Ba cái thiếu và nguy cơ thất bại

Theo chân đoàn kiểm tra Phòng GD-ĐT quận Thủ Đức và một số quận khác (TPHCM), liên tục trong nhiều ngày qua, chúng tôi đã đến dự giờ các tiết học khối lớp 8 (đang triển khai đại trà chương trình sách giáo khoa mới). Hầu hết các cán bộ, giáo viên đều cho rằng chương trình thay sách là quá vội vàng.

Ông Nguyễn Đình Thịnh, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Thủ Đức, TPHCM, nhận xét: Chương trình thay sách giáo khoa lớp 8 muốn đạt kết quả cao thì yêu cầu trước tiên là trường phải có các phòng bộ môn, trang thiết bị dạy học đầy đủ, sĩ số lớp học không quá cao. Tuy nhiên cả 3 yếu tố này ở nhiều trường đều thiếu.

Thiếu phòng bộ môn

Ngày 12-10, chúng tôi đến Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Tân Bình, TPHCM, thấy các trang thiết bị và dụng cụ dạy học đã phải di dời để nhường chỗ cho phòng họp. Bà Phan Thị Ngọc Liên, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết do chưa có phòng bộ môn nên phòng họp hiện đang phải đảm nhận luôn phòng các bộ môn. Nhiều tiết học giáo viên phải chuyển dụng cụ dạy học lên lớp. Trường THCS Ngô Chí Quốc, quận Thủ Đức cũng không có phòng bộ môn, chỉ có 1 phòng thí nghiệm. Ông Đào Duy Sinh, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết với những môn học đặc biệt cần đến phòng bộ môn như lý, hóa, sinh, trường cũng chưa có. Do vậy, nhà trường đang xếp chung vào phòng thí nghiệm. Học sinh (HS) muốn thực hành phải đi trái buổi. Phòng bộ môn là nơi giáo viên vừa dạy, HS vừa làm thực hành theo hướng dẫn của giáo viên.

Mặc dù đã thí điểm chương trình từ 2 năm học trước nhưng Trường THCS Lê Lợi và nhiều trường khác ở quận 3 cũng chẳng hơn gì. Ông Nguyễn Hữu Hào, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi, cho biết do chưa có điều kiện xây dựng nên trong năm học này phòng bộ môn với phòng thí nghiệm vẫn là một. Theo thông tin chúng tôi nhận được từ các phòng GD-ĐT: quận 3, Thủ Đức, Bình Thạnh, Tân Bình... số các trường học có phòng bộ môn chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Thiếu trang thiết bị và dụng cụ dạy học

Năm học 2004-2005, Trường THCS Ngô Chí Quốc có 7 lớp 8 với 300 HS. Nhà trường được bổ sung 71 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị và dụng cụ dạy học. Ông Đào Duy Sinh cho biết, với nguồn kinh phí này, việc mua sắm trang thiết bị dạy học chỉ dừng ở mức độ tối thiểu. Môn vật lý, toàn trường chỉ có 16 chiếc kính hiển vi, bình quân 4 HS/chiếc. Ông Sinh cho biết thêm, nếu có điều kiện, 2 HS/kính mới bảo đảm cho các em thực hành tốt. Cũng trong năm học này, Trường THCS Chu Văn An, quận 1 cần tới 200 triệu đồng mới mong đáp ứng được nhu cầu mua sắm dụng cụ dạy học nhưng điều này khó được đáp ứng. Ông Trần Chiến, cán bộ phụ trách các bộ môn Phòng GD-ĐT quận 5, cho biết: “Việc mua sắm, bổ sung hiện chỉ đủ theo nội dung chương trình, thiếu về số lượng. Đó là chưa nói đến việc trang thiết bị và dụng cụ dạy học còn mang tính phổ thông, chưa hiện đại, chưa ngang tầm với chương trình”.

Sĩ số học sinh còn quá đông

“Đổi mới chương trình sách giáo khoa lớp 8 yêu cầu HS phải tập trung thảo luận, do đó sĩ số lớp học phải không quá đông”. Đó là nhận xét của ông Lê Trường Kỳ, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 3. Theo ông Kỳ, để thực hiện tốt chương trình, sĩ số mỗi lớp học không vượt quá 40 HS. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, đây là vấn đề còn rất nan giải đối với TPHCM, đặc biệt với các quận nội thành. Ở một số quận như: Tân Bình, Bình Thạnh, 3, 5... sĩ số bình quân khối 8 từ 43-45 HS/lớp. Nhiều trường có sĩ số cao hơn như: THCS Bán công Trương Công Định (quận Bình Thạnh), THCS Hồng Bàng (quận 5) từ 50 HS/lớp...

----------------------------- 

Chưa đổi mới được phương pháp dạy học

Đổi mới phương pháp giảng dạy là mục tiêu của chương trình thay sách giáo khoa. Nhưng tiếc thay, việc đổi mới phương pháp giảng dạy vẫn chưa thể thực hiện được. Theo bà Hồ Thị Túy Mai, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, thiếu trang thiết bị dạy học, thiếu phòng bộ môn, sĩ số học sinh trong lớp còn quá đông là nguyên nhân chính khiến cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên khó thực hiện được. Cùng quan điểm với bà Mai, ông Nguyễn Hùng Minh, trưởng bộ môn vật lý Trường THCS Lê Lợi, quận 3 - cho biết: Trong tình hình hiện nay, nhiều giáo viên mặc dù đã rất cố gắng đổi mới phương pháp giảng dạy song nhiều lúc vẫn không thoát khỏi lối dạy truyền thống.