Chuyện kể về cô bé thần đồng Nguyễn Quốc Nam Anh

Xong TOEFL 550 và quả quyết sẽ lấy được bằng ECPE, cô bé này Tết năm nay mới tròn 9 tuổi... Chân dung Nam Anh có thể phác họa bằng những nét rất ngộ nghĩnh: biếng ăn (mà theo "tố cáo" của người chị thì đôi khi mẹ còn phải đút cơm!), ham chơi, mê tít các cô ca sĩ, ghét học môn thể dục, thích tháo tung ra để tìm hiểu các đồ vật như bút, chuột máy tính, thậm chí cả ổ điện...

 

Chỉ cần vào mạng tìm trang Google hoặc Yahoo gõ cái tên Nguyễn Quốc Nam Anh thì có thể tìm thấy gần 150 tin, bài, ảnh, diễn đàn có liên quan. Nhiều nhất là thông tin về "chiến tích" đạt TOEFL 550 điểm khi mới 8 tuổi. Trước đó, năm 7 tuổi, em đã thi được chứng chỉ PET của Trung tâm Khảo thí ĐH Cambridge (Anh), mà theo các nhà tổ chức thì lứa tuổi trung bình thi đậu chứng chỉ này trên toàn thế giới là 19. Rồi nhảy lớp thi tiếp bằng ECCE (Examination for Certificate of Competency in English) của ĐH Michigan (Hoa Kỳ) - đây là loại bằng trình độ trung cao có giá trị suốt đời - cũng đậu nốt. Hai tháng sau kỳ thi đó, cô bé lấy luôn chứng chỉ TOEFL như đã nói, trở thành người trẻ tuổi nhất từ trước đến nay ở Việt Nam đạt mức điểm này. Trước tiên là phá kỷ lục của chính chị ruột mình - Nguyễn Quốc Nam Phương năm 11 tuổi cũng lấy được TOEFL 553 điểm.

Một chuyên gia về giảng dạy ngoại ngữ cho biết: Theo ghi nhận trên toàn thế giới thì độ tuổi lấy TOEFL trung bình là 17, thường đạt ở mức 400 đến 450 điểm. Từ 500 trở lên là đạt yêu cầu, trên 550 thì không còn gì phải bàn, bởi khối người đã có bằng thạc sĩ còn phải vất vả đi học luyện thi lấy TOEFL 550 điểm để xin học bổng làm tiến sĩ ở nước ngoài. Cô bé lớp 3 trước khi ghi danh ứng thí cũng đi luyện thi với các anh chị sinh viên, người lớn một khóa kéo dài 3 tháng, nhưng mới học có 4 tuần thì có đợt thi, thế là... thi đại mà lại đỗ cao. Không "chảnh" (dù hoàn toàn có quyền!), cô bé nói: "Đáng lý con có thể đạt điểm tốt hơn nhưng có nhiều cái con hổng biết!". Bởi khác với các loại chứng chỉ đặt nặng về giao tiếp thì những chứng chỉ mà Nam Anh thi như TOEFL là loại có tính chất học thuật, nhiều câu hỏi về kiến thức khoa học, y học, xã hội... vượt ngoài tầm của một học trò tiểu học 8 tuổi. Nhưng Nam Anh có cách của mình: Trước những vấn đề mà em chưa được học thì tìm kiếm trên mạng, tra từ điển bách khoa toàn thư và bí thì hỏi bố. Tất nhiên "thần đồng" cũng "chào thua" trước yêu cầu bài luận kiểu "Hãy cho biết ý kiến của bạn về sinh sản vô tính hay nhân bản người vì mục đích khoa học". Em nói: "Con nghe bố giải thích thì hiểu nhưng còn ý kiến thì con hổng biết".

Nam Anh đang chuẩn bị cho chuyến khởi hành đầu xuân với cả nhà sang Singapore - phần thưởng cho tấm bằng mà cô bé quả quyết là mình sẽ đậu. Đó là bằng ECPE - văn bằng cao nhất trong hệ thống bằng tiếng Anh của ĐH Michigan (Hoa Kỳ), tương đương với TOEFL trên 600 điểm. Nam Anh tự hào: "Con dành khá nhiều thời gian cho văn bằng này vì nó có giá trị suốt đời". Không biết lượng kiến thức khoa học, đời sống mà em thu nạp được để vượt qua kỳ thi của người lớn chiếm mất bao nhiêu thời gian và công sức, nhưng đến nhà tôi thấy từ trong phòng của hai chị em cho đến chân cầu thang, các loại sách chất thành đống. Ngay cả test chỉ số thông minh IQ, cô bé cũng được xếp vào hạng có năng khiếu tự nhiên với điểm số rất cao. Chúng tôi còn đặc biệt thích chỉ số cảm xúc (EQ) của cô bé này: biết dành 5 triệu đồng tiền thưởng nhờ chuyển cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh ở Bệnh viện Nhi Đồng.

imgSau khi Nam Anh xuất hiện rực sáng với thành tích đáng nể, khá nhiều trung tâm ngoại ngữ giới thiệu em từng là học trò của mình và sẵn sàng cấp học bổng miễn phí cho em học. Nhưng thực ra đó chỉ là những nơi em đến học luyện thi, còn người thầy đầu tiên và lâu dài của cả hai chị em là ông giáo già ở một lớp gia sư tại gia: thầy Giang Thanh Trực, năm nay đã hơn 85 tuổi! Chuyện thầy cũng thú vị không kém học trò vì thầy vốn là dân Tây học nên bằng cấp ngoại ngữ là bằng tiếng Pháp, tiếng Anh chỉ là ngoại ngữ thứ hai. Với thầy giờ đây truyền thụ kiến thức Anh ngữ cho học trò chỉ là một thú vui tuổi già bởi "tôi nhiều thời giờ rảnh rỗi mà kiến thức thì lại bỏ không". Hằng tuần ông đều rảo qua các nhà sách ngoại văn, tìm sách mới về soạn lại cho phù hợp với trình độ từng học sinh. Ông phân trần: "Hằng tháng các con tôi đều đặn gửi tiền phụng dưỡng cha mẹ, hai vợ chồng già đâu có tiêu gì nhiều. Cái lo lắng nhất của tôi là sức khỏe yếu, bà nhà tôi cứ cằn nhằn không cho tôi nhận học sinh nữa. Để bà ấy yên lòng tôi phải "cải thiện" bằng cách hằng ngày bỏ ra 1 giờ để tập thể dục. Nhưng thấy cha mẹ dẫn con đến xin học mà mình từ chối thì áy náy lắm. Mấy đứa nhỏ cũng như con cháu của mình thôi".