Hệ mặt trời có đuôi

(NLĐO) - Phi thuyền của Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA) xác định được hình dạng trải dài của hệ mặt trời với phần đuôi giống như sao chổi.

NASA hôm 10-7 thông báo rằng phi thuyền Thám hiểm Biên giới giữa các vì sao (IBEX) lần đầu tiên lập bản đồ về các ranh giới ở phần đuôi của nhật quyển.

Thông báo nói rằng hệ mặt trời của chúng ta chuyển dịch trong không gian giống như những vật thể khác dịch chuyển trong môi trường của nó. Cụ thể hơn, hệ mặt trời dịch chuyển giống như sao băng lao vào khí quyển trái đất, tạo nên những phần tử kết thành dòng phía sau nó.  
 
img
Ảnh minh họa của NASA

Sau khi phân tích những hình ảnh của IBEX thu thập được trong 3 năm, các nhà khoa học vẽ nên sơ đồ phần đuôi hệ mặt trời gồm những phần tử chuyển dịch với tốc độ nhanh, chậm khác nhau - chậm ở cạnh bên và nhanh ở trên và dưới. Toàn bộ phần này có cấu trúc xoắn do lực hút và lực đẩy của từ trường ngoài hệ mặt trời.

Dù đã có những bằng chứng do IBEX mang lại nhưng các nhà khoa học vẫn không biết đuôi hệ mặt trời dài bao nhiêu và vẫn chưa có cách để quan sát phần này.

Chuyên gia về sứ mệnh IBEX của NASA Eric Christian cho rằng xác định được phần đuôi của thái dương hệ cũng giống như chúng ta đặt dấu chân lên dải ngân hà và điều đáng phấn khởi là chúng ta bắt đầu hiểu được cấu trúc của nó.