Bằng thạc sĩ nước ngoài “không được kiểm nhận” đã có tại Việt Nam !

QUẢN LÝ GIÁO DỤC-Thông tin từ nhiều trường đại học: Một số ứng viên có bằng thạc sĩ, tiến sĩ do nhiều đại học ở Mỹ cấp nhưng khi vào phỏng vấn tìm việc lại bị đánh rớt vì có vấn đề về trình độ lẫn Anh ngữ. Theo nguồn tin riêng của Báo Người Lao Động, vào thời điểm này, cơ quan chức năng đang tiến hành xác minh lai lịch của hai trường đại học ở Mỹ vì tên tuổi trường ít được biết đến nhưng số người có bằng do các trường này cấp lại chiếm tỉ lệ cao một cách bất thường.

Sau khi Báo Người Lao Động số ra ngày 22-3 đăng bài “Điểm mặt đại học dỏm nước ngoài”, chúng tôi đã nhận được trên 100 cú điện thoại và e-mail phụ huynh và sinh viên chuẩn bị đi du học nước ngoài hay tại chỗ và các doanh nghiệp, trường đại học xin danh sách 35 trường đại học  “dỏm” mà GSTS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học An Giang cung cấp, đồng thời bày tỏ sự lo ngại về vấn đề này. Nhiều bạn đọc đã cung cấp thêm thông tin  ban đầu về dấu hiệu xuất hiện của các loại bằng này ở Việt Nam. Đáng báo động nhất là, phần lớn các trường hợp nghi vấn đều rơi vào loại bằng thạc sĩ chuyên ngành kinh tế, tài chính và quản trị kinh doanh (MBA).

Tiến sĩ ... bập bẹ tiếng Anh

Bằng cấp loại dỏm này có len lỏi vào Việt Nam không? Ông Đỗ Huy Thịnh, tiến sĩ quản lý giáo dục tốt nghiệp tại Hoa Kỳ, hiện là Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ ĐH Nông Lâm TPHCM nhận định: “Tôi cho rằng có”.

Theo các nhà chuyên môn, các trường công lập lớn thì nắm được nhiều thông tin nên không chấp nhận dạng này nhưng nhiều trường dân lập và không ít cơ quan xí nghiệp không biết cứ tưởng là bằng “xịn”. Một giảng viên có chức sắc của ĐH Dân lập Văn Lang tiết lộ, ông đã chứng kiến nhiều trường hợp đưa bằng thạc sĩ, tiến sĩ của đại học nước ngoài, nhất là ở Mỹ, để xin ứng tuyển vào vị trí giảng dạy ở trường nhưng khi phỏng vấn thì trình độ tiếng Anh còn... bập bẹ. Theo ông, sở dĩ có tình trạng như vậy do đây là dạng học hàm thụ, không có người rớt. Người học chỉ việc ghi danh rồi làm luận văn gởi qua, chưa đầy một năm học, trường đã gởi bằng tiến sĩ về.  

Ông Bùi Xuân Liêm, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Kỹ thuật Công nghệ  cho biết: Trường đã thông báo xuống các khoa để rà soát lại bằng cấp của các giảng viên hợp đồng ở trường này và khi có kết quả sẽ báo ngay với Báo Người Lao Động vì,... Theo một cán bộ của trường này, đã có một trường hợp lấy bằng dưới hình thức đào tạo qua mạng, hiện đang được xác minh làm rõ.

Thiếu thông tin kiểm nhận

Theo TS  Đỗ Huy Thịnh, vấn đề đại học không được kiểm nhận chất lượng không phải là vấn đề nhỏ. Nếu là trường không được kiểm nhận (non-accredited) thì không liên thông đào tạo được với trường được kiểm nhận (accredited), do đó văn bằng  của trường non-accredited cấp hầu như không có giá trị. Nhưng rất tiếc, cho đến nay chúng ta vẫn chưa nắm được thông tin về các trường này. Thậm chí, có thể một số trường đã hoạt động theo dạng liên kết đào tạo tại VN.  Thiết nghĩ, vấn đề là Bộ GD-ĐT phải có thông tin từ nhiều nguồn hướng dẫn cho các trường đại học, cao đẳng để khi cấp giấy phép thì thận trọng hơn. Nếu không, mình lại công nhận cái người ta không công nhận do không có thông tin.

Kỳ sau: Con đường làm bằng giả : 1.000 USD là chuyện bình thường, chỉ cần 8 USD cũng có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ

 Khuyến cáo của Viện Giáo dục Quốc tế Hoa Kỳ

   Viện Giáo dục Quốc tế Hoa Kỳ (IIE) là một cơ quan tư vấn giáo dục quốc tế được Chính phủ Hoa Kỳ công nhận hoạt động tại 153 quốc gia và 357 thành phố trên khắp thế giới, trong đó có Hà Nội và TPHCM. IIE đặt  trụ sở chính thức tại 104-Trần Hưng Đạo, Hà Nội, đã có nhiều quan hệ hợp tác, trao đổi giáo dục với DH Bách Khoa Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM.

Lò cấp bằng xóa mãi chưa được

Một thái cực trong sự  đa dạng của các cơ hội lựa chọn trường trong hệ thống đào tạo sau đại học của Hoa Kỳ là các thể chế được gọi là các "lò cấp bằng ". Bạn có thể thấy một quảng cáo trên báo địa phương hoặc nhận được thông tin trên Internet rằng bạn có thể lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ  mà chỉ phải học rất ít hoặc chỉ bằng việc đánh giá "kinh nghiệm thực tế" của bạn. Đừng tin điều đó. Đấy là các tổ chức lừa đảo, bất hợp pháp. Chính phủ Hoa Kỳ và Cục Điều tra liên bang (FBI) đang cố gắng xóa bỏ các tổ chức này. Nhiều lò bằng cấp kiểu này này tìm thị trường ở nước ngoài, vì vậy bạn nên cẩn thận. Nếu có một chương trình nghe quá hay để có thể tin là thực hoặc không yêu cầu bạn phải làm gì cả mà vẫn có bằng, có thể đấy là dấu hiệu của chương trình đào tạo của một "lò cấp bằng". Hãy luôn hỏi ý kiến các chuyên viên thuộc Trung tâm thông tin giáo dục Hoa Kỳ để phân biệt các chương trình đào tạo tốt với các "lò cấp bằng". Bạn cũng nên nhớ rằng bỏ tiền học tại  một cơ sở được kiểm nhận thì tốt hơn là ở một cơ sở không được kiểm nhận.

Nên học ở trường được kiểm nhận

Chính phủ Hoa Kỳ không công nhận hoặc chấp thuận các trường đại học như Bộ Giáo dục - Đào tạo của Việt Nam vẫn làm. Thay vào đó, ở Hoa Kỳ có Bộ Giáo dục  là cơ quan xem xét và công nhận “các tổ chức đánh giá” là các  tổ chức sẽ đảm bảo chất lượng của các cơ sở và chương trình giáo dục. Do đó, bạn phải chắc chắn rằng trường đại học mà bạn quan tâm được đánh giá, công nhận bởi một tổ chức được Bộ Giáo dục công nhận. Một số lĩnh vực học tập nhất định cũng được “công nhận về chương trình” ngoài “công nhận khu vực”. Ví dụ, hội đồng công nhận về kỹ thuật và công nghệ đánh giá công nhận các chương trình kỹ thuật. Chuyên gia tư vấn giáo dục ở Trung tâm Thông tin Giáo dục Hoa Kỳ của IIE có thể giúp bạn tìm ra các chương trình đào tạo được công nhận trong lĩnh vực của bạn.

Việc công nhận đảm bảo với bạn rằng cơ sở đào tạo đã đáp ứng được tiêu chuẩn về giảng dạy, quản trị và tài chính, văn bằng của bạn sẽ được các cơ sở giáo dục khác và người sử dụng lao động công nhận.

ĐỊA CHỈ THAM KHẢO

  http://www.iie.org: Trang web của Viện Giáo dục Quốc tế có thể tham khảo các học bổng, tình hình du học sinh quốc tế ở Mỹ.

  http://www.nces.ed.gov/ipeds/cool: Giúp cho sinh viên và phụ huynh biết chi phí các trường đại học và trung học ở Mỹ.

  http://aldea.com/guides/gu/attframes3.html:
Cung cấp thông tin toàn bộ các trường đại học của Hoa Kỳ theo thứ tự ABC