Học bổng du học tiến sĩ 250 USD/tháng: Không đủ tiền thuê nhà

Ngày 8-1-2004 vừa qua, toà soạn Báo Người Lao Động đã nhận được bức thư của anh Nguyễn Đình Hải, giảng viên Trường ĐH Lâm nghiệp, hiện đang là lưu học sinh tại Trường ĐH Seoul Hàn Quốc, kêu cứu về tình trạng hoc bổng du học bằng ngân sách nhà nước dưới mức sống tối thiểu.

Theo thư của anh Hải, anh sang học tại ĐH Seoul Hàn Quốc (Seoul National University) từ tháng 2-2003 và đến nay đã hoàn thành 2 học kỳ. Trước khi sang Hàn Quốc, Bộ GD-ĐT cho biết tại Hàn Quốc chưa có mức cấp sinh hoạt phí nên tạm cấp cho anh 500 USD/tháng. Sau đó 3 tháng, Bộ GD-ĐT có thư thông báo cho anh Hải biết là anh chỉ được nhận 250 USD/tháng và kể từ đó đến nay anh Hải chỉ nhận được 1230 USD.

Anh Hải cho biết, tại Seoul giá sinh hoạt cao, với số tiền 250 USD thì chưa đủ tiền thuê nhà. Để  sống và học tập được ở Hàn Quốc, anh Hải đã phải “cầu” gia đình gửi tiền sang, tuy nhiên, số tiền này cũng không đủ và việc thiếu sinh hoạt phí đã ảnh hưởng không ít đến việc học tập của các lưu học sinh (LHS)….

Nhằm giải quyết khúc mắc của anh Hải cũng như nhiều LHS khác đi học tại nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, Báo Người Lao Động đã phỏng vấn ông Phạm Sĩ Tiến, Trưởng Ban Quản lý dự án Đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoai bằng ngân sách Nhà nước về vấn đề trên.

. Theo thông tin mà một số lưu học sinh đi học bằng ngân sách Nhà nước tại Úc, Hàn Quốc…gửi về, hiện nay mức sinh hoạt phí mà Bộ GD-ĐT cấp cho họ quá thấp, không đủ trang trải cho cuộc sống cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến học tập. Nhiều người đã làm đơn đề nghị bộ tăng mức sinh hoạt phí để cuộc sống tại nước ngoài ổn định hơn nhưng vẫn chưa được đáp ứng, ông giải thích sao về điều này?

- Theo đề án cử cán bộ khoa học kỹ thuật đi học tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước (đề án 322), LHS được cho các khoản học phí, bảo hiểm y tế, vé máy bay, sinh hoạt phí cho LHS. Khi chi các khoản mục này, Bộ GDĐT phải tuân theo các quy định trong thông tư liên bộ 88/TTLB/BTC-BGD&ĐT-BNG ngày 6-11-2001. Trong đó, sinh hoạt phí sẽ được trả bằng đôla Mỹ (USD).

Thời gian gần đây, sự thay đổi về tỉ giá giữa USD và tiền của các nước đã khiến cho số tiền sinh hoạt phí hàng tháng mà lưu học sinh nhận được bằng tiền của các nước bị giảm đi so với năm 2001. Bộ GD-ĐT đã nhận được đơn kiến nghị xem xét mức sinh hoạt phí của nhiều LHS (trong đó có trường hợp của anh Hải, Trường ĐH Lâm nghiệp), của một số đại sứ quán, một số tổ chức xã hội. Chúng tôi cũng biết, hiện nay một số nước quy định mức sinh hoạt phí tối thiểu để có thể xem xét cấp visa nhập cảnh vào nước họ. Mức sinh hoạt phí cấp cho LHS hiện nay không đáp ứng yêu cầu tối thiểu của các nước này, có thể sẽ khó khăn cho lưu học sinh dự định đi học vào thời gian tới. Bộ GD-ĐT đã gửi công văn đề nghị đại sứ quán Việt Nam tại các nước có LHS theo chương trình học bổng nhà nước cho ý kiến về mức sinh hoạt phí của LHS hiện nay. Đa số đều đề nghị nâng mức sinh hoạt phí để giảm khó khăn cho LHS.

. Vậy thì phải chờ đợi đến bao giờ mức sinh hoạt phí dành cho các LHS mới có thể được nâng lên ở mức đủ dùng?

- Để điểu chỉnh mức sinh hoạt phí cần sửa đổi thông tư liên bộ, riêng Bộ GD-ĐT không đủ thẩm quyền mà phải cần có ý kiến của cả Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính. Tại hội nghị kiểm điểm việc thực hiện đề án 322 hồi cuối tháng 12 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã nêu vấn đề này để các bộ có trách nhiệm cùng phối hợp giải quyết.

. Như thế có nghĩa là mức tiền sẽ được điều chỉnh trong thời gian ngắn nhất?

- Các bộ ủng hộ việc điều chỉnh, nhưng đề nghị phải xem xét một cách đồng bộ với các nước và cho các đối tượng cán bộ đang học tập, công tác tại nước ngoài. Tuy đa số đại sứ quán ủng hộ yêu cầu của LHS nhưng cho tới nay, qua nhiều lần liên hệ, Bộ GD-ĐT vẫn chưa nhận được ý kiến của đại sứ quán ở hai nước có không ít LHS theo học bổng của nhà nước. Và vì vậy không còn cách nào khác là tiếp tục phải chờ.

. Nhưng tiền không đủ chi phí cho những yêu cầu tối thiểu thì làm sao các LHS có thể yên tâm đảm bảo việc học của mình?

- Bộ GD-ĐT  biết và đề nghị các LHS khắc phục những khó khăn hiện nay. Chúng tôi hiện đang xúc tiến một cách khẩn trương những công việc đến liên quan đến việc sửa đổi thông tư liên bộ. Vấn đề là không chỉ là từ phía chúng tôi mà còn là sự ủng hộ của các bộ, ngành liên quan, quan trọng lắm.