kinh doanh cá thể, trong đó hơn 20.000 hộ đang hoạt động rất hiệu quả và phát triển bền vững trong hàng chục năm qua. Nếu các hộ kinh doanh này được hỗ trợ, dẫn dắt và tạo điều kiện để chuyển lên thành DN, cùng với việc xây dựng các cơ chế kết nối riêng, thành phố sẽ có được một lực lượng DN rất hùng hậu. "Đối với các địa phương khác, nơi lực lượng hộ kinh doanh cá thể không lớn mạnh như TP HCM, có thể tập trung vào việc xây dựng các hợp tác xã và tổ hợp tác để giảm bớt tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, đồng thời thúc đẩy sự tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng" - bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, đề xuất.

Các thống kê sơ bộ cho thấy có khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh trên cả nước, trong đó chỉ khoảng 2,1 triệu hộ có đăng ký kinh doanh và nộp thuế. Còn lại, hơn 3 triệu hộ kinh doanh chưa đăng ký kinh doanh và chủ yếu là nộp thuế khoán.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nói rằng cần khuyến khích hộ kinh doanh thành DN siêu nhỏ, được hỗ trợ thành lập và về lâu dài đóng thuế đầy đủ. "Hãy khuyến khích hộ kinh doanh thành DN siêu nhỏ, bằng cơ chế miễn thuế thu nhập DN từ 3-5 năm đầu tiên hoạt động để nuôi dưỡng nguồn thu; đơn giản hóa quy trình, thủ tục để nâng cấp họ thành hộ kinh doanh (không cần hội đồng quản trị, ban kiểm soát, kế toán trưởng… tránh bộ máy cồng kềnh, bảo đảm tinh gọn); hỗ trợ họ về sổ sách, kế toán và quản trị" - TS Cấn Văn Lực nói. 

. Ông JOHNATHAN HẠNH NGUYỄN, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn IPPG:

Tạo cơ chế bình đẳng

Cần tạo cơ chế bình đẳng cho DN tư nhân tiếp cận các nguồn lực sản xuất - kinh doanh, mặt bằng kinh doanh vị trí trung tâm. Tại

TP HCM, các mặt bằng trung tâm đều do nhà nước quản lý, kinh doanh chưa thật sự hiệu quả. Trong khi đó, khách du lịch vào Việt Nam có nhu cầu cao về những khu mua sắm miễn thuế để mua sắm, tiêu tiền và DN chúng tôi rất cần có mặt bằng phù hợp để xây dựng một trung tâm kinh doanh hàng miễn thuế như vậy.

. Ông LÊ TRÍ THÔNG, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP HCM, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ):

Nâng cao trình độ doanh nghiệp tư nhân

Việt Nam có thể xây dựng các quỹ đầu tư chung giữa khu vực công và tư. Việc triển khai công - tư nên được thực hiện theo cơ chế thị trường, với các quyết định đầu tư dựa trên tính thị trường. Trong kỷ nguyên vươn mình, việc kết nối trong hệ điều hành là rất quan trọng, cụ thể là kết nối giữa DN và chính sách, giữa DN với DN. Cần xây dựng các DN dân tộc có khả năng dẫn dắt và hỗ trợ những DN nhỏ hơn. Tạo ra các cơ chế để những DN này có thể chia sẻ và hợp tác nhằm hình thành một hệ sinh thái DN tư nhân phát triển bền vững.

Về thể chế, nhà nước cần mở rộng con đường cho DN, tăng cường các nguồn đầu tư, thúc đẩy dòng vốn, đồng thời nâng cao trình độ của các "tay lái" - tức là các DN tư nhân. Cần chuyển từ "đường quốc lộ" thành "cao tốc" để DN tư nhân có thể bứt phá, đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế.

. Bà NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT HDBank, Chủ tịch HĐQT Vietjet:

Đặt niềm tin vào doanh nghiệp dân tộc

Việt Nam cần xây dựng các DN dân tộc đủ tiềm lực để vươn ra khu vực và thế giới, đóng vai trò dẫn dắt trong các ngành kinh tế chiến lược và tạo nên hệ sinh thái bền vững. Các lĩnh vực quan trọng như hàng không, ngân hàng, viễn thông, tài chính, công nghệ, năng lượng và logistics đều cần sự dẫn dắt của DN dân tộc, vì đây là những ngành xương sống, quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia.

Để kinh tế tư nhân trở thành động lực chính, cần đặt niềm tin và giao cho các DN dân tộc thực hiện những chương trình trọng yếu. Điều này sẽ tạo bước tiến lớn trong phát triển kinh tế, mang lại giá trị tăng trưởng cao và thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Môi trường chính sách minh bạch, ổn định là điều kiện tiên quyết để DN tư nhân phát triển bền vững. Khi có cơ chế bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh, DN tư nhân sẽ mạnh dạn đầu tư dài hạn, đổi mới sáng tạo và đóng góp tích cực cho nền kinh tế.

______________

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-3