Chương trình THPT phân ban mới: Học và thi như thế nào?
Tháng 2-2006, hoàn thành chương trình, sách giáo khoa phân ban l Năm 2009, gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH thành một
Theo đề án của Bộ GD-ĐT, ba ban được tổ chức trong các trường THPT là Ban Khoa học Tự nhiên (với 4 môn toán, vật lý, hóa học, sinh học), Ban Khoa học Xã hội - Nhân văn (với 4 môn ngữ văn, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ và Ban Cơ sở (dạy và học theo chương trình chuẩn đối với tất cả các môn).
Ban Cơ sở có thể sử dụng sách nâng cao
Trong kế hoạch dạy học của Ban Cơ sở có 4 tiết dạy học tự chọn/tuần, học sinh Ban Cơ sở có thể sử dụng số tiết dạy học tự chọn này để chọn lọc từ 1 - 3 môn trong số 8 môn nâng cao. Các trường sẽ tự quyết định các ban có trong trường mình căn cứ vào nguyện vọng của học sinh, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và khả năng tổ chức của nhà trường.
Với ba ban này, chương trình THPT được sắp xếp lại, bao gồm chương trình chuẩn cho tất cả các môn học và chương trình nâng cao cho 8 môn phân hóa. Mức độ chênh lệch kiến thức giữa các môn nâng cao so với chương trình chuẩn là 20%. Đối với 8 môn nâng cao này sẽ có 2 bộ sách giáo khoa (SGK) tương ứng cho hai ban, riêng đối với Ban Cơ sở, học sinh sẽ dùng SGK theo chương trình chuẩn cho tất cả các môn học. Tuy nhiên, học sinh học Ban Cơ sở có thể sử dụng sách nâng cao cho một số môn do nhà trường quyết định dựa trên nhu cầu của học sinh và điều kiện của nhà trường.
Thi tốt nghiệp THPT với 5 môn thi
Theo lộ trình của Bộ GD-ĐT, từ năm học 2009 (năm đầu tiên có học sinh tốt nghiệp theo chương trình phân ban) kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, THCN sẽ được gộp chung thành một kỳ thi với 2 mục đích: Xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, THCN. Các thí sinh sẽ thi 5 môn, trong đó có 2 môn thi chung cho tất cả các thí sinh là toán, ngữ văn; hai môn thi cho học sinh chọn trong các môn nâng cao của Ban Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội - Nhân văn; môn thi thứ 5 được quy định theo từng năm để bảo đảm học sinh được chú trọng học toàn diện. Đề thi của 4 môn đầu tiên gồm 2 phần, phần cơ bản theo chương trình và SGK chuẩn, phần nâng cao theo chương trình và SGK nâng cao của từng ban, đề thi môn thứ 5 theo chương trình chuẩn. Các trường ĐH sẽ phối hợp với các địa phương để tổ chức thi và chấm thi. Căn cứ vào kết quả thi, các sở GD-ĐT sẽ tổ chức xét tốt nghiệp THPT. Đối với tất cả các ban, tiêu chuẩn tốt nghiệp THPT là học sinh đạt nhu cầu kiến thức, kỹ năng của chương trình chuẩn. Các trường ĐH, CĐ, THCN căn cứ vào kết quả thi của thí sinh, đặc điểm của từng ngành đào tạo để quy định số môn, điểm trúng tuyển của từng trường hoặc của từng ngành để bảo đảm chỉ tiêu được giao cũng như chất lượng đầu vào.
Theo Vụ trưởng vụ Giáo dục phổ thông Lê Quán Tần, từ nay đến năm 2015 tiếp tục thực hiện dạy học ở THPT theo phương thức phân ban đã điều chỉnh. Giai đoạn từ sau năm 2015 sẽ thực hiện dạy học phân hóa bằng phương thức tự chọn để đáp ứng yêu cầu rất đa dạng của học sinh và phù hợp chung với xu thế của thế giới.
Tháng 2-2006, hoàn thành chương trình, SGK phân ban Tuy nhiên, để bảo đảm thực hiện tiến độ phân ban từ năm học 2006-2007 triển khai đại trà trên toàn quốc, ông Lê Quán Tần cho biết các chuyên gia đang gấp rút hoàn chỉnh SGK thí điểm gồm cả SGK theo chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Dự kiến đến cuối tháng 2-2006, việc thẩm định chương trình và SGK sẽ hoàn thành để kịp tập huấn cho giáo viên trước khi triển khai đại trà vào tháng 9. Ông Tần cũng cho biết, một hội nghị giám đốc sở GD-ĐT với mục đích triển khai phương án phân ban này tới lãnh đạo các sở GD-ĐT cũng sẽ được Bộ GD-ĐT tổ chức vào đầu tháng 3-2006. Y. Anh |