Chúng ta dạy gì ở môn tiếng Việt?

Môn tiếng Việt hiện nay đang chú trọng dạy ngữ pháp hơn là giao tiếp, dạy kiến thức về tiếng Việt hơn là tiếng Việt

Nếu tìm hiểu chương trình tiếng Việt trong trường phổ thông tại Việt Nam, có thể nói không quá đáng rằng: Chính cách dạy tiếng Việt hiện nay đã gây ra rất nhiều hệ lụy không những cho giáo dục mà còn cho xã hội.

Môn tiếng Việt, mục đích chính của nó lẽ ra phải là dạy học sinh cách viết câu cho đúng, biết dùng các phương tiện ngôn ngữ để diễn đạt suy nghĩ, tư tưởng trong giao tiếp xã hội. Nhưng không, môn tiếng Việt trong nhà trường hiện nay đang thiên về việc truyền đạt những kiến thức ngôn ngữ học tiếng Việt.

Chẳng hạn tiếng Việt lớp 5 quá đi sâu vào vấn đề từ vựng với những chủ đề về từ loại, mở rộng vốn từ. Lứa tuổi học sinh là lứa tuổi bắt đầu quá trình cảm nghĩ, quan sát... và cần phải cung cấp cho các em cách diễn đạt những cảm nghĩ, quan sát ấy bằng các phương tiện ngôn ngữ. Nhưng chúng ta đang quá chú trọng vào các phương tiện ngôn ngữ mà chưa thực sự tập trung vào việc ứng dụng các phương tiện ấy trong giao tiếp.

Trong bài Từ ghép của ngữ văn 7, các em học sinh ngoài việc phải ghi nhớ tất cả những vấn đề về từ ghép, thì các bài tập, theo thiển ý của tôi, cũng gây cho các em những khó khăn: “Tại sao có thể nói một cuốn sách, một cuốn vở, mà không thể nói một cuốn sách vở?” (câu 4); “Có phải mọi thứ hoa có màu hồng đều gọi là hoa hồng không?”; “Có phải mọi loại cà chua đều chua không? Nói: “Quả cà chua này chua quá!”có được không? Tại sao?”; “Có phải mọi loại cá màu vàng đều là cá vàng không? Cá vàng là loại cá như thế nào?” (câu 5 a, c, d). Xin để độc giả bình luận về những bài tập này!

Lấy sách Tiếng Việt 1 tập hai làm thí dụ. Sách có thêm nhiều bài thơ chứa đựng những hình ảnh, không gian sống và tình cảm con người. Nhưng những gì các em nhỏ được học khó gây hứng thú, chứ đừng nói gì tới cảm xúc thẩm mỹ và khả năng diễn đạt. Tôi tự hỏi không biết những từ nhân dịp, chụp đèn, khoai lang, áo choàng, đoạt giải, kể chuyện... dạy được các em cái gì về mặt ngôn từ? Tại sao cũng với các khuôn vần ấy, chúng ta không đưa vào những từ tượng thanh, tượng hình như: nhộn nhịp, lụp bụp, thoai thoải, loạt xoạt, xao xuyến... Thêm nữa, người ta lấy một số từ như quần soóc, boong tàu, cải xoong rồi bắt các em tìm từ có vần tương đương. Ôi, loại từ gốc tiếng Pháp này đến sinh viên ngôn ngữ học chưa chắc đã nắm bắt được thấu đáo, tại sao lại đánh đố các em học sinh tiểu học mới chỉ quen tiếng Việt? Sao các nhà viết sách không ý thức được họ đang viết sách cho ai học nhỉ?

Chỉ sơ qua như thế cũng có thể thấy được: Môn tiếng Việt hiện nay đang chú trọng ngữ pháp hơn là giao tiếp, dạy kiến thức về tiếng Việt hơn là tiếng Việt.