Đại học quá tải !

Quy mô sinh viên tăng hằng năm từ 5% - 10%, nhiều trường ĐH đành phải cơi nới không gian, mở thêm cơ sở. Nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế ... Minh, sinh viên (SV) hệ CĐ Trường ĐH Hoa Sen, học tại cơ sở chính của trường ở quận 1 - TPHCM nhưng cũng có ngày phải đi học tại cơ sở của trường ở Công viên Phần mềm Quang Trung, quận 12.

SV một số ngành của trường đều phải đi học ở cả 2 cơ sở như Minh vậy. Đây là giải pháp của trường từ khi số SV tăng cao, cơ sở chính trở nên quá tải.

Phân tán SV về 7 cơ sở

Chuyện phân tán SV học tại nhiều cơ sở là phổ biến với các trường ĐH tại TPHCM khi mà quy mô SV ngày càng “bành trướng”. Dẫn đầu các trường về số cơ sở có lẽ là Trường ĐH Kinh tế TPHCM với 7 cơ sở nằm rải rác ở 4 quận nội thành. Bởi vậy, các khoa cũng phải nằm rải rác ở 7 cơ sở và SV cũng phải chia ra để học. Mấy năm nay, dù đã chia ca cho SV học (sáng học suốt 6 tiết hoặc chiều 6 tiết) nhưng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng phải thuê thêm cơ sở cho SV hệ đào tạo cho các địa phương học vì cơ sở chính không kham nổi. Gần đây, SV hệ này được học tại cơ sở một trường trung cấp trên đường Nguyễn Văn Luông, quận 6.

Trường ĐH công lập thì như vậy, các trường ngoài công lập cũng không tránh khỏi thực trạng này. Trường ĐH DL Hồng Bàng có 4 cơ sở ở rải rác quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và quận 5. Riêng cơ sở tại quận 5, nhiều SV phản ánh là dơ bẩn, không có sân chơi và đang xuống cấp. Theo khảo sát của chúng tôi, cơ sở này là tòa nhà cao tầng đã sử dụng lâu năm. Tòa nhà có khoảng sân ở giữa nhưng đã bị trưng dụng làm bãi giữ xe 2 tầng nên sân chơi của SV hầu như chỉ là lối đi dọc hành lang khá hẹp, bề ngang chỉ khoảng hơn 1 m.

Mỗi SV chỉ có 1,25 m2

Năm 1998 trở về trước, Trường ĐH Sư phạm TPHCM có khoảng 4.000 SV chính quy tại trường thì nay đã lên khoảng 11.000 SV. Để giải quyết chỗ học cho SV, trường đã xây tòa nhà cao tầng và dự kiến sắp tới sẽ xây tiếp một tòa nhà 8 tầng nữa cũng tại cơ sở chính. Cạnh trường này, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM cũng đã xây tòa nhà 10 tầng. Khu vực nội thành, Trường ĐH KHXH & NV TPHCM, Trường ĐH Luật TPHCM... cũng xây nhà cao tầng.

Đứng đầu về tốc độ xây dựng nhà cao tầng có lẽ là ĐH Công nghiệp TPHCM. Cách đây 10 năm, quy mô trường chỉ có khoảng 750 HS nhưng nay đã lên tới 25.000 SV với 4 cơ sở ở 4 tỉnh, thành. Riêng cơ sở TPHCM có quy mô 20.000 SV. Với diện tích đất khuôn viên là 25.000 m2, bình quân mỗi SV chỉ có 1,25 m2!, trường đã xây dựng 150.000 m2 nhà xưởng, lớp học, giảng đường. Ông Tạ Xuân Tề, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, đánh giá: “Trường đã xây dựng hệ thống xưởng thực hành, phòng thí nghiệm, các giảng đường... đáp ứng yêu nâng cao chất lượng đào tạo”.

Tuy nhiên, với diện tích có hạn, giải pháp xây dựng nhà cao tầng của các trường đã làm không gian học đường bít bùng, ngột ngạt. Chưa kể, nhiều bất tiện khác như chờ thang máy hay thang máy trục trặc... Có trường bố trí thư viện ở tầng 10 nên SV ngại lên. Kết quả là SV ngồi đọc sách đầy hành lang ở tầng trệt còn thư viện thì vắng hoe...

Không tương xứng quy mô đào tạo

Ngoại trừ ĐH Quốc gia TPHCM có quy hoạch mặt bằng, hầu hết các trường ĐH trong TP đều có diện tích hoạt động rất chật hẹp, không tương xứng với yêu cầu gia tăng về quy mô cũng như chất lượng đào tạo. Theo điều tra của Hội đồng ĐH TP, diện tích mặt bằng của 29 trường ĐH, CĐ tham gia Hội đồng ĐH (không kể ĐH Quốc gia TPHCM) là 731.000 m2, trong khi nhu cầu mặt bằng tối thiểu theo đề nghị khiêm tốn của 29 trường này là 6.698.900 m2. Trong tình hình đất TPHCM khan hiếm, muốn xây dựng trường ra trường thì chỉ còn đất ở các quận, huyện ven hoặc các tỉnh lân cận.

PGS-TS Nguyễn Việt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho biết: “Trường được TP và UBND quận 9 đồng ý giao khu đất để xây dựng trường. Trường quyết tâm xây dựng cơ sở này theo tiêu chuẩn hiện đại vì hiện nay tổng cộng các cơ sở của trường chỉ có 1,6 ha”.

Để giảm tải cho cơ sở Gò Vấp, ông Tạ Xuân Tề tiết lộ: “Trường đã được UBND tỉnh Đồng Nai cấp 50 ha đất tại Nhơn Trạch để xây trường, giá trị đầu tư đã được phê duyệt là 500 tỉ đồng. Dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm 2007 với quy mô trường ĐH hiện đại ngang tầm quốc tế, tập trung đào tạo hệ ĐH và sau ĐH”.

Nhìn sang trường nước ngoài

Ngày 21-11, ĐH RMIT Quốc tế Việt Nam động thổ xây dựng cơ sở vật chất giai đoạn 2 tại cơ sở Nam Sài Gòn với tổng vốn đầu tư 6,5 triệu USD, gồm trung tâm thể thao giải trí tiêu chuẩn quốc tế với nhà vận động 2.000 chỗ ngồi, một hồ bơi, sân quần vợt, khu phục vụ ăn uống, trung tâm y tế và khu ký túc xá. Có mặt tại Việt Nam mới 5 năm, ĐH RMIT đã có cơ ngơi bề thế, hiện đại.