Đề thi đại học năm 2005 có gì mới?

Ông Nguyễn An Ninh - Cục trưởng Khảo thí, Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo thi Bộ GD - ĐT trả lời phỏng vấn.

img
Ông Nguyễn An Ninh
Xin ông cho biết đôi điều về quy trình ra đề thi của năm 2005?

Hội đồng ra đề thi (HĐRĐ) sẽ gồm khoảng 60 chuyên gia (CG) hàng đầu của ngành. Điều đặc biệt của mùa thi 2005 là số CG là giáo viên phổ thông, những người biết rất rõ thày dạy gì và trò học gì, sẽ tăng hơn các năm trước theo tỷ lệ 50% phổ thông – 50% đại học để giúp Hội đồng ra đề sát hơn với chương trình giảng dạy ở phổ thông. Mỗi môn thi gồm 4 - 5 CG.

Các CG sẽ tập hợp các yêu cầu về đề thi và những đề thi đã đề xuất và tổng hợp thành 2 đề thi chính thức và dự bị cho mỗi môn thi. Sau đó các CG sẽ giải thử để thẩm định thử đề thi. Sau thời gian làm thử bài đúng như thí sinh phải làm, đề thi sẽ được điều chỉnh cho thích hợp.

Riêng với đề thi đại học, đích thân Bộ trưởng sẽ chọn một cách ngẫu nhiên trong 3 đề đã được chuẩn bị sẵn để không ai có thể gây ảnh hưởng đối với đề thi.

Như vậy sẽ có riêng rẽ 2 hội đồng ra đề?

Trên thực tế, 2 Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH sẽ gần trùng nhau để đảm bảo sự liên thông, không khác nhau quá nhiều giữa 2 loại đề thi.

Có dư luận cho rằng Ban chỉ đạo thi có mời cả các “tay tổ” trong vấn đề ra đề liệu có ảnh hưởng tới bảo mật đề thi không, thưa ông?

Quả thực, là trong thành phần ra đề có cả các thày tham gia luyện thi. Chính những thày đó sâu sát hơn về việc học hành của HS. Những người này, đương nhiên, phải chịu trách nhiệm về việc bảo mật đề thi trước pháp luật.

Trong tương lai sẽ loại dần sự tham gia của các đối tượng này, tuy nhiên cũng phải chờ đến lúc ngân hàng đề thi đủ mạnh, có hàng mấy trăm, mấy chục ngàn người tham gia làm đề thi.

Trong một cuộc trao đổi với TP, một quan chức đã cho biết đề thi vào ĐH, CĐ năm 2005 sẽ không khó hơn năm 2004. Ông có thể cho biết rõ hơn về điểm này?

Không đánh đố, không khác biệt nhiều quá giữa 2 đề thi tốt nghiệp và tuyển sinh vào ĐH để giảm gánh nặng luyện thi; dạy gì, học gì, thi nấy, đề thi chỉ nằm trong chương trình phổ thông, chủ yếu trong chương trình lớp 12... là những nguyên tắc cơ bản để làm đề thi năm 2005.

Đó là 2 cuộc thi có tính chất khác nhau, đề không khác biệt thì làm sao đảm bảo mục tiêu tuyển chọn và điều này đã từng hy hữu trong mùa thi năm trước, câu khó dành cho học sinh giỏi chỉ được tính rất ít điểm trong cả đề thi khiến học sinh giỏi nhiều khi không “ăn tiền” bằng học sinh chăm?

Nguyên tắc ra đề hiện nay là không chạy theo số HS khá giỏi chỉ chiếm khoảng 15%. Đề thi ngày nay là phải ra cho số HS trung bình cũng đạt được.

Ngay cả với thi ĐH, CĐ cũng thế, phải để cho HS trung bình thể hiện là HS trung bình trong cuộc đọ sức. Đề thi hiện đại sẽ thoả mãn 70 - 80 - 90% HS trung bình và đảm bảo chọn được 10-15% số khá giỏi.

Nghe nói cơ cấu đề thi năm ngoái là 30-50-20, vậy năm 2005, cơ cấu này sẽ là bao nhiêu?

Có lẽ cũng tương tự để đảm bảo 50% điểm số trung bình, 20 % khá giỏi là vừa.

Vậy các thí sinh của mùa thi 2005 sẽ phải chuẩn bị gì để đương đầu với các đề thi theo xu hướng hiện đại này?

Các thí sinh hãy học tập theo hướng dẫn của nhà trường theo các nội dung cơ bản và toàn diện nhưng ở cuối cấp để đảm bảo thi tốt nghiệp và ĐH.

Một điểm quan trọng khác là thí sinh phải chọn đúng hướng để thi, chớ thấy khối này, trường kia tỷ lệ chọi thấp mà thi vào, không đúng với sở trường sở đoản của mình dễ bị rủi ro. Thí sinh cũng không nên đoán tủ hay mang tài liệu vào phòng thi là rất dễ trượt và bị kỷ luật.

Về vấn đề hướng dẫn ôn tập, năm nay Bộ GD-ĐT có ra văn bản hướng dẫn nội dung ôn tập cho học sinh phổ thông như mọi năm không?

Mọi thứ đều ổn định như năm 2004.

Khi nào thì lực lượng làm đề sẽ được huy động?

Cuối tháng 2 đầu tháng 3/2005.

Xin cảm ơn ông.