Có nên trồng hoa ngũ sắc ?

Báo Người Lao Động số ra ngày 29-12, có đăng bài “Trên chống, dưới trồng: Hoa ngũ sắc là thù hay là bạn?”. Sau bài viết nói trên, nhiều nhà khoa học đã bày tỏ những ý kiến khác nhau, ủng hộ hoặc phản đối việc trồng cây hoa ngũ sắc.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin trích đăng ý kiến của hai nhà khoa học như dưới đây

GS-TSKH Nguyễn Văn Trương, Viện trưởng Viện Kinh tế – Sinh thái: Tôi phản đối việc trồng đại trà cây hoa ngũ sắc

Tôi cực lực phản đối việc trồng đại trà cây hoa ngũ sắc nếu  không có những nghiên cứu  nghiêm túc nhất. Trong những năm gần đây, chúng ta mới dần thấy được  tác hại  của việc nuôi, trồng đại trà các loại sinh vật lạ mà không thông qua  các nghiên cứu cụ thể. Đau đớn hơn cả  là việc nhập cây thông từ Trung Quốc (tạm gọi là cây thông Tàu) về để trồng cho các vùng từ Hà Tĩnh  đến Thanh Hóa. Sau một thời gian phát triển, loại cây du nhập này đã kích thích việc sản sinh ra loại sâu róm thông chuyên “ăn” những cây thông Tàu và sau đó chúng tấn công luôn cả những cây thông bản địa. Kết quả như thế nào thì chỉ cần đến các vùng trên,  sẽ thấy những đồi thông bị cháy vàng do  loại sâu này gây ra, điều mà trong nhiều thập kỷ qua chúng ta chỉ có thể thấy trong thời chiến tranh khi các cánh rừng bị rải chất độc màu da cam.          

 Theo  tôi, cảnh báo của tổ chức IUCN về các loài sinh vật lạ xâm lấn chắc không phải là thừa. Kinh nghiệm về sự tàn phá của các loài sinh vật lạ đã được đúc kết từ thực tế của hàng chục quốc gia trên thế giới. Riêng với cây hoa ngũ sắc, đừng bao giờ suy nghĩ rằng việc di dời cây hoa này đến một khu vực khác là công dụng của nó sẽ như nhau. Nhiều bài học cho thấy, chỉ cần sinh vật chuyển từ vùng sinh thái này sang vùng sinh thái khác là sẽ có chuyện ngay. Tất nhiên, chúng sẽ không chết đi mà chúng sẽ kích thích phát triển ra các loài sinh vật khác theo dạng biến thể và loại này sẽ tấn công tất cả những sinh vật đã tồn tại ổn định. Nói dễ hiểu hơn, cây hoa ngũ sắc chúng ta trồng ven đường sẽ có những khác biệt nhất định với các cây được trồng trong phòng thí nghiệm vì chúng khác biệt ở đất, mưa, nắng, độ ẩm, mức độ ô nhiễm... Tôi cho rằng việc nghiên cứu quản lý các loài sinh vật lạ nói chung cũng như cây hoa ngũ sắc nói riêng, nên xem chúng như những tên gián điệp, chỉ cần chúng ta lơ là sơ sẩy thì sẽ không thể lường hết về mức độ tác hại của chúng gây ra.

PGS-TS Bùi Cách Tuyến, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông - Lâm TPHCM: Nếu nghiên cứu kỹ, vẫn có thể trồng

 Cây hoa ngũ sắc (tên khoa học là Lantana Camara L.) vốn đã có sẵn từ trước trong môi trường  tự nhiên của Việt Nam. Kết quả nghiên cứu mới đây của TS Diệp Thị Mỹ Hạnh bước đầu cho thấy cây có khả năng hấp thu kim loại nặng. Nếu tiếp tục thử nghiệm và có những nghiên cứu sâu, kỹ lưỡng,  chứng minh được khả năng hút chì và kim loại nặng thì vẫn có thể tiến hành trồng. Trước đây, nhiều nơi đã trồng loại hoa ngũ sắc này như một loại hoa cảnh.

Những loài sinh vật lạ do Việt Nam nhập nội (trừ cây mai dương) như ốc bươu vàng, cá piranha, cá lau kính... chúng ta đã có biện pháp diệt trừ và  khống chế được. Tuy nhiên, để quản lý tốt các loài sinh vật lạ này cần có văn bản pháp luật quy định cụ thể. ĐH Nông Lâm TPHCM trước đây có nhập một loài ong ngoài bản địa để diệt ký sinh bọ dừa. Chúng tôi xin giấy phép và tiến hành kiểm tra chất lượng, nuôi trong phòng kín để theo dõi về độ an toàn theo đúng các thủ tục. Đến nay, loài sinh vật này vẫn tỏ ra có hiệu quả trong việc diệt ký sinh bọ dừa mà không gây hại gì đến môi trường.