Đóng tiền để khỏi... lạc loài!

Sau khi Báo Người Lao Động số ra ngày 19-9 đăng bài “Tiền trường: Đủ kiểu lách để thu”, rất nhiều bạn đọc đã gửi phản hồi phản ứng gay gắt tình trạng lạm thu ở các trường, thậm chí có ý kiến cực đoan kiểu như “học sinh là con tin của nhà trường”.

Một bạn đọc phản hồi rất ngắn gọn: “Cảm ơn bài báo đã thay lời muốn nói của các phụ huynh”. Có bạn đọc đồng cảnh ngộ như một phụ huynh nêu trong bài “vì không muốn con mình lạc loài nên phải đóng tiền”. Bi kịch “thành kẻ lạc loài” đâu chỉ trong chuyện học thêm, ngoại khóa hay vì thể diện mà cả trong chuyện ăn uống, liên hoan nữa, nếu phụ huynh không đóng tiền thì con em mình cũng trở nên lạc loài mất!

img
Các khoản thu được cô giáo đọc cho học sinh chép tại một trường tiểu học của quận Cầu Giấy - Hà Nội.
Trong đó, nhiều khoản không có trong phiếu thu của nhà trường

Bạn đọc phản ứng tiền lạm thu sử dụng rất hoang phí, như năm nào cũng phải đóng tiền mua tivi, mua máy tính, máy lạnh, ghế nhựa… và đặt câu hỏi những thiết bị đó chỉ dùng một năm rồi bỏ sao? Nó đi đâu, về đâu? Tại sao hội cha mẹ học sinh phải lo từ cái bình bông trang trí trong lớp học đến cái ổ khóa lớp học? Tại sao phải đóng góp cho phong trào văn nghệ, thể dục thể thao của nhà trường? Và rất nhiều câu hỏi tại sao mà phụ huynh không thể trả lời nổi!

Hầu hết bạn đọc đều phản ứng trước tình trạng lạm thu và đặt câu hỏi vì sao tình trạng này vẫn tái diễn, vẫn đến hẹn lại lên dù các cấp “quyết liệt” chống lạm thu?

Tất cả những thắc mắc của phụ huynh là chính đáng, phản ánh tình trạng lạm thu trong trường học ngày càng trầm trọng. Tình trạng đó phản ánh một cái nhìn lệch lạc về chủ trương xã hội hóa giáo dục. Thực ra, hội cha mẹ phụ huynh cũng cần có kinh phí để hoạt động nhưng không cần phải thu rất nhiều tiền như thế. Cũng cần có một cơ chế để phụ huynh nào có điều kiện thì đóng góp cho nhà trường trên tinh thần tự nguyện, không nên cào bằng, gây bức xúc cho xã hội.

Với tình trạng lạm thu phức tạp như hiện nay, chắc chắn việc chống lạm thu cũng chỉ là hình thức.