Đào tạo thạc sĩ - tiến sĩ: Chất lượng - vẫn là dấu chấm hỏi

Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, từ nay đến năm 2010, Việt Nam phải đào tạo 10.000 tiến sĩ (TS). Chỉ tiêu của các cơ sở đào tạo thạc sĩ (ThS), TS cũng như điều kiện để thi vào bậc sau ĐH để trở thành ThS, TS, nhờ vậy đã được nới rộng. Tuy nhiên, chất lượng của không ít tấm bằng ThS, TS đang bị dư luận đặt nhiều hoài nghi.

''Hóa giải" đầu vào

Muốn vào cao học, thí sinh phải qua một kỳ thi 3 môn là môn cơ sở, triết học và ngoại ngữ (vào bậc học TS thi thêm môn chuyên ngành). Thực tế tại các hội đồng thi, đặc biệt là các ngành khoa học xã hội, nhiều năm qua cho thấy, chỉ có môn ngoại ngữ là "khó nuốt", các môn còn lại thí sinh đều dễ dàng vượt qua. Môn ngoại ngữ được xem là "chốt chặn" khá hữu hiệu khi mà lối vào sau ĐH đã hết sức cởi mở. Thế nhưng, từ vài năm nay, cái "chốt chặn" ấy đã được "hóa giải" bởi theo dư luận, ai không biết một ngoại ngữ nào mà muốn vào sau ĐH thì cứ thi tiếng Nga!".

Một nghiên cứu sinh (NCS) năm thứ nhất thi đầu vào bằng tiếng Nga tiết lộ: "Thi tiếng Nga rất dễ đậu. Nhiều người biết vài chữ tiếng Nga, nhưng chỉ "luyện" một - hai tháng là có thể làm tốt các bài thi trình độ B (thi vào cao học), C (thi vào TS)". "Luyện" kiểu nào mà hay vậy? - "Có năm -bảy cái đề, thầy "dợt" hoài thì làm được chứ gì" - NCS này khẳng định. Kết quả thi vào cao học tại trường ĐH KHXH&NV môn tiếng Anh là 49% và môn tiếng Nga đạt 88%.

Nhược điểm lớn nhất của những học viên cao học và NCS Việt Nam hiện nay là không chuyên tâm cho việc học hành. Học viên cao học và NCS đều phải bảo đảm 100% công việc thuộc phận sự tại cơ quan. Việc học chỉ dừng ở lý thuyết và mang tính đối phó, thời gian dành cho tự học và nghiên cứu rất ít.

Lộn xộn và dễ dãi đầu ra

Tổ chức hội đồng chấm luận văn, luận án là nhằm đánh giá luận văn, luận án đó có đạt yêu cầu, tác giả có xứng đáng là ThS, TS không. Nhưng tại nhiều hội đồng, công việc này lại rất lộn xộn. GS Cao Xuân Hạo kể, ông từng làm phản biện thứ nhất cho một luận án TS chuyên ngành ngôn ngữ học dài 380 trang của một NCS. Theo ông, NCS này quá kém, nên ông đã có thư cho bộ với lập luận: Là TS thì phải hơn một HS trung học. NCS này không bằng một THS lớp 3 thì làm sao trở thành TS! Đề nghị không cho bảo vệ (trước đó tại cơ sở - trường ĐH luận án này cũng đã bị 100% ý kiến bác bỏ).

Thế nhưng bộ vẫn cho NCS đó được bảo vệ và còn phái 3 "ngôi sao sáng" trong làng ngôn ngữ học VN vào ngồi hội đồng với "sứ mệnh" là phải "cứu" NCS bằng bất cứ giá nào. "Trong buổi bảo vệ, sau 35 phút nghe tôi chỉ ra những cái sai và cho điểm 1 (vì quy định không được cho điểm 0 và điểm âm), vị chủ tịch hội đồng quả quyết: Nhận xét của GS Hạo là không sai một chi tiết nào, NCS phải sửa lại hết. Nhưng có một nguyên tắc bất di bất dịch: Đã cho bảo vệ là phải đạt, nên NCS này vẫn đạt điểm trung bình 7,2 và trở thành TS" - GS Hạo cười.

Nhận xét về các hội đồng, GS Đào Công Tiến (ĐH Kinh tế) thất vọng: "Người ta sắp xếp hết. Có khi người bảo vệ đề tài tự sắp xếp hội đồng cho mình để xuê xoa cho nhau. Những người có ý trái hoặc lạc điệu thì họ gạt ra. Xu thế này rất nguy hiểm cho xã hội, vì cái phải, cái đúng bị gạt bỏ".

TS Nguyễn Thiện Tống (Trường ĐH Bách khoa) mỉa mai: "Thật ngược đời khi có những người không có trình độ cả về chuyên môn và đạo đức lại ngồi trong hội đồng để đánh giá người có trình độ hơn mình. Và họ đã làm việc qua loa cho xong". "Thực tế cũng cho thấy có những TS, GS dạy và đánh giá cho hết ThS này đến TS kia nhưng lại không hề học hành, nghiên cứu trong suốt nhiều năm.

Giới khoa học đúc kết một hiện tượng vô lý ở một số kỳ bảo vệ luận văn, luận án là: Bị GS chuyên ngành chê thậm tệ - cho điểm l, hầu hết các thành viên hội đồng đánh giá không đạt, người bảo vệ không thể trả lời những câu hỏi phản biện, nhưng cuối cùng thì luận văn, luận án vẫn được thông qua, thậm chí còn đạt điểm 9 hoặc hơn 9.

Thực tế đó cho thấy có ba khả năng: hoặc là hội đồng chấm đã "bắt tay" cùng "giúp" người bảo vệ, hoặc các thành viên trong hội đồng nể nang nhau, hoặc là tiêu cực.

Chất lượng là một dấu hỏi

GS Nguyễn Đức Dân nhận xét, một số người đi học là chỉ nhằm lấy bằng cấp. Số cần nghiên cứu để có kiến thức rất ít. Tiêu cực cũng từ đó mà nảy sinh. Những người giỏi thấy học hành không thực chất nên không thèm đi học, hoặc đi học nước ngoài.

Tính phát hiện mới là yêu cầu số một đối với một luận án TS nhưng theo GS Dân, "khá nhiều luận án không có phát hiện gì mới và xu hướng chung là ngày càng kém đi". Các GS còn cho biết khá nhiều NCS bảo vệ ở thành phố không xong, thì mời Hà Nội vào hoặc xin ra Hà Nội bảo vệ (??). Tại một trường ĐH ở TPHCM, người ta từng thấy một giáo viên bao phen thi rớt NCS, nhưng bất ngờ anh ta lại lấy được bằng TS ở Hà Nội...

Đánh giá về những tấm bằng ThS, TS hiện nay, GS Hạo khẳng định: ''Chưa từng có ai bảo vệ trượt cả. Và trình độ các ThS, TS của ta thua xa các nước Thái Lan, Singapore, Malaysia''.