4 gương mặt vàng của toán học Việt Nam
Trời mưa suốt từ sáng đến trưa. 10 giờ 30, chiếc máy bay chở đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic toán quốc tế lần từ 45 từ Hy Lạp hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài.
Những bó hoa tươi thắm được rất đông các nhà giáo, nhà báo, gia đình và bạn bè chuyển đến tay những “người hùng” vừa trở về từ đất nước của thần thoại…..Đoàn Việt Nam đa đoạt 4 huy chương vàng và 2 huy chương bạc từ cuộc thi Olympic toán quốc tế lần thứ 45.
Lê Hùng Việt Bảo: “Cú đúp” vàng
Đây là lần thứ hai Lê Hùng Việt Bảo đoạt huy chương vàng tại kỳ thi Olympic quốc tế. Năm trước, khi mới học lớp 11, Bảo đã qua mặt các đàn anh để giành một giải vàng với số điểm tuyệt đối 42/42. Lần ấy, để vào được đội tuyển, Bảo đã phải trải qua những vòng thi rất khó khăn. Ở kỳ thi quốc gia chọn học sinh giỏi, Bảo chỉ giành giải ba, một giải rất khiêm tốn. Nhưng rồi khả năng và sự thông minh của cậu học sinh lớp 11 đã chinh phục các thày cô giáo. Lọt vào đội tuyển đi thi quốc tế, Bảo đã viết nên trang vàng của mình khi giành một huy chương vàng tuyệt đối đầy khó khăn.
Nhiều kinh nghiệm hơn hẳn năm trước, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm nay, Bảo tự tin giành ngôi vị quán quân với điểm tuyệt đối 40/40. Ở vòng thi chọn đội tuyển quốc gia, Bảo cũng là người đứng đầu (40 điểm), cách người về thứ 2 tới 12 điểm. Thế nhưng đi thi quốc tế thì không giống như thi quốc gia, Bảo tâm sự, năm ngoái đã đạt điểm tuyệt đối, năm nay không đạt được kết quả cao hơn thế có nghĩa là một bước lùi. Ap lực tâm lý không phải không có lúc gây nên căng thẳng, chính vì thế mà trước khi ra sân bay, mẹ Bảo đã phải dặn đi dặn lại “cứ cố tối đa đi nhưng đừng căng thẳng quá. Đoạt huy chương vàng là được rồi”.
Được tuyển thẳng vào lớp Cử nhân tài năng, ĐH Quốc gia Hà Nội, chưa bao giờ, Bảo thấy hạnh phúc như những ngày này. Thứ nhất, vì đã ghi danh vào bảng vàng vói hai huy chương vàng quốc tế, thứ hai, vì suốt từ tháng 4 đến giờ (khi có kết quả thi học sinh giỏi) không phải “đụng” đến môn nào ngoài toán. Với Bảo, cứ được học toán là sướng rồi.
Đam mê toán, ngay từ những năm còn học lớp 8,9 Bảo đã từng liên tiếp giành liền 2 giải nhất, nhì cuộc thi của báo Toán học và tuổi trẻ, lớp 9 đoạt giải nhì toán thành phố, lớp 11 đoạt giải ba cuộc thi chọn học sinh giỏi lớp 12 toàn quốc...Suốt những năm học cấp II và III, năm nào Việt Bảo cũng là học sinh giỏi với điểm tổng kết trên 9,0. Môn “kém nhất và sợ nhất” là văn cũng được 8,0. Học giỏi nhưng Bảo không phải học nhiều, ngoài toán, các môn khác hầu như em chỉ học trên lớp, thỉnh thoảng mẹ mới kiểm tra một số môn học thuộc, nhưng bao giờ cũng đạt yêu cầu.
Nguyễn Kim Sơn: bản lĩnh từ những thất bại
Đã từng thi chọn đội tuyển quốc gia nhưng bị loại vì xếp thứ 8 (đội tuyển chỉ có 6 người), năm nay, Sơn quyết tâm phải thi cho ra trò để không còn cảnh nhìn bạn lên đường xuất ngoại thi thố còn mình ngồi nhà ấm ức. Thế là quyết tâm và hạ quyết tâm, cậu học sinh lớp chuyên toán tin, trường ĐH sư phạm HN đã chứng minh cho các thày thấy bản lĩnh của mình khi vượt qua kỳ thi khó khăn chọn đội tuyển để có mặt trong danh sách những người lên đường sang Hy Lạp. Bản lĩnh ấy còn được thể hiện ngay trong lần đầu tiên “đem chuông đi đánh xứ người” với 6 bài giải khá là xuất sắc (gồm 2 bài hình học, 2 bài tổ hợp, 1 bài số học và 1 bài đa thức). Sau khi hoàn thành các bài thi, Sơn gần như đã biết mình giành được một giải gì đó tương tự huy chương vàng bởi so với bài làm của thí sinh nước bạn, bài của mình tốt hơn rất nhiều. Hơn thế, các thày giáo Việt Nam bảo vệ bài cho học sinh rất tốt. Sơn bảo, xếp về thứ tự, Việt Nam là nước mạnh nhất về hình học, về tổ hợp, ta chỉ thua Mỹ, Trung Quốc, Hungaria, còn đại số thì chỉ thua có mỗi Trung Quốc….
Được mẹ truyền cho tình yêu toán học (mẹ Sơn là giáo viên dạy toán trường THCS Chu văn An), ngay từ những ngày rất nhỏ, 95% thời gian học đã được “cậu bé vàng” này giành cho môn học yêu thích là toán. Năm lớp 11, Sơn đã giành giải nhì kỳ thi quốc gia chọn học sinh giỏi môn toán lớp 12. Được tuyển thẳng vào ĐH nhờ giải thưởng này, Sơn quyết định sẽ chọn ĐH Bách khoa làm nơi rèn luyện của mình. Một tháng nữa, Sơn sẽ là tân sinh viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chuyên ngành toán ứng dụng.
Nguyễn Minh Trường: học tất cả những gì có thể học
Mê toán từ khi còn chưa đi học nhờ những bài toán đố của bố mẹ, vào lớp 1 cho đến tận lớp 12, những ẩn số và lời giải cuả những bài toán luôn là niềm say mê của cậu học trò đất cảng Nguyễn Minh Trường. Lớp 7, Trường đã đoạt giải nhì cuộc thi học sinh giỏi toán Hải Phòng, năm sau, lớp 8, giải thưởng giành cho Trường là một giải nhất, đến lớp 10 cũng vậy. Lớp 11, trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12, Trường đã vượt qua nhiều đàn anh để giành một giải nhì, tiếc rằng trong vòng thi đội tuyển, cậu học trò này lại chưa đủ kinh nghiệm để có mặt trong top 6 người xuất ngoại. Nhưng “thua keo này ta bày keo khác”, kỳ thi quốc gia chọn học sinh giỏi 2004, Trường đã xuất sắc giành một giải nhất cùng một suất vào đội tuyển đi thi quốc tế. Với nhiều người, thi đội tuyển chỉ là bước đệm, nhưng với Trường, đó thực sự là một kỳ thi khó, thậm chí là còn khó hơn thi quốc tế vì chưa có những kinh nghiệm trận mạc. Trường bảo, nhờ kinh nghiệm của những vòng thi trước mà ở ngày thi đầu tiên, dù buồn vì không làm hết cả 3 bài em vẫn tự nhủ không được mất bình tĩnh, phải cố gắng vào ngày mai . Kết quả là ngày thi đó, em hoàn thành cả 3 bài với số điểm tuyệt đối để có thể rinh về một giải vàng làm quà tặng bố mẹ.
Bí quyết học giỏi toán là học tất cả những gì mình có thể học được, từ thày, từ bạn, sách vở. Giỏi toán nhưng không “bỏ bê” các môn khác mà giỏi đều các môn, Trường bảo mơ ước của em là sẽ trở thành một kỹ sư giỏi để có thể phát triển Hải Phòng. Năm học tới, Trường sẽ là tân sinh viên của lớp cử nhân tài năng, ĐH QG Hà Nội. “Nhưng em sẽ phấn đấu để có học bổng du học nước ngoài, niềm đam mê của em là công nghệ thông tin”. Trường tâm sự.
Phạm Kim Hùng: Phấn đấu 1 huy chương vàng nữa
Nhỏ bé nhất đoàn nhưng tấm huy chương vàng có thể coi là sáng nhất với điểm số 37/42, Phạm Kim Hùng khá rụt rè khi nói về những thành tích mà em đã đạt được. Hùng bảo, thành tích của em nghèo lắm, có gì nổi bật đâu.
Năm 2002, 15 tuổi, một mình Hùng“khăn gói” từ Ý Yên, Nam Định lên Hà Nội theo học khối THPT chuyên toán tin của ĐH Tự nhiên, ĐH QG Hà Nội. Lần đầu lên thành phố, cô giáo Nhung, mẹ Hùng, còn lo lắng không biết con mình có theo nổi các bạn không? Và câu trả lời cậu học trò này dành cho mẹ là một kết quả học tập xuất sắc. Các môn học luôn luôn đạt điểm cao nhất lớp, ngay cả những môn “đáng sợ” thuộc khối khoa học xa hội như văn và địa cũng có điểm trung bình thấp nhất trên 7,5.
Lọt vào đội tuyển đi thi quốc tế ngay từ lớp 11 nhờ tâm lý nhẹ nhàng “đỗ cũng tốt mà không đỗ cũng chẳng sao”. Nhưng khi đặt chân đến nước bạn, Hùng không khỏi không lo lắng vì đây là một cuộc thi lớn, rất nhiều nước tham dự mà mình thì lại chưa có kinh nghiệm. Nhưng rồi, mọi sự cũng đều qua với 6 bài thi có thể coi là xuất sắc với điểm số cao hơn hẳn các đàn anh. Bất ngờ khi ghi danh bảng vàng, Hùng đã làm được điều kỳ diệu mà trước đó vài ngày cậu không thể nào mơ được.
Mới học lớp 11. Con đường phía trước cũng như mục tiêu mà Hùng đặt ra còn rất nhiều, rất dài. Trước mắt, cũng như Việt Bảo năm ngoái, Hùng sẽ cố học, để lại có thể lọt vào đội tuyển và thêm một lần đi thi quốc tế. Sau đó, sẽ là sự lựa chọn giữa lớp cử nhân tài năng, ĐH QG và ngành CNTT ĐH Bách khoa Hà Nội. “Dù thế nào, lớp 11 đã đoạt giải vàng mà lớp 12 lại “tay trắng” thì hơi bị chán”. Hùng hóm hỉnh.