Đề thi tốt nghiệp THPT không còn phần riêng

Tính an toàn, nghiêm túc của kỳ thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD-ĐT đặt lên hàng đầu

11 điểm sửa đổi, bổ sung trong quy chế thi tốt nghiệp THPT đã được Bộ GD-ĐT đưa ra thảo luận, lấy ý kiến các sở GD-ĐT tại hội thảo về công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục năm học 2009 – 2010, tổ chức vào 2 ngày 8 và 9-10, tại Hà Nội.


Nhiều thay đổi


Theo dự kiến của Cục Khảo thí - Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, việc tổ chức đối thoại giữa hai cặp chấm của hội đồng chấm thi và hội đồng phúc khảo khi chênh lệch điểm bài thi tự luận sẽ có nhiều thay đổi.

Trong quy chế hiện hành, việc đối thoại chỉ được tiến hành nếu điểm bài thi tự luận chênh nhau từ 2 trở lên thì theo dự kiến, mức chênh lệch điểm sẽ rút xuống còn 1,5 với các môn khoa học tự nhiên và 2 với các môn khoa học xã hội. Bài thi sẽ được điều chỉnh điểm khi chấm lại chênh lệch 0,5 điểm trở lên với các môn khoa học tự nhiên và 1 điểm trở lên với các môn khoa học xã hội.

img
Các thí sinh sau khi thi môn sinh tại hội đồng thi tốt nghiệp THPT năm 2009 Trường Bùi Thị Xuân - TPHCM. Ảnh: N.HỮU


Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí - Kiểm định chất lượng, giải thích: Hướng dẫn chấm thi hiện nay đã chặt đến mức 0,25 điểm nên bộ chủ trương hạ mức điểm chênh lệch phải xử lý để phù hợp với đặc thù môn học. Điều này cũng khiến giám thị khi đặt bút chấm thi phải cẩn trọng hơn để bảo đảm công bằng và quyền lợi cho thí sinh (TS).


Những nội dung trực tiếp liên quan đến TS cũng được Bộ GD-ĐT đưa ra trong hội nghị lần này. Cụ thể, thay vì quy định TS học theo chương trình nào (chuẩn hay nâng cao) phải làm phần riêng của đề thi ứng với chương trình đó và nếu làm cả hai phần riêng sẽ bị coi phạm quy, không được chấm điểm bài làm phần riêng như quy chế hiện hành, nay bộ đưa ra quy định mới: “TS chỉ được làm một trong hai phần tự chọn của đề thi, nếu làm cả hai phần tự chọn thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm bài làm phần tự chọn của đề thi”. Theo ông Trần Văn Nghĩa, sửa đổi như thế vì cấu trúc đề thi mới chỉ gồm phần bắt buộc và tự chọn, không còn phần riêng.


Siết chặt kỷ luật phòng thi


Tính an toàn, nghiêm túc của kỳ thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD-ĐT đặt lên hàng đầu, vì thế mà quá nửa trong số 11 điểm sửa đổi, bổ sung trong quy chế liên quan đến quyền hạn, trách nhiệm và kỷ luật của hội đồng thi (HĐT).

Thay vì chỉ quy định giám thị không được mang theo và sử dụng điện thoại di động trong khu vực thi, bộ đề xuất tất cả mọi người làm nhiệm vụ tại HĐT trong thời gian các buổi thi đang diễn ra đều không được sử dụng các phương tiện thu, phát thông tin cá nhân.


Nội dung này được phần lớn các đại biểu đồng tình, bởi các ý kiến đều thống nhất cho rằng mỗi HĐT nên đăng ký một điện thoại cố định được dùng trong những ngày thi để hạn chế tuyệt đối việc lọt thông tin ra ngoài.

Một số sở GD-ĐT cũng đề nghị thêm: Để khép chặt hơn vấn đề an ninh trong quá trình chấm thi, nên bổ sung vào quy chế việc mời lực lượng an ninh văn hóa hỗ trợ.


Cũng để bảo đảm tính an toàn, nghiêm túc của kỳ thi, ông Lê Hồng Sơn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, đề xuất không nên cho các nơi biết sẽ chấm chéo bài thi của địa phương nào, đồng thời nên trộn cả một phần bài thi của chính địa phương để nơi đó tự chấm nhằm bảo đảm kết quả khách quan hơn.

Nâng mức kỷ luật người ra đề sai

Tại hội nghị, ông Chu Văn Cuông, Thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình, đề nghị cần phải nâng mức kỷ luật người ra đề thi sai hoặc vượt chương trình, bởi mức kỷ luật hiện nay còn quá nhẹ.


Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định kiến nghị Bộ GD-ĐT không nên xếp TS trong phòng thi theo ban nữa, bởi kinh nghiệm từ kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi cho thấy khi thực hiện điều này đã xảy ra tình trạng có phòng thi chỉ có TS của một trường - không bảo đảm mục tiêu của việc đổi chéo TS.

Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Cao Bằng lại đề nghị bộ nên trao thẩm quyền đình chỉ thi cho giám thị phòng thi.

Bởi theo quy định hiện hành, nếu có TS vi phạm, giám thị phải báo cáo lên chủ tịch HĐT, sau đó HĐT phải họp xem có quyết định đình chỉ thi TS này hay không, như vậy không phù hợp với thời gian tổ chức thi.

Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Cao Bằng cũng đề nghị bộ phải quy định rõ ràng về việc xử lý những bài thi có viết bậy, vẽ bậy, hai màu mực... - phải hủy luôn hay vẫn tính điểm phần làm được?