Dạy và dỗ

Tiếng Việt của chúng ta rất hay: có những danh từ kép, từ đi sau bổ sung ý nghĩa cho từ đi trước, ví dụ từ dạy dỗ: muốn dạy trẻ em cho chúng biết được điều hay lẽ phải, học được cái tốt phân biệt với cái xấu, không phải chỉ có dạy mà còn phải dỗ.

Ông cha ta chịu ảnh hưởng Nho giáo, dạy con dạy học trò rất nghiêm, bên cạnh ông thầy đồ với cái nghiên cái bút, luôn luôn có cây roi. Nhưng cây roi không phải dùng để đánh vào đầu học sinh mà chỉ dùng để đe chúng và vạn bất đắc dĩ mới ''đét'' vào mông chúng vài cái, khẻ vào bàn tay thơ non của chúng vài cái, làm gương cho bạn bè cùng lứa. Ngược lại, thầy đồ với học trò đối xử với nhau như tình cha con. Khi khôn lớn, trẻ con đi làm quan, đi tứ xứ tha phương, không bao giờ quên những ngày những giờ được thầy đồ dạy dỗ cho Tam Tự Kinh.

Quan hệ giữa thầy và trò là quan hệ của tình thương. Vì thương trẻ non yếu, thầy mới ra công dẫn dắt; vì yêu thầy, kính cha kính mẹ, cho nên học sinh mới rèn luyện học hành để thành người xứng đáng. Chúng ta khó có ai quên những ngày thơ ấu mài đũng quần trên băng ghế nhà trường, khó có ai quên gương mặt hiền từ của thầy cô những ngày xa xưa. Trường học đối với trẻ em luôn luôn để lại những kỷ niệm êm đềm, khó quên được. Tại sao bây giờ, phương tiện nhiều hơn, sách vở nhiều hơn, mà tình thầy trò như ngày xưa, hầu như bị quên lãng. Ngày nay, mỗi năm chúng ta dành hẳn một ngày riêng biệt để tôn vinh thầy cô giáo - ngày 20-11. Vào ngày này, các em học sinh, dù nhà nghèo hay giàu, vẫn cố gắng tìm một bông hoa đỏ thắm, hớn hở mang đến trường kính tặng thầy cô. Học sinh ngày nay không hề khó dạy, không hề ngang bướng hơn học sinh ngày xưa, tại sao ngày nay ở học đường, thinh thoảng vẫn xảy ra những xì-căng-đan, khiến mọi người ít nhiều quan tâm, phải khó chịu. Ngày nay, công khai mà nói, Nhà nước đã nghiêm cấm việc ''đánh đấm học trò'' bằng roi vọt. Chủ trương phải ''dỗ dành'' trẻ em vì trẻ em ngay từ bé cũng đã có nhân cách của chúng. Giáo dục là phát huy nhân cách đó bằng kiến thức, bằng những lời khuyên, bằng sự chỉ đường dẫn lối, bằng việc hướng cho trẻ đua chen với nhau trong tình thương mến. Không thể nào hành hạ trẻ con. Dỗ dành cũng là một trong những biện pháp giáo dục nhằm phát huy nhân tính, phát huy tính cách của từng con người.

Có lẽ trong nhà trường của chúng ta vẫn có một vài phần tử không bình thường áp dụng biện pháp roi đòn trừng phạt hay lăng nhục trẻ con. ''Thụt dầu'' không phải là biện pháp dạy dỗ, trái lại là một hình thức gần như lăng nhục trẻ con trước bạn bè cùng lớp. Biện pháp đó vừa hành hạ trẻ con, vừa va chạm tự ái, tự trọng của chúng, chỉ gây mặc cảm tự ti, khiếp sợ, quá đáng lắm phải ngất xỉu, nguy hiểm hơn, gây tổn thương và di hại trong tâm lý của trẻ con khi trưởng thành.

Chúng ta rất buồn, không phải chỉ có một cô giáo Trường THCS Phú Định, Q.6, TPHCM sai lầm, mà cả bà hiệu trưởng cũng không hiểu đó là sự đụng chạm mạnh đến tính cách của trẻ khi bà phát biểu: phạt thụt dầu như một kiểu tập thể dục. Không phải chỉ có người lớn mới có tính cách. Chính tính cách của trẻ con phải được triệt để tôn trọng, giữ gìn và phát huy cho đúng hướng: đó phải chăng là mục đích của giáo dục? Rất mong qua sự kiện thụt dầu ở một trường trung học cơ sở của thành phố, những người có trách nhiệm quan tâm hơn nữa tới việc dạy đi kèm với dỗ mà ông cha ta đã vạch ra ngay trong tự thân của ngôn ngữ tiếng Việt.